Liên kết website

Phổ biến chủ trương của Đảng, Nhà nước về Khu thương mại tự do tới cộng đồng doanh nghiệp, góp phần sớm hình thành Khu thương mại tự do tại thành phố Đà Nẵng

20/06/2024

Ngày 20/6/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, Chi nhánh Miền Trung – Tây Nguyên phối hợp với Công ty Tư vấn Chiến lược Hải quan – Thương mại CT Strategies (CTS) Việt Nam tổ chức Hội thảo “Khu thương mại tự do – Động lực mới cho phát triển kinh tế khu vực Miền Trung”.

Hội thảo có sự tham gia đồng chủ trì của Tiến sĩ Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Miền Trung – Tây Nguyên; ông Trần Thoang – Giám đốc Công ty CTS Việt Nam; cùng sự tham dự của gần 70 đại biểu là đại diện các Sở, ngành thành phố Đà Nẵng, Ban quản lý các khu công nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Miền Trung.
Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Miền Trung – Tây Nguyên nhấn mạnh: Tại Việt Nam, khu thương mại tự do (KTMTD) là một vấn đề mới, tuy nhiên trên thế giới hiện đã được hơn 150 quốc gia triển khai thành công và đem lại nhiều giá trị to lớn. Do vậy việc nghiên cứu và triển khai thí điểm KTMTD là vô cùng cần thiết nhằm tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Ông nhấn mạnh: mục đích của Hội thảo là giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nắm bắt chủ trương của Đảng, Nhà nước và tham gia hiến kế, đóng góp ý kiến, góp phần sớm hình thành khu thương mại tự do tại khu vực Miền Trung nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Ngô Quỳnh Hoa xác định: Trong bối cảnh Đà Nẵng triển khai thí điểm KTMTD, khi mà Việt Nam vẫn chưa có quy định trực tiếp về mô hình này, Bộ Tư pháp với tư cách là đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ luôn đồng hành cùng các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong một số hoạt động:
i) Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương (cụ thể là Đà Nẵng) nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật liên quan nhằm phục vụ việc xây dựng chính sách thí điểm KTMTD trình Thủ tướng Chính phủ, tạo tiền đề cho việc triển khai vận hành, cũng như xây dựng quy định pháp luật liên quan đến KTMTD sau này;
ii) Đẩy mạnh truyền thông, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, dự thảo đề án, chính sách thí điểm KTMTD, các quy định, công ước quốc tế liên quan đến Khu TMTD mà Việt Nam ký kết tới cộng đồng doanh nghiệp, giúp nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trên phạm vi cả nước về KTMTD, hỗ trợ doanh nghiệp hạn chế rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh khi tham gia đầu tư tại khu vực này.
iii) Định hướng triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cho các Bộ, ngành hiện đang xây dựng các chính sách có liên quan đến Khu TMTD, các địa phương được lựa chọn làm nơi thí điểm xây dựng Khu TMTD thời gian tới, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý tại chỗ, đào tạo và phát triển đội ngũ tư vấn viên đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trong phạm vi KTMTD.
iv) Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan triển khai các chương trình tọa đàm, hội thảo về chính sách pháp luật cho doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng trong KTMTD, đặc biệt, sẽ tổ chức diễn đàn quốc gia về hoàn thiện chính sách, thể chế hỗ trợ doanh nghiệp trong KTMTD sau một thời gian triển khai thí điểm.
v) Ghi nhận, xem xét tiếp thu và mang những tiếng nói, đóng góp và nhu cầu thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp về KTMTD tới các Bộ, ngành xây dựng chính sách, pháp luật, nhằm thúc đẩy sự tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về KTMTD của cộng đồng doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu các chính sách, pháp luật về KTMTD được ban hành đạt hiệu quả cao nhất.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu thống nhất cho rằng KTMTD đặt ra yêu cầu phải có luật riêng tôn trọng các hiệp định thương mại và quy định chung phổ biến của các KTMTD trên giới, trong đó cho phép KTMTD độc lập trong nhiều lĩnh vực, điều mà hiện tại hệ thống pháp luật Việt Nam chưa đáp ứng. Ban quản lý KTMTD được toàn quyền quyết định những vấn đề vận hành KTMTD theo quy định pháp luật, được tạo điều kiện nhằm phát huy tính độc lập và hạn chế tối đa sự can thiệp của các cơ quan chính quyền địa phương.
Ông Trần Thoang, Giám đốc CTS Việt Nam, với kinh nghiệm tư vấn triển khai các KTMTD tại Hoa Kỳ và Dubai, đưa ra đề xuất: các ưu đãi trong KTMTD, đặc biệt là thuế suất liên quan đến hàng hoá và thu nhập doanh nghiệp có thể được miễn, giảm. Tuy nhiên không nên có ưu đãi đối với chính sách cho thuê đất, bởi đất là nguồn tài nguyên quý giá, có hạn của đất nước, mang ý nghĩa thiêng liêng, gắn liền với bao cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Bên cạnh đó, ông cho rằng khi thí điểm KTMTD, cần nhấn mạnh sự tự giác của doanh nghiệp trong KTMTD bởi sự kiểm tra, can thiệp về mặt hải quan tại khu vực này rất lỏng lẻo, do vậy chế tài xử phạt khi có sai phạt cần đặc biệt nặng nhằm đảm bảo tính nghiêm minh và răn đe. Một số ngành nghề cần bị cấm triển khai trong KTMTD, tiêu biểu là khai khoáng, nuôi trồng thuỷ hải sản, nông nghiệp bởi các ngành này đi ngược với mục tiêu của KTMTD, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sản xuất của doanh nghiệp trong KTMTD hoặc có tác động tiêu cực đối với vấn đề an ninh, quốc phòng.
Phía doanh nghiệp đề xuất không được để việc thành lập KTMTD gây đứt gãy, bóp nghẹt chuỗi cung ứng địa phương. Các cơ quan xây dựng chính sách cần nghiên cứu kỹ các tác động của việc thành lập KTMTD tới các doanh nghiệp thuộc chuỗi cung ứng tại địa phương, trong đó KTMTD nên được xây dựng theo hướng hỗ trợ sự phát triển của chuỗi cung ứng thay vì gây ra những cạnh tranh không bình đẳng, lành mạnh khiến cho các doanh nghiệp địa phương mất đi khả năng phát triển. Doanh nghiệp cũng đề nghị thay vì chỉ nghiên cứu những rủi ro một chiều từ phía Nhà nước, các nhà xây dựng chính sách cũng cần chú trọng lắng nghe ý kiến từ phía doanh nghiệp về những rủi ro họ phải chịu đối với các chính sách, quy định pháp luật mà cơ quan Nhà nước ban hành, đề xuất Bộ Tư pháp có tiếng nói với các cơ quan, Bộ, ngành, địa phương có liên quan thúc đẩy quá trình hình thành KTMTD.
Tại Hội thảo, Phó Cục trưởng đã đưa ra một số khuyến nghị cho Đà Nẵng thời gian tới, bao gồm:
- Về việc xây dựng chính sách thí điểm và hoàn thiện khung khổ pháp lý
(i) Đề xuất Đà Nẵng phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan, sớm nghiên cứu, đề xuất xây dựng các chính sách thí điểm KTMTD phù hợp với điều kiện thể chế tại Việt Nam, tránh chồng lấn với những vấn đề đã được pháp luật quy định.
ii) Rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm liên quan đến việc hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng, phát triển KTMTD, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong và ngoài nước yên tâm đầu tư, hoạt động tại KTMTD.
iii) Bên cạnh đó, việc nghiên cứu thí điểm, rút kinh nghiệm đối với KTMTD nên được triển khai đan xen với việc hoàn thiện dần khung khổ pháp lý đầy đủ cho KTMTD, đảm bảo từng bước đúng quy trình, kèm theo việc kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tối đa các rủi ro có thể gặp phải trong thực tiễn triển khai các chính sách về sau.
- Vấn đề phối hợp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
i) Đề xuất Đà Nẵng chủ động xây dựng cơ chế hỗ trợ pháp lý tại chỗ cho các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào KTMTD, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Đường dây nóng (hotline), tiếp nhận và phản hồi ý kiến qua Trang/Cổng PBGDPL của địa phương,…
ii) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp xây dựng các chương trình, kế hoạch đào tạo đội ngũ tư vấn viên pháp luật đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các doanh nghiệp liên quan đến KTMTD.
iii) Phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan triển khai các chương trình tọa đàm, hội thảo về chính sách pháp luật cho doanh nghiệp nói chung và nhỏ, vừa nói riêng trong KTMTD trong quá trình thí điểm; mang những bài học, kinh nghiệm quý giá của địa phương đến với diễn đàn quốc gia về hoàn thiện chính sách, thể chế hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động tại KTMTD sau này.
Đồng kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Miền Trung – Tây Nguyên và bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đánh giá cao những phần trao đổi của của chuyên gia đến từ CTS, những ý kiến phản hồi, góp ý của các doanh nghiệp tới tham dự; khẳng định sự thành công của KTMTD phụ thuộc rất lớn vào sự bắt tay giữa cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp; bên cạnh đó, cam kết Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tiếp tục phối hợp với VCCI trong việc đẩy mạnh tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm đưa mô hình KTMTD tới các địa phương thực hiện thí điểm cũng như các doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu và đầu tư trong thời gian tới.
Nguyễn Thành Huy
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: