Liên kết website

Khắc phục hạn chế và bất cập trong phổ biến pháp luật

15/10/2010

Hôm qua – 12/10, tại Cần Thơ, Bộ Tư pháp và Dự án JUDGE phối hợp tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật phổ biến, giáo dục pháp luật (Luật PBGDPL).

 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền, Phó trưởng Ban soạn thảo dự án Luật PBGDPL, cho rằng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên phạm vi cả nước thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, thực tiễn quản lý nhà nước và thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thời gian qua còn gặp khó khăn, bất cập, chưa xây dựng được một văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao để điều chỉnh toàn diện công tác này... “Việc xây dựng và thông qua dự án Luật PBGDPL là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật,  góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và mọi công dân về vị trí, vai trò của pháp luật và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong đời sống xã hội” - Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền nhận định. 

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề như phương thức phối hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;  Vấn đề xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Đề xuất quy định về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Luật sư, Đoàn Luật sư, luật gia, trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Tư pháp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật,...

TS Phan Trung Hiền, Phó Trưởng khoa Luật (Đại học Cần Thơ) cho rằng,  cần quy định một chế độ “thưởng, phạt” rõ ràng đối với các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp các thông tin pháp luật vì “đã được quy định là phải công khai, phải  cung cấp”. Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An Nguyễn Văn Lâm đề nghị cần quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong việc phổ biến giáo dục pháp luật và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan này với cơ quan Tư pháp các cấp. Đồng thời, xác định rõ quyền hạn về chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan Tư pháp các cấp đối với đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như báo cáo viên pháp luật, pháp chế của các Sở ngành. 

Ông Nguyễn Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong nhiều hoạt động, Mặt trận đều lồng ghép công tác tuyên truyền pháp luật. Ở Vĩnh Long, công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật được gắn cụ thể vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, từ đó làm chuyển biến rõ nét nhận thức của nhân dân về chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư. “Trong dự thảo Luật PBGDPL cần bổ sung 1 Điều nói cụ thể về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phổ biến giáo dục pháp luật” -  ông Nhỏ kiến nghị.

Ngọc Long

Nguồn: http://www.phapluatvn.vn/tuphap/201010/Khac-phuc-han-che-va-bat-cap-trong-pho-bien-phap-luat-2008552/
Các tin đã đưa ngày: