Liên kết website

Phát huy vai trò của lực lượng công an nhân dân ở cơ sở trong công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới

27/12/2023

Đây là một trong những nội dung được đưa ra để trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở vào tháng 12/2023.

Hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột xã hội giữa các bên với sự hướng dẫn, giúp đỡ của hòa giải viên ở cơ sở để các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở. Theo đó, hòa giải ở cơ sở được thực hiện tốt sẽ góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, ổn định trật tự xã hội, xây dựng xã hội bình yên, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền vững.
Nhận thức được vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 đã xác địnhPhát huy vai trò các tổ hòa giải, các tổ chức chính trị xã hội kịp thời phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột xã hội, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai, môi trường, thực hiện chế độ chính sách, quan hệ lao động, không đề phát sinh vụ việc phức tạp, hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự; xây dựng “thế trận lòng dân” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ; phòng ngừa từ sớm, từ xa, từ cơ sở là chính, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm nhằm giảm bền vững các loại tội phạm và giảm tỷ lệ phạm tội lần đầu.
Hiện nay, hệ thống tổ chức của Công an nhân dân được tổ chức theo 04 cấp hành chính, bao gồm: (1) Bộ Công an; (2) Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (3) Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; (4) Công an xã, phường, thị trấn. Trong đó, Công an xã, phường, thị trấn là Công an cấp cơ sở thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, là lực lượng nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở. Qua 05 năm triển khai thực hiện chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trên toàn quốc, lực lượng Công an xã, thị trấn chính quy trong toàn quốc đã nhanh chóng triển khai bám cơ sở, bám dân; tham mưu với cấp ủy, chính quyền cơ sở ban hành và triển khai kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ nhằm bảo đảm tình hình an ninh trật tự được thực hiện kịp thời, phù hợp với tính chất đặc thù của từng địa bàn. Trong đó, tại một số địa phương, lực lượng Công an xã đã kịp thời tham mưu với cấp ủy, Ủy ban nhân dân cùng cấp đẩy mạnh công tác củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn; đưa Cảnh sát khu vực phụ trách địa bàn vào làm thành viên tổ hòa giải để tăng cường công tác nắm tình hình những mâu thuẫn nội bộ trong nhân dân, từ đó giải quyết kịp thời, dứt điểm không để mâu thuẫn trở nên phức tạp, kéo dài, phát sinh tội phạm.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy vai trò của lực lượng Công an nhân dân ở cơ sở trong công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần nâng cao hiệu quả công tác này, từ đó, phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa, từ cơ sở, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, tăng cường đoàn kết, gắn bó trong nhân dân, lực lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng Công an xã nói riêng thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hòa giải ở cơ sở. Tăng cường phổ biến, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ các quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Thứ hai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác nắm tình hình, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung giải quyết những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đồng thời, qua nắm tình hình, lực lượng Công an cơ sở cũng có thể phối hợp, hướng dẫn hòa giải viên phương pháp tháo gỡ, giải quyết các vụ việc phức tạp, liên quan đến an ninh, không để mâu thuẫn kéo dài, phức tạp theo phương châm “từ mâu thuẫn to thành nhỏ, từ nhỏ thành không còn mâu thuẫn”.
Thứ ba, thường xuyên cung cấp tài liệu và các văn bản pháp luật về an ninh, trật tự cho đội ngũ hòa giải viên; phối hợp xây dựng, quản lý tủ sách pháp luật tại cơ sở để có nguồn văn bản cho hòa giải viên tham khảo.
Thứ tư, kết hợp công tác hòa giải ở cơ sở với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; gắn công tác hòa giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.
Thứ năm, để phát huy vai trò của lực lượng Công an ở cơ sở trong công tác hòa giải ở cơ sở, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân cần thường xuyên trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, cần tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống để tạo được uy tín, mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân cùng với phương pháp vận động khéo léo, hợp tình hợp lý để giải thích, hướng dẫn các bên tranh chấp, giúp họ hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, từ đó có xử sự phù hợp với quy định của pháp luật, chuẩn mực đạo đức xã hội./.
    Nguyễn Kim Thoa  
 Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: