Liên kết website

Các bộ, ngành tích cực phối hợp xây dựng nội dung Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024

07/10/2024

Sáng ngày 07/10/2024, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương đã tổ chức cuộc họp với đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc các bộ, ngành tham gia tổ chức Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024.

Đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp, về phía Bộ Tư pháp, có đại diện Lãnh đạo các đơn vị gồm: Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật; Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính.
Về phía các bộ, ngành, có đại diện Lãnh đạo các đơn vị gồm: Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính; Vụ Pháp chế, Cục Quản lý nhà ở và thị trường bất động sản, Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Vụ Quy hoạch – Kiến trúc, Bộ Xây dựng; Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Vụ Pháp chế, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Báo cáo tại cuộc họp, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa trao đổi: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, các thành viên Ban Tổ chức; đề xuất, góp ý của thành viên Tổ Giúp việc, các chuyên gia, các Bộ, ngành có liên quan, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã chuẩn bị sản phẩm liên quan đến nội dung các Phiên thảo luận tại Diễn đàn.
Hiện nay, theo Báo cáo số 332/BC-BTP ngày 13/8/2024 của Bộ Tư pháp về rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật: Quy trình thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất phải thực hiện qua nhiều thủ tục, mất nhiều thời gian, làm giảm khả năng cạnh tranh, thu hút nguồn đầu tư vào Việt Nam (Khoảng trên dưới 40 thủ tục xuyên suốt trên các lĩnh vực đầu tư, đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy,... được thực hiện trong khoảng hơn 310 ngày). Các quy trình, thủ tục này liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số Bộ, ngành có liên quan khác.Vì vậy, để đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ, đồng thuận đối với các Phiên thảo tại Diễn đàn, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đề nghị đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc các Bộ, ngành cho ý kiến về các sản phẩm của các Phiên thảo luận hiện nay, đặc biệt là nội dung và phạm vi các vấn đề trao đổi, tương tác có liên quan đến chuyên ngành và phạm vi quản lý của các Bộ có liên quan.
Bên cạnh đó, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa cũng thông tin về thành phần tham dự, bên cạnh đại biểu đại diện cho các bộ, ngành trung ương và đại diện lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp tiêu biểu, để lan toả tinh thần chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý của doanh nghiệp từ trung ương đến các địa phương, Diễn đàn sẽ được tổ chức trực tuyến, kết nối với 63 địa phương với đại diện lãnh đạo Hội đồng phối hợp PBGDPL cấp tỉnh chủ trì và sự tham dự của lãnh đạo các Sở, ngành, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nhân tại các địa phương.
Trao đổi tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao về nội dung chuẩn bị cho Diễn đàn của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật. Các đại biểu cơ bản nhất trí với những khó khăn, bất cập đã được phản ánh trong Báo cáo 332/BC-BTP của Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị cần rà soát, cập nhật kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực sau thời điểm ban hành Báo cáo 332/BC-BTP để bảo đảm cập nhật kịp thời, thể hiện được sự quan tâm, trách nhiệm, vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các bộ, ngành trong hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, vì sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, các đại biểu cũng tích cực đóng góp ý kiến chuyên môn để thống nhất nội dung thảo luận của Diễn đàn.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương ghi nhận, đánh giá cao sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các đơn vị thuộc các bộ, ngành có liên quan trong quá trình tổ chức Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024.
Đồng chí chia sẻ, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật cho doanh nghiệp thời gian qua đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có những phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp về một số vướng mắc pháp lý, một số quy định chưa thực sự tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó có nhiều ý kiến về vấn đề thủ tục đầu tư có liên quan đến sử dụng đất còn phiền hà; pháp luật về thuế còn có những vấn đề chưa thật sự thoả đáng, chưa bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước và doanh nghiệp.
Thông qua cơ chế Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương với sự tham gia của Lãnh đạo các bộ, ngành là Thành viên, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các vấn đề pháp lý cần giải quyết của doanh nghiệp sẽ được phân giao cho các thành viên Hội đồng để nhận diện đúng, đầy đủ, xác định đâu là vấn đề của thể chế, đâu là vấn đề về thực thi, để đưa ra các giải pháp gắn kết giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Những vấn đề pháp lý này có sự tham gia xử lý của liên ngành thì sẽ giải quyết được một cách tổng thể. Hội đồng sẽ có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi để các vấn đề pháp lý đó được giải quyết, xử lý đến cùng, phúc đáp yêu cầu của doanh nghiệp theo đúng tinh thần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể phục vụ.
Đây là dịp để tăng cường sự quan tâm của lãnh đạo địa phương trong việc tháo gỡ các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp. Thứ trưởng bày tỏ hy vọng cách làm này của Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật trung ương sẽ được triển khai nhân rộng; khuyến khích các địa phương tổ chức các diễn đàn hay các hoạt động tương tự để kịp thời tháo gỡ các vấn đề về pháp lý cho doanh nghiệp trong địa phương mình.
Nguyễn Việt Hà
                                                                  Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: