Liên kết website

Ban hành hướng dẫn cách thức thi Vòng chung kết Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường”

03/03/2020

Ngày 02/3/2020, Ban Tổ chức Cuộc thi đã ban hành Công văn số 672/BTCCT hướng dẫn cách thức thi Vòng chung kết Cuộc thi trực tuyến toàn quốc “Pháp luật học đường”.

Về cách thức thi:
Vòng chung kết được chia thành Vòng đấu loại trực tiếp và Vòng xếp hạng toàn quốc theo cách thức thi như sau:
- Vòng đấu loại trực tiếp: 30 thí sinh/bảng làm bài trắc nghiệm trên máy tính đã chuẩn bị tại sân khấu. Mỗi thí sinh trả lời 20 câu hỏi trắc nghiệm trong thời gian 10 phút. Kết thúc Vòng đấu loại trực tiếp, 15 thí sinh có điểm số cao nhất và thời gian trả lời ngắn nhất của mỗi bảng được chọn tham gia Vòng xếp hạng toàn quốc.
- Vòng xếp hạng toàn quốc: Vòng này được chia thành các Phần thi: Ai nhanh hơn, Chìa khóa pháp lý, Luật gia tương lai.
+ Phần thi Ai nhanh hơn: 15 thí sinh/bảng trả lời 10 câu hỏi trắc nghiệm trên máy tính đã chuẩn bị tại sân khấu. Sau khi người dẫn chương trình công bố câu hỏi, thí sinh có tối đa 20 giây để suy nghĩ và trả lời mỗi câu hỏi. Điểm tối đa của mỗi câu hỏi là 20 điểm. Điểm tối đa của phần thi này là 200 điểm. Kết thúc phần thi “Ai nhanh hơn”, 06 thí sinh có điểm số cao nhất và thời gian trả lời ngắn nhất của mỗi bảng được chọn tham gia phần thi “Chìa khóa pháp lý”.
+ Phần thi “Chìa khóa pháp lý”: 06 thí sinh/bảng trả lời câu hỏi theo hình thức lật mở miếng ghép. Sau khi thí sinh chọn ô, hệ thống sẽ hiển thị chìa khóa pháp lý và tình huống, câu hỏi. Sau thời gian suy nghĩ 01 phút, thí sinh lựa chọn đáp án và giải thích căn cứ, quy định pháp luật để lựa chọn đáp án trong vòng 01 phút. Trả lời đúng đáp án và giải thích đúng về căn cứ, quy định pháp luật được 50 điểm; trả lời sai hoặc giải thích không đầy đủ về căn cứ, quy định pháp luật sẽ không có điểm. Kết thúc phần thi “Chìa khóa pháp lý”, 03 thí sinh có điểm số cao nhất của mỗi bảng được chọn tham gia phần thi “Luật gia tương lai”.
+ Phần thi “Luật gia tương lai”: 03 thí sinh/bảng bốc thăm câu hỏi theo chủ đề mà thí sinh đã lựa chọn. Mỗi thí sinh sử dụng kỹ năng, hiểu biết, kiến thức để nêu quan điểm cá nhân về ý nghĩa, vai trò của pháp luật, ý thức pháp luật, giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật…           Sau khi thí sinh bốc thăm, người dẫn chương trình đọc câu hỏi, thí sinh có 01 phút để suy nghĩ, chuẩn bị nội dung và 04 phút để trả lời. Điểm tối đa của phần thi này là 100 điểm.
Về giải thưởng:
- Giải cá nhân (của mỗi bảng): 01 giải Nhất: 6.000.000 đồng/giải; 02 giải Nhì: 3.000.000 đồng/giải; 03 Giải Ba: 2.000.000 đồng/giải; 09 giải Khuyến khích: 1.000.000 đồng/giải; một số giải phụ: 500.000 đồng/giải.
Ngoài ra, các thí sinh đạt giải Vòng chung kết được ưu tiên xét tuyển khi đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Luật Hà Nội (Giải Nhất, giải Nhì) và Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh(Giải Nhất, giải Nhì, giải Ba) theo Đề án tuyển sinh của Trường. Thí sinh đạt giải Nhất có thể được xét cấp học bổng tương tự như thủ khoa đầu vào khi đăng ký dự tuyển và trúng tuyển vào Trường Đại học Luật Hà Nội. Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh sẽ xem xét, cấp học bổng cho các em đạt giải có nguyện vọng và đăng ký vào Trường theo các quy chế hiện hành của Trường.
- Giải tập thể: 10 giải cho 10 Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng, triển khai Cuộc thi: 3.000.000 đồng/giải;  10 giải cho 10 nhà trường có tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia dự thi đông đảo, chất lượng bài dự thi tốt: 5.000.000 đồng/giải.
Số lượng, cơ cấu và mức giải thưởng sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và kết quả thu hút nguồn lực, hỗ trợ cho Cuộc thi của các tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, Ban Tổ chức sẽ xem xét, trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho các cá nhân đạt giải và các cá nhân, tập thể tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong tổ chức Cuộc thi.
(Nội dung chi tiết tại file đính kèm)./.
Các tin đã đưa ngày: