Phát biểu khai mạc Toạ đàm, đồng chí Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ tư pháp cho biết qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, tại các bộ, ngành, địa phương đã triển khai các mô hình mới, cách làm hiệu quả về phổ biến, giáo dục pháp luật. Thực hiện chủ trương đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và mong muốn huy động các nguồn lực xã hội cho công tác này tại cơ sở, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu trách nhiệm xã hội nghiên cứu, xây dựng dự thảo mô hình “Điểm hỗ trợ pháp luật cộng đồng miễn phí”. Mô hình nhằm mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ sở, chú trọng các đối tượng đặc thù, yếu thế theo quy định của pháp luật và huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường quan hệ phối hợp trong triển khai công tác này. Để xây dựng kế hoạch triển khai mô hình “Điểm hỗ trợ pháp luật cộng đồng miễn phí” có chiều sâu, phù hợp với thực tiễn, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật tổ chức Toạ đàm nhằm lấy ý kiến của các nhân, tổ chức có liên quan và sẽ nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo kế hoạch trong thời gian tới.
Tại Toạ đàm, đồng chí Trần Văn Tuỳ, Phó Trưởng phòng Phòng Truyền thông chính sách, phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã thông tin về tình hình thực hiện các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương trên cả nước, chia sẻ một số tiêu chí đánh giá tính hiệu quả của một mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như thông tin chi tiết về mô hình “Điểm hỗ trợ pháp luật cộng đồng miễn phí”. Các hoạt động chính của Điểm hỗ trợ pháp luật cộng đồng miễn phí là: Tư vấn, cung cấp thông tin pháp luật cho cộng đồng dân cư; tư vấn các thủ tục pháp lý cho các nhóm dân cư yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng dân cư; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân tổ chức các hoạt động phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng, phát hành các tài liệu/công cụ truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật (tờ rơi, tờ gấp, sổ tay, sách, video tiểu phẩm pháp luật...).
Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đánh giá cao kết quả rà soát các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương do Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện. Có thể thấy các mô hình do các bộ, ngành, địa phương đề xuất đều là những mô hình đặc trưng, khi thực hiện tại các địa phương đã có hiệu quả tích cực làm thay đổi nhận thức pháp luật, hành vi, thái độ của đối tượng thụ hưởng, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an sinh xã hội trên địa bàn triển khai. Thông qua đó, các cơ quan, ban, ngành, địa phương thuộc tỉnh Sóc Trăng có thể tham khảo để triển khai các mô hình này trên địa bàn. Cùng với đó, các đại biểu tham dự Tọa đàm cũng thông tin thêm về các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiện đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đồng thời góp ý hoàn thiện nội dung của dự thảo báo cáo kết quả rà soát các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương.
Đối với mô hình “Điểm hỗ trợ pháp luật cộng đồng miễn phí”, các đại biểu đánh giá cao mô hình này, đồng thời cho rằng đây là một mô hình có tính khả thi và phù hợp với điều kiện hiện nay, đặc biệt đây là mô hình hướng tới các đối tượng yếu thế. Các đại biểu tham dự Tọa đàm là các luật sư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao mô hình “Điểm hỗ trợ pháp luật cộng đồng miễn phí”, đồng thời nhấn mạnh thông qua mô hình này các luật sư, luật gia có thể thực hiện trách nhiệm xã hội nghề nghiệp của mình. Các đại biểu cũng góp ý về việc nội dung pháp luật truyền tải của mô hình cần phải bám sát nhu cầu thực tiễn của người dân. Một mặt vừa xây dựng mô hình đáp ứng nhu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật về các vấn đề cấp thiết, nổi cộm gắn liền với cuộc sống của người dân như: hôn nhân gia đình, phòng chống tảo hôn, bình đẳng giới,… Mặt khác, mô hình cũng cần đáp ứng vấn đề phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các chủ trương, chính sách và các quy định mới của pháp luật hiện hành. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, một số đại biểu tham dự Tọa đàm cũng đặt ra vấn đề về kinh phí duy trì hoạt động của mô hình này. Đồng thời, cần phân biệt rõ hoạt động của các “điểm hỗ trợ pháp luật cộng đồng miễn phí” với các Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước bởi có cùng đối tượng hướng tới là người yếu thế.
Kết luận Toạ đàm, đồng chí Phan Hồng Nguyên cảm ơn ý kiến góp ý của các đại biểu đối với dự thảo Kế hoạch triển khai thí điểm mô hình “Điểm hỗ trợ pháp luật cộng đồng miễn phí” và các ý kiến chia sẻ về tình hình triển khai thực hiện các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương trong thời gian qua. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Tọa đàm, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện trong thời gian tới./.