Liên kết website

Tọa đàm "Các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên"

25/08/2015

Thực hiện Kế hoạch Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2011 - 2015, chiều ngày 21/8/2015, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm về "Các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên".

 

Tới dự và đồng chủ trì Tọa đàm là đồng chí Nguyễn Long Hải - Bí thư Ban chấp hành TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam và đồng chí Đỗ Xuân Lân - Q. Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp. Tham dự Tọa đàm là các đại biểu đại diện Bộ Tư pháp, Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đại diện Bí thư tỉnh Đoàn, Thường trực Tỉnh Đoàn một số tỉnh, đại diện công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, đại diện các trường Đại học và UBND cấp xã trên địa bàn Thành phố Hà Hội.

Tại Tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi về các kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng thanh, thiếu niên cụ thể như: thanh thiếu niên là phạm nhân, trại viên, học sinh tại các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; là người dân tộc thiểu số; thanh thiếu niên đi lao động ở nước ngoài, trong trường học, đối tượng nữ thanh niên; là công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; thanh, thiếu niên tự do, sinh sống, lao động tại địa bàn cư trú... Qua đó, làm rõ những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân; trên cơ sở đó đề ra các giải pháp tiếp tục hoàn thiện mô hình để đáp ứng nhu cầu của thanh, thiếu niên và yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đa số các ý kiến phát biểu tại Tọa đàm đều cho rằng việc xây dựng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên phải xuất phát từ nhu cầu và phải lấy đối tượng thanh, thiếu niên làm trung tâm, đảm bảo tính hiệu quả, tính ổn định và bền vững. Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cần so sánh tham chiếu để học hỏi kinh nghiệm hay trong tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng thanh, thiếu niên của một số nước trong khu vực và trên thế giới. Các ý kiến trao đổi, kiến nghị đề xuất của các đại biểu tham dự Tọa đàm sẽ tạo cơ sở cho việc đề xuất các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả cho thanh, thiếu niên nói riêng, đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung trong thời gian tới.

 

Các tin đã đưa ngày: