Liên kết website

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm tính đặc thù

25/11/2024

Thực hiện Quyết định số 979/QĐ-TTg ngày 12/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” (Đề án 979) và Quyết định số 1666/QĐ-BTP ngày 09/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Tiêu chí chung đánh giá thí điểm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), ngày 25/11/2024, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Tiêu chí riêng đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL của Bộ (sau đây gọi là dự thảo tiêu chí) do hai chuyên gia là PGS.TS Vũ Thu Hạnh, TS. Lê Kim Dung xây dựng. Hội thảo do đồng chí Phạm Thị Thanh Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì. Tới dự và góp ý dự thảo tiêu chí có TS.Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp, đại diện một số đơn vị trong và ngoài Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (gồm Cục An toàn Lao động; Viện Khoa học Lao động và Xã hội; Tạp chí Tòa án nhân dân; Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc; Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp...).

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã trình bày tóm tắt các tiêu chí dự kiến áp dụng cho việc thí điểm đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước và kết quả đầu ra của các hoạt động PBGDPL trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động. Theo đó, các tiêu chí được xây dựng theo hướng cụ thể hóa các tiêu chí chung thành các mức độ đánh giá cụ thể, đồng thời bổ sung một số tiêu chí riêng phù hợp với đặc thù trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động như tiêu chí về số lượng cải tiến, sáng kiến kỹ thuật, cải tiến điều kiện lao động, biện pháp phòng ngừa rủi ro; tiêu chí về số lượng bài viết, ấn phẩm, hội thảo, tập huấn được thực hiện...
 

PGS.TS Vũ Thu Hạnh (ảnh trái) và TS. Lê Kim Dung (ảnh phải) trình bày dự thảo tiêu chí tại Hội thảo

Tại Hội thảo, TS. Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL đánh giá việc lựa chọn lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động làm lĩnh vực thí điểm đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL là rất phù hợp, đáp ứng đúng chủ trương lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm triển khai hoạt động PBGDPL. Đây là lĩnh vực thiết yếu, liên quan mật thiết đến quyền và lợi ích của người lao động trong doanh nghiệp, một trong các đối tượng đặc thù theo Luật PBGDPL.

Chuyên gia phản biện Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng phòng Huấn luyện và Thông tin an toàn, vệ sinh lao động, Cục An toàn Lao động, Bộ Lao động – Thương binh
và Xã hội phát biểu tại Hội thảo


Bên cạnh việc chi tiết, lượng hóa các tiêu chí chung thành từng mức độ đánh giá riêng biệt, dự thảo tiêu chí cần có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ lượng để xây dựng thêm các tiêu chí riêng phản ánh đúng các đặc thù trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động. Đặc biệt, trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, ngoài trách nhiệm PBGDPL của các cơ quan nhà nước, pháp luật còn có quy định về trách nhiệm của các doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải thực hiện các hoạt động PBGDPL cụ thể cho người lao động. Do đó, việc xây dựng dự thảo tiêu chí cần có những tiêu chí riêng để phân tách đâu là tiêu chí áp dụng cho các cơ quan nhà nước, đâu là tiêu chí cho các doanh nghiệp, người sử dụng lao động…Ngoài ra, việc đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong tiêu chí xây dựng Kế hoạch PBGDPL cần bám sát theo các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 được xác định trong kế hoạch công tác của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để có sự phân loại, xác định trọng số điểm ưu tiên tương ứng với từng đối tượng người lao động, nội dung và hình thức PBGDPL cụ thể. TS. Lê Vệ Quốc cũng nhấn mạnh, cần thống nhất nhận thức về mục tiêu của việc đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL không phải để thi đua, khen thưởng, xếp loại… mà là công cụ phục vụ việc soi chiếu, đánh giá sự nghiêm túc, phòng tránh lãng phí trong triển khai các hoạt động PBGDPL theo đúng tinh thần chỉ đạo “chống lãng phí” của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.

TS.Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo


Do đó, các tiêu chí trong dự thảo phải bảo đảm đúng nguyên tắc lượng hóa đầu ra cụ thể của từng hoạt động PBGDPL, có sự so sánh kết quả dự kiến với kết quả thực tế đạt được. Về mối quan hệ giữa tiêu chí bảo đảm kinh phí từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa, đồng chí Quốc cho rằng, cần có sự linh hoạt trong đánh giá theo hướng việc bố trí đủ kinh phí cần kết hợp giữa nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác, đồng thời có sự ưu tiên, khuyến khích điểm số đối với các đơn vị huy động được nhiều kinh phí từ nguồn xã hội hóa...

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo


Trên tinh thần cởi mở, Hội thảo đã có hơn 10 lượt ý kiến phát biểu, góp ý hoàn thiện dự thảo tiêu chí như: cần đa dạng hóa các mức độ đánh giá để bảo đảm tính linh hoạt, phản ánh đúng thực chất công tác PBGDPL; làm rõ mối quan hệ trong thực hiện đánh giá tiêu chí bảo đảm kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước và tiêu chí xã hội hóa công tác PBGDPL; quy định cụ thể các nguồn tài liệu kiểm chứng để bảo đảm tính khả thi trong việc thu thập; bổ sung tiêu chí đánh giá hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác PBGDPL; chỉnh sửa, hoàn thiện tiêu chí về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số bảo đảm tính chính xác, phù hợp với đặc điểm trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động; các tiêu chí đánh giá kết quả đầu ra hoạt động PBGDPL trong dự thảo phải xuất phát từ đánh giá của các đối tượng thụ hưởng và sự đo lường tác động của công tác PBGDPL tới hoạt động quản lý nhà nước thuộc phạm vi quản lý...
 

Đồng chí Phạm Thị Thanh Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế,
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội thảo


Kết luận tại Hội thảo, đồng chí Phạm Thị Thanh Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết và giá trị các ý kiến góp ý của các đại biểu tham dự Hội thảo. Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo tiêu chí để bảo đảm việc đánh giá thí điểm hiệu quả công tác PBGDPL phản ánh đúng thực chất, phù hợp với các đặc thù trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động./.

T.K
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

Các tin đã đưa ngày: