Liên kết website

Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo hoàn thiện khung tiêu chí chung đánh giá hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật

26/09/2023

Sáng 26/9, tại thành phố Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Khung tiêu chí chung về đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và nắm bắt tình hình triển khai thực hiện Đề án 979 do ông Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục PBGDPL chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Phan Quang Tuấn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai, đồng chí Đinh Hoàng Muôn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn – Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai, cùng các đại biểu đến từ đại diện một số sở, ban, ngành tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Đồng Nai và đại diện phòng chuyên môn của một số đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Đồng Nai, cùng các báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đồng chí Phan Hồng Nguyên cho biết để đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo tinh thần Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư và nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, ngày 12/8/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 979/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” (Quyết định số 979/QĐ-TTg). Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, ban hành Tiêu chí chung đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Thực hiện nhiệm vụ được giao, Cục PBGDPL đã xây dựng dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Khung Tiêu chí chung đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL. Để có cơ sở thực tiễn hoàn thiện dự thảo Quyết định, đồng chí Phan Hồng Nguyên đề nghị các đại biểu cho ý kiến góp ý đối với dự thảo Quyết định.
Trình bày tham luận góp ý tại Hội thảo, đồng Phan Quang Tuấn – Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai cho biết: Thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp quan tâm thực hiện với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiếp cận pháp luật của người dân, góp phần giúp nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu vẫn còn mang tính chất một chiều từ cơ quan thực hiện, chưa có nhiều sự tương tác ngược lại của đối tượng thụ hưởng, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục, pháp luật chủ yếu được đánh giá chung thông qua mức độ ổn định của tình hình an ninh - trật tự, an toàn xã hội vốn dĩ là kết quả của nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc đánh giá hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật cần được thực hiện thường xuyên đối với từng hoạt động PBGDPL cụ thể và cần có một khung tiêu chí để thực hiện thống nhất. Vì vậy việc ban hành Khung tiêu chí chung về đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là cần thiết.
Về cơ bản, đa số đại biểu tham dự Hội thảo nhất trí với nội dung dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Khung Tiêu chí chung đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng đóng góp thêm các ý kiến chất lượng, trách nhiệm, xác đáng, đi thẳng vào vấn đề, là nguồn cơ sở thực tiễn góp phần hoàn thiện dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Khung Tiêu chí chung đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL, chẳng hạn như:
- Đề nghị Bộ Tư pháp có hướng dẫn làm rõ trường hợp đánh giá đầu ra của các hoạt động PBGDPL trực tiếp cho một số đối tượng đặc thù như đối tượng mù chữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người chấp hành hình phạt tù... Đây là những đối tượng có mức độ chuyển biến nhận thức rất thấp so với các đối tượng khác.
- Việc đánh giá mức độ hài lòng khi so sánh số lượng người dân tham gia thực tế và dự kiến là khó khả thi. Do công tác PBGDPL trực tiếp phụ thuộc nhiều yếu tố như trình độ dân trí, điều kiện kinh tế của từng địa bàn. Ví dụ tại một số địa bàn khó khăn về kinh tế, người dân thường quan tâm, chú trọng đến các hoạt động mưu sinh hơn hơn là dành thời gian tham dự các hoạt động PBGDPL trực tiếp.
- Để bảo đảm tính toàn diện, thống nhất cần mở rộng phạm vi áp dụng Khung tiêu chí chung ra nhiều hình thức PBGDPL khác, không chỉ giới hạn trong đánh giá đối với hình thức PBGDPL trực tiếp, truyền thống mà còn phải mở rộng với các hoạt động PBGDPL thông qua mạng internet hoặc các phương tiện truyền thông đại chúng để bảo đảm tính toàn diện. Thực tế cho thấy, người dân có thể sử dụng internet như một kênh thông tin chủ yếu để tìm hiểu pháp luật.
- Đề nghị bổ sung tiêu chí đánh giá hiểu quả PBGDPL thông qua các hành vì của đối tượng thụ hưởng hoạt động PBGDPL trực tiếp khi lan tỏa các kiến thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật được thụ hưởng cho các đối tượng khác xung quanh.
- Đề nghị hoàn thiện khung tiêu chí chung theo hướng tiếp tục phân loại và bổ sung các cơ cấu điểm cụ thể cho từng tiêu chí để các bộ, ngành, địa phương dễ dàng thực hiện và áp dụng thống nhất.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phan Hồng Nguyên đánh giá cao và ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Khung Tiêu chí chung đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL. Đồng chí Phan Hồng Nguyên khẳng định những ý kiến từ hội thảo sẽ là cơ sở bước đầu để gợi mở cho Bộ Tư pháp triển khai có hiệu quả Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL” nói chung và nghiên cứu, xây dựng khung tiêu chí đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL nói riêng trong thời gian tới.
Nguyễn Việt Hà
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: