Liên kết website

Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo Đánh giá tình hình thực hiện triển khai công tác chuẩn tiếp cận pháp luật tại Thanh Hóa

01/11/2024

Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đây là một trong những nhiệm vụ thiết thực để xây dựng và hoàn thiẹn nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Đặc biệt, tiếp cận pháp luật là một trong những tiêu chí để xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Để đánh giá kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật, sáng ngày 01/11/2024, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội thảo “Đánh giá tình hình thực hiện triển khai công tác chuẩn tiếp cận pháp luật” tại tỉnh Thanh Hóa. Hội thảo do đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật chủ trì.

Tham dự Hội thảo có đại diện Sở Tư pháp các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Bắc Giang, Lai Châu, đại diện Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật các huyện, thị xã, thành phố và công chức tư pháp – hộ tịch các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa nhấn mạnh: Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thông qua 5 tiêu chí và 20 chỉ tiêu của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg đã đưa việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã đi vào nề nếp, nâng cao chất lượng công tác, đây cũng là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, góp phần bảo đảm quyền công dân.
Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi về sự cần thiết của Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay và nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền hành chính cấp xã – là cơ quan hành chính gần dân nhất, hiểu dân nhất để phục vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Đồng thời các đại biểu cũng nêu một số vướng mắc, bất cập trong Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg như việc thực hiện chỉ tiêu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các quy định về hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải sở, chưa quy định việc đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật đối với các xã sáp nhập đơn vị hành chính… Một số đại biểu cũng nêu những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai đánh giá, công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận như: Lãnh đạo chính quyền chưa quan tâm chỉ đạo các bộ phận, đơn vị chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ, chưa phân công công chức phụ trách các lĩnh vực công tác phải triển khai nhiệm vụ ngay từ đầu năm theo các tiêu chí đề ra tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; việc đánh giá, công nhận xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận còn bị coi là nhiệm vụ của công chức tư pháp, ngành tư pháp; các bộ phận, đơn vị chuyên môn tại UBND cấp xã không phối hợp lập hồ sơ đánh giá tiếp cận pháp luật của xã…
Đại diện công chức địa phương phát biểu ý kiến tại Hội Thảo

 Lắng nghe những ý kiến phát biểu tại Hội thảo, đại diện Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg mà các đại biểu đã nêu, như: chính quyền cấp xã chỉ được ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi được luật giao (Điều 30 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) – trong năm 2023 là việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 35 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; mức chi thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở quy định tại Thông tư số 56/2023/TT-BTC là mức chi tối đa, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định các mức chi cụ thể để thực hiện cho phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách của địa phương; cần tăng cường truyền thông, nâng cao trách nhiệm cho lãnh đạo chính quyền cấp xã để có lãnh đạo, chỉ đạo các bộ phận, phòng, ban tham mưu thực hiện có hiệu quả tiếp cận pháp luật… Đồng thời, đại diện Bộ Tư pháp cũng nêu và phân tích những điểm mới của Quyết định số 1143/QĐ-BTP ngày 20/6/2023 của Bộ Tư pháp hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu “tiếp cận pháp luật” trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh.
Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật kết luận tại Hội thảo

Kết luận Hội thảo, đồng chí Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật ghi nhận những những khó khăn, thách thức trong thực hiện đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội thảo để phục vụ sơ kết 03 năm thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg trong năm 2025. Đồng chí Ngô Quỳnh Hoa cũng đề nghị địa phương: (i) Tăng cường tập huấn cho cấp xã theo hướng cầm tay chỉ việc; cung cấp tài liệu hướng dẫn thực hiện TCPL (tài liệu đã được Bộ Tư pháp đăng tải trên trang web); (ii) tăng cường tọa đàm, kiểm tra tại cơ sở, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở để công tác này đi vào thực chất trong thời gian tới; (iii) Cấp sở, cấp huyện phải kịp thời hướng dẫn, tham mưu cấp tỉnh, cấp huyện bố trí kinh phí cho công tác PBGDPL, TCPL, HGCS; (iv) tăng cường truyền thông về tiếp cận pháp luật, quán triệt việc thực hiện TCPL không chỉ là nhiệm vụ của công chức tư pháp - hộ tịch mà là của tất cả các phòng, ban của xã, các cán bộ, công chức phải tham gia vào việc thực hiện TCPL./.
Vi Sa
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

 

 
Các tin đã đưa ngày: