Liên kết website

Nghị định số 82/2011/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc

13/10/2011

Nghị định quy định về thuốc tiêm và trang bị, phương tiện sử dụng cho thi hành án tử hình; quy trình thực hiện việc tiêm thuốc; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án tử hình; điều kiện bảo đảm cho thi hành án tử hình và chế độ, chính sách đối với cán bộ tham gia thi hành án tử hình.

Cũng theo đó, Nghị định quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm đối với thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc sẽ bao gồm: Chống đối, cản trở việc thi hành án tử hình; gây mất trật tự, an toàn nơi thi hành án tử hình; đánh tráo, thay đổi trái phép chủng loại, liều lượng, chất lượng thuốc sử dụng cho việc thi hành án tử hình; di chuyển trái phép tử thi, bia, mộ, hài cốt của người đã bị thi hành án tử hình.

Thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình là 01 liều, bao gồm 3 loại sau: Thuốc dùng để gây mê (Sodium thiopental), thuốc dùng để làm tê liệt thần kinh và cơ bắp (Pancuronium bromide), thuốc dùng để làm ngừng hoạt động của tim (Potassium chloride).

Trang bị, phương tiện phục vụ cho thi hành án tử hình, gồm: Giường nằm có các đai dùng để cố định người bị thi hành án; ống dẫn, kim tiêm và máy tiêm thuốc tự động có ấn nút điều khiển; máy kiểm tra nhịp đập của tim; màn hình và các thiết bị theo dõi, kiểm tra quá trình thi hành án.

Việc tiêm thuốc được thực hiện theo quy trình sau: Người bị thi hành án tử hình được cố định vào giường với tư thế nằm ngửa, bảo đảm không làm cản trở sự lưu thông máu. Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chịu trách nhiệm: Chuẩn bị đủ 3 liều thuốc (trong đó có 2 liều dự phòng); xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm; đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định; kiểm tra hoạt động tim của người bị thi hành án tử hình qua máy điện tâm đồ.

Việc giải quyết các thủ tục sau khi người bị thi hành án đã chết thực hiện theo quy định tại các điểm e, g, h khoản 4 Điều 59 và Điều 60 Luật Thi hành án hình sự. Trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị kết án tử hình được nhận tử thi về mai táng thì phải tự chịu chi phí đưa di chuyển tử thi và phải cam kết chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2011. Những quy định trước đây của Chính phủ trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Các tin đã đưa ngày: