Tham gia Đoàn kiểm tra gồm các thành viên là đại diện một số ban, bộ ngành: Vụ Pháp luật, Ban Nội chính Trung ương; Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương; Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương; Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông; Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp; Ban Thư ký Biên tập, Đài truyền hình Việt Nam.
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Minh Hùng, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL cho biết công tác PBGDPL gắn liền với nhiệm vụ chính trị, chức năng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước được Đài Tiếng nói Việt Nam lập kế hoạch công tác hàng năm của Đài. Đồng thời, hàng quý, hàng tháng và hàng tuần, lãnh đạo Đài giao cho các đơn vị trực thuộc tổ chức sản xuất, phát sóng các chương trình, phóng sự, tọa đàm, phỏng vấn, phim tư liệu, kịch, video clip… để truyền thông, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Công tác truyền thông, phổ biến pháp luật được Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện trên nhiều nền tảng phát thanh, truyền hình, báo chí, truyền thông đa phương tiện. Hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện truyền thông, phổ biến pháp luật trên 15 kênh phát thanh (Kênh Thời sự - VOV1, Kênh Văn hóa Xã hội - VOV2, Kênh Dân tộc - VOV4, Kênh Đối ngoại - VOV5, Kênh VOV Giao thông - OVGT)… 8 kênh truyền hình (Truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam - VOVTV, Đài Truyền hình kỹ thuật số - VTC…) 02 báo điện tử (Báo Điện tử: VOV.VN và VTC News); 01 báo in (Báo Tiếng nói Việt Nam); 03 App (VOV – Tiếng nói Việt Nam, VOV Media Online, VOVtv). Ngoài ra, Đài Tiếng nói Việt Nam còn sử dụng các mạng xã hội như zalo, fanpage facebook, You tube, Tiktok, Podcast… để tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Với vai trò là cơ quan chủ lực trong thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Đài Tiếng nói Việt Nam đã xây dựng 06 cơ quan thường trú của Đài tại các vùng, miền trên cả nước. Theo đó, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát thanh 13 thứ tiếng dân tộc thiểu số để thông tin về lĩnh vực pháp luật cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và phát thanh 13 tiếng ngoại ngữ cho thính giả ở nước ngoài và kiều bào xa tổ quốc. Các chương trình của Đài đều nhận được sự quan tâm, theo dõi của thính giả, nhiều chương trình nhận được sự tương tác của thính giả như Giờ cao điểm, Dự thảo trên tay, Đường dây nóng thính giả, Góc tư vấn, Cầm tay chỉ luật, Theo chân thính giả…
Mặc dù công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật của Đài Tiếng nói Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, chi đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo Đài. Tuy nhiên, công tác truyền thông, phổ biến pháp luật của Đài cũng gặp một số khó khăn: Một số cơ quan đơn vị còn e ngại cung cấp thông tin cho phóng viên, từ chối phỏng vấn hoặc đòi hỏi thủ tục hành chính đã khiến việc đưa tin chưa kịp thời làm hạn chế vai trò dẫn dắt truyền thông của Đài (nhất là trong việc cung cấp thông tin về dự thảo chính sách pháp luật, thông tin pháp luật đối với vấn đề nóng, dư luận xã hội quan tâm).
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đề nghị Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương có chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp, cung cấp thông tin dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan mình chủ trì soạn thảo để Đài Tiếng nói Việt Nam kịp thời truyền thông, định hướng dư luận và tiếp nhận ý kiến phản biện nhằm hoàn thiện dự thảo chính sách, bảo đảm tính khả thi; đề nghị Bộ Tư pháp – cơ quan thường trực của Hội đồng tổ chức các lớp về tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các phóng viên, biên tập viên để trau dồi kiến thức cho những người trực tiếp thực hiện công tác đưa tin về pháp luật.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Đinh Thị Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương đánh giá buổi làm việc nghiêm túc, bám sát vào định hướng nội dung kiểm tra mà Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương đề ra. Đồng chí Đinh Thị Mai yêu cầu trong thời gian tới Đài Tiếng nói Việt Nam tiếp tục phát huy kết quả đạt được và quan tâm triển khai những nhiệm vụ sau: (1) Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội đồng phối hợp PBGDPL Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức triển khai hiệu quả công tác PBGDPL theo quy định tại Chỉ thị số 32-CT/TW, Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư, Luật PBGDPL và văn bản hướng dẫn thi hành, Quyết định số 1521/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; (2) Phát huy vai trò của cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện trong công tác PBGDPL, truyền thông dự thảo chính sách “từ sớm, từ xa”, kịp thời, chính xác để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin pháp luật của người dân; (3) Tiếp tục kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL Đài Tiếng nói Việt Nam; có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Hội đồng của Đài Tiếng nói và tăng cường hơn nữa vai trò các đơn vị thành viêncủa Hội đồng phối hợp PBGDPL Đài Tiếng nói Việt Nam trong tham mưu PBGDPL trên các kênh sóng của Đài; (4) Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào trong công tác thông tin, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước nói riêng và thông tin nói chung bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân; (5) tập trung nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các đề án Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027”; Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”; (6) Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho các đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Đài.
Vi Sa
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp