Liên kết website

Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

16/07/2024

Chiều 16/7, tại trụ sở Bộ Tư pháp, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tổ chức tọa đàm trực tuyến trao đổi về các nhiệm vụ triển khai Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2024 - 2030” theo Quyết định số 985/QĐ-BTP ngày 31/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (sau đây gọi là Quyết định số 985/QĐ-BTP).

Tham dự tọa đàm có đồng chí Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục PBGDPL; đ/c Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục PBGDPL; đ/c Nguyễn Văn Phụng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Nam; đ/c Võ Khắc Hoan - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Trung; đại diện Lãnh đạo Trường Cao đẳng Luật miền Bắc, Trường Đại học Luật Hà Nội; đại diện Lãnh đạo các phòng, khoa, một số giảng viên của các cơ sở đào tạo luật thuộc Bộ Tư pháp; đại diện Lãnh đạo cấp phòng và một số công chức Cục PBGDPL.
Phát biểu tại tọa đàm, đồng chí Phan Hồng Nguyên cho biết, những nhiệm vụ cụ thể mà các cơ sở đào tạo luật thuộc Bộ Tư pháp được giao theo Quyết định số 985/QĐ-BTP gồm: (i) Thí điểm xây dựng chương trình bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng PBGDPL, trong đó có kỹ năng PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trong các cơ sở đào tạo luật để đào tạo đội ngũ sinh viên, học viên tham gia PBGDPL tại vùng đồng bào DTTS&MN; (ii) Thí điểm thực hiện việc huy động sinh viên, học viên là người DTTS đang theo học tại các cơ sở đào tạo luật tham gia PBGDPL tại vùng đồng bào DTTS&MN theo chương trình, kế hoạch hoạt động của nhà trường.

Đồng chí Lê Vệ Quốc - Cục trưởng Cục PBGDPL chủ trì tọa đàm.
 

Theo báo cáo, Trường Đại học Luật Hà Nội hiện nay có 1.012 học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số đang theo học tại trường hay các phân hiệu. Khoảng 700 học sinh, sinh viên có thể tham gia PBGDPL vì những sinh viên này đã có kiến thức pháp luật… Mặc dù chưa có môn học kỹ năng PBGDPL, tuy nhiên, một số bộ môn hiện đang được giảng dạy ở trường cũng có nội dung có thể hỗ trợ được cho kỹ năng PBGDPL như: Kỹ năng chung về tư vấn pháp luật; các môn tư vấn pháp luật chuyên ngành…. Ông Vũ Văn Cương, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội mong Cục PBGDPL hướng dẫn cách xây dựng các chương trình tập huấn, bồi dưỡng cũng như cách thức để đưa các em sinh viên đi triển khai thí điểm các chương trình PBGDPL cho đồng bào DTTS&MN.
Ông Nguyễn Văn Phụng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Nam đánh giá cao việc tổ chức tọa đàm giữa Cục PBGDPL với các cơ sở đào tạo luật thuộc Bộ Tư pháp về triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 985/QĐ-BTP. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Phụng cũng thông tin, hiện nay, nhà trường đang đào tạo trình độ trung cấp pháp luật và cao đẳng (Cao đẳng Dịch vụ pháp lý và Pháp luật quản lý hành chính công). Trong đó, môn học Nghiệp vụ PBGDPL và hòa giải ở cơ sở - Trung cấp pháp luật và môn học Pháp luật PBGDPL và hòa giải ở cơ sở - Pháp luật về quản lý hành chính công cho 02 chương trình đào tạo với thời lượng 45 tiết (gồm 15 tiết lý thuyết, 28 tiết thực hành/thực tập và 02 tiết kiểm tra) được thiết kế thuộc các môn học thuộc học phần nghiệp vụ, chủ yếu giảng dạy các kỹ năng tuyên truyền…
Trường Cao đẳng Cao đẳng Luật miền Trung cho biết, hiện nay, nhà trường đã có môn học Nghiệp vụ PBGDPL (thời lượng 60 tiết, gồm 30 tiết lý thuyết và 30 tiết thực hành). Môn học này hiện nằm trong chương trình đào tạo hệ Trung cấp và Cao đẳng nghề Pháp luật và nghề Tư pháp cơ sở của nhà trường. Ông Võ Khắc Hoan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cao đẳng Luật miền Trung nhấn mạnh: “Nhà trường luôn sẵn sàng chủ trì, phối hợp với các cơ sở đào tạo luật thuộc Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ xây dựng chương trình và tài liệu bồi dưỡng, tập huấn cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Huy động học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số tham gia PBGDPL, chúng tôi sẽ lựa chọn và tập huấn để sau này đưa các em về cơ sở thực hiện PBGDPL tại địa phương. Xây dựng câu lạc bộ, tổ, nhóm để thực hiện “Phiên tòa giả định”, phối hợp với các đồn biên phòng tham gia các phiên tòa xét xử lưu động. Đề xuất Cục PBGDPL nên tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ, giảng viên của các trường…
Ông Phan Hoàng Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Bắc chia sẻ, đa số sinh viên, học sinh của nhà trường là người DTTS&MN, đó là nguồn nhân lực quan trọng thực hiện công tác PBGDPL cho đồng bào DTTS&MN trong thời gian tới. Trong thời gian qua, nhà trường cũng đã tích cực phối hợp với cơ quan, đơn vị địa phương thực hiện PBGDPL cho đồng bào DTTS&MN. Đồng thời, nhà trường cũng phối hợp với Ủy ban Dân tộc xây dựng tài liệu về kỹ năng PBGDPL cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật vùng đồng bào DTTS&MN. Bên cạnh đó, ông Ngọc cho rằng, việc xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng PBGDPL cho đồng bào DTTS&MN cần được phân kỳ theo giai đoạn để triển khai thực hiện bảo đảm khả thi, vì nhiều chuyên đề chuyên sâu về kỹ năng PBGDPL gắn với từng vùng, miền, lĩnh vực, nội dung cụ thể đòi hỏi có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng…
Đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội và các Trường Cao đẳng Luật cũng bày tỏ mong muốn Cục PBGDPL quan tâm tạo điều kiện cho giảng viên của nhà trường tham gia các lớp bồi dưỡng báo cáo viên pháp luật và xây dựng tài liệu nghiệp vụ PBGDPL cho người DTTS&MN; đề nghị Cục PBGDPL quan tâm cử báo cáo viên pháp luật tham gia làm báo cáo viên cho lớp tập huấn và hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác tổ chức lớp; hỗ trợ giảng viên của nhà trường được tham gia các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng giảng viên nguồn để tập huấn, hướng dẫn kiến thức pháp luật và kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật tại vùng đồng bào DTTS&MN do Bộ Tư pháp tổ chức; tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng cho người dân tộc thiểu số tại các tỉnh được lựa chọn theo Quyết định số 985/QĐ-BTP thuộc khu vực, địa bàn, đề nghị xem xét, ưu tiên chọn nhà trường làm nơi để tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn….
Tại tọa đàm, các đại biểu nhất trí với những nội dung cơ bản về những nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 985/QĐ-BTP. Bên cạnh đó, một số băn khoăn đưa ra, một số kiến nghị, đề xuất cũng đã được các đại biểu bày tỏ tại tọa đàm.


Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm.
 

Phát biểu kết luận tọa đàm, đồng chí Lê Vệ Quốc – Cục trưởng Cục PBGDPL đã giải đáp những băn khoăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 985/QĐ-BTP, đồng thời thống nhất với các trường về cách thức triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, như: phân công Trường Đại học Luật Hà Nội chủ trì xây dựng chương trình bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng PBGDPL (trong đó, có kỹ năng PBGDPL cho đồng bào DTTS&MN) cho sinh viên của trường; Trường Cao đẳng Luật miền Trung chủ trì, phối hợp với Trường Cao đẳng Luật miền Nam, Trường Cao đẳng Luật miền Bắc và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng chương trình khung bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng PBGDPL (trong đó, có kỹ năng PBGDPL cho đồng bào DTTS&MN) cho sinh viên, học sinh của các Trường Cao đẳng Luật để thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào DTTS&MN. Trên cơ sở đó, các Trường Cao đẳng Luật có thể bổ sung những nội dung cần thiết vào chương trình khung bồi dưỡng, tập huấn mang tính đặc thù, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bên cạnh đó, các trường cần chủ động xây dựng kế hoạch riêng để triển khai các hoạt động cụ thể. Cục PBGDPL sẽ có văn bản hướng dẫn thống nhất để các trường thuận lợi trong triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 985/QĐ-BTP./.

Uông Đàm Linh
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Các tin đã đưa ngày: