Liên kết website

Bộ Tư pháp kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật tại xã Tập Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh

24/10/2023

Tiếp nối các hoạt động kiểm tra, khảo sát của Bộ Tư pháp về công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận và Hòa Bình, chiều ngày 20/10/2023, Đoàn kiểm tra do đồng chí Ngô Quỳnh Hoa – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, khảo sát công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và nhận thức, nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân tại xã Tập Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Tham dự kiểm tra, khảo sát, về phía địa phương có ông Trần Hoàng Khâm - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh; ông Huỳnh Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú, đại diện Lãnh đạo Phòng Tư pháp, Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật huyện Trà Cú; các đồng chí lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, các công chức chuyên môn của xã và Trưởng ấp, Tổ trưởng Tổ hòa giải trên địa bàn xã Tập Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Nội dung kiểm tra, khảo sát tập trung vào công tác xây dựng, ban hành văn văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; việc triển khai công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn; tổ chức đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; nguồn lực bảo đảm, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc của địa phương trong triển khai công tác này. Đồng thời, Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra thực tế hồ sơ đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022, hồ sơ trong công tác hòa giải ở cơ sở được lưu trữ tại UBND xã và các tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra.
Qua kiểm tra cho thấy, công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được HĐND, UBND quan tâm triển khai thực hiện. Đối với công tác hòa giải ở cơ sở, UBND xã đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên. Hiện nay, trên địa bàn xã hiện có 09 tổ hòa giải với 69 hòa giải viên đang hoạt động, trong đó có: 09 hòa giải viên là nữ, 49 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số, 01 hòa giải viên có chuyên môn Luật. Tổ hòa giải được công nhận, kiện toàn theo đúng quy định pháp luật, huy động được người có uy tín trong đồng bào tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Tỷ lệ hòa giải thành trung bình đạt trên 82%/năm. Riêng năm 2022, Tổ hòa giải các ấp đã tiếp nhận tổng số 02 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở, hòa giải thành 02/02 vụ, đạt tỷ lệ 100%, trong đó Tổ hòa giải ấp hướng dẫn đương sự đề nghị Tòa án nhân dân huyện công nhận kết quả hòa giải thành 01 vụ. Việc chi thù lao cho hòa giải viên đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, qua đó góp phần tạo điều kiện khuyến khích hòa giải viên tích cực tham gia công tác hòa giải cơ sở tại địa phương. Bên cạnh đó, công tác hòa giải ở cơ sở của xã Tập Sơn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Một số hòa giải viên còn hạn chế về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải; trong thống kê số liệu còn nhẫm lẫn giữa số liệu vụ việc hòa giải do Tổ hòa giải của các ấp thực hiện và vụ việc hòa giải tranh chấp đất đai do UBND xã thực hiện.
Đối với công tác đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và thực hiện tiêu chí tiếp cận pháp luật trong đánh giá nông thôn mới nâng cao được triển khai khá bài bản. Ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND ban hành Quyết định phân công công chức chịu trách nhiệm theo dõi, đánh giá, chấm điểm đối với từng chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật. Quy trình, thủ tục đánh giá, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022 được thực hiện đúng theo quy định, hồ sơ tài liệu kiểm chứng đầy đủ, rõ ràng. Năm 2022, xã được công nhận đạt chuẩn TCPL với điểm số cao 95 điểm. Nhiều nội dung, tiêu chí, chỉ tiêu thực hiện tốt như: Tiêu chí ban hành văn bản để tổ chức thi hành hiến pháp và pháp luật, tiêu chí về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; các chỉ tiêu về giải quyết thủ tục hành chính, an toàn, an ninh trật tự. UBND xã quan tâm bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chú trọng PBGDPL đối tượng đặc thù. Đặc biệt, xã đã xây dựng được các mô hình điển hình về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở hiệu quả đáp ứng các yêu cầu của Quyết định số 1723/QĐ-BTP. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu được thực hiện chưa đảm bảo theo quy định pháp luật, số liệu, hồ sơ còn sai lệch do nhận thức chưa chính xác, đầy đủ về một số nội dung như việc công khai Danh mục thông tin phải công khai, ban hành Kế hoạch PBGDPL, chỉ tiêu về vụ việc hòa giải thành, tiếp nhận và giải quyết phản ảnh, kiến nghị …
 
Kết luận kiểm tra, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ghi nhận sự tích cực, nỗ lực và kết quả đạt được của UBND xã Tập Sơn trong triển khai công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trong bối cảnh phải đảm nhận khối lượng công việc ngày càng nhiều, nguồn lực hạn chế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai công tác hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật trên địa bàn xã vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đồng chí Trưởng đoàn kiểm tra nhấn mạnh để triển khai và nâng cao hiệu quả công tác  hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của các công tác hòa này, phát huy những thế mạnh đạt được, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Đoàn kiểm tra đã chỉ ra. Đối với công tác hòa giải ở cơ sở, cần tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên. Việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP là nhiệm vụ thường xuyên, độc lập và phải bảo đảm thực chất, tránh hình thức. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ nếu có khó khăn, vướng mắc thì xã cần kịp thời đề nghị cấp trên cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
 
Bên cạnh đó, Trưởng đoàn kiểm tra cũng đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Trà Vinh, Phòng Tư pháp huyện Trà Cú tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị cấp xã trên địa bàn, chú trọng việc tổ chức tập huấn, kiểm tra chuyên đề về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật, để từ đó hỗ trợ, giải đáp các vấn đề mà cơ sở còn lúng túng, khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, đề nghị Sở Tư pháp phối hợp với Sở Tài chính sớm tham mưu xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh thay thế các Nghị quyết quy định về mức chi cho công tác PBGDPL, HGOCS, TCPL để bảo đảm mức chi theo Thông tư số 56/2023/TT-BTC mới ban hành; hướng dẫn UBND cấp xã trên địa bàn hàng năm xây dựng Kế hoạch, đề xuất kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để thực hiện các nội dung về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở nhằm bổ sung nguồn lực cho địa phương triển khai tốt hơn nữa công tác này trong thời gian tới./.
Nguyễn Thị Tâm
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: