Liên kết website

Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025-2030”

28/08/2024

Thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 12/5/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN VN trong giai đoạn mới và Kế hoạch công tác của Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương năm 2024, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức nghiên cứu xây dựng dự thảo Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn 2025 – 2030”. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án, ngày 27/8/2024, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Đề án dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Phó Trưởng ban Ban soạn thảo Quyết định phê duyệt Đề án.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Châu Thanh Việt, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố, đại diện phòng tham mưu công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Sở Tư pháp một số tỉnh/thành phố (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên Huế), đại diện một số sở, ngành, đoàn thể, các phòng Tư pháp, phòng Văn hóa – Thông tin thuộc UBND các quận/huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, một số công ty về công nghệ thông tin, công chức của Cục PBGDPL và một số cơ quan báo chí tham dự, ghi hình, đưa tin.
Tại Hội thảo, đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Tổ trưởng Tổ biên tập dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án đã trình bày khái quát về quá trình nghiên cứu, nội dung cơ bản của dự thảo Tờ trình, dự thảo Đề án. Dự thảo Đề án xác định 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó, tập trung vào xây dựng, cập nhật các cơ sở dữ liệu về PBGDPL (các quy định pháp luật; các tình huống pháp lý phổ biến, hỏi - đáp pháp luật, các vấn đề vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật; thông tin nghiên cứu pháp luật…), đồng thời có sự kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu khác. Phát triển Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia là trung tâm cung cấp thông tin pháp lý, PBGDPL cho người dân và doanh nghiệp và thực hiện đồng bộ dữ liệu, kết nối với Cổng/Trang Thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức ở trung ương, địa phương. Ứng dụng các công nghệ cốt lõi của chuyển đổi số để xây dựng các ứng dụng PBGDPL, trọng tâm là nghiên cứu, thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thực hiện giải đáp, tư vấn pháp luật trực tuyến và các hình thức phù hợp khác để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong một số lĩnh vực và đối tượng cụ thể, ưu tiên các đối tượng đặc thù theo quy định của pháp luật…
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia, các đại biểu đến từ Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng, VNPT thành phố Đà Nẵng, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện VTC, Công ty Cổ phần truyền thông quốc tế Incom… trình bày những nội dung cơ bản liên quan đến các giải pháp mang tính căn cơ để thực hiện  chuyển đổi số trong công tác PBGDPL như giải pháp về tổng đài tư vấn pháp luật và kết nối các mạng viễn thông trong quá trình triển khai chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; Xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến; game hoá học liệu số; ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác PBGDPL…
Các đại biểu đã tích cực trao đổi, cho ý kiến cụ thể về tính khả thi, phù hợp của các mục tiêu đặt ra và các nhiệm vụ, giải pháp. Đồng thời trao đổi, chia sẻ một số kinh nghiệm thực tiễn, đề xuất những ý kiến có giá trị để hoàn thiện dự thảo Đề án, trong đó các đại biểu đề nghị xây dựng kho dữ liệu PBGDPL tập trung, trung ương (Bộ Tư pháp) quản lý chung, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương cập nhật theo phạm vi và địa bàn quản lý; cần có chiến lược về dữ liệu, quy hoạch, xây dựng cấu trúc dữ liệu; cân nhắc chỉnh lý về chỉ tiêu của các mục tiêu của Đề án đảm bảo phù hợp.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát các nhiệm vụ, giải pháp và nghiên cứu xác định lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, có tính đến đặc thù vùng miền, nhất là đối tượng người dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; xem xét về phạm vi, quy mô cũng như các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện, trong đó cân nhắc một số giải pháp phù hợp cho các đối tượng cụ thể như người khuyết tật; mở rộng đối tượng thực hiện Đề án không chỉ là người trong độ tuổi lao động như quy định tại dự thảo. Đồng thời, đề nghị hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong công tác PBGDPL (tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số, sản xuất nội dung số trong PBGDPL).
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL, Phó Trưởng ban Ban soạn thảo dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án đã ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu; trao đổi, làm rõ hơn một số nội dung của dự thảo Đề án mà đại biểu quan tâm; đồng thời đề nghị Tổ biên tập tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Đề án bảo đảm chất lượng, hiệu quả, khả thi để trình Ban Soạn thảo, Lãnh đạo Bộ cho ý kiến trong thời gian tới./. 
Thanh Trang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: