Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực: Tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật (so với quy định cũ bỏ chức năng quản lý nhà nước về cơ yếu và bổ sung chức năng quản lý nhà nước về thanh niên).
Nghị định quy định Bộ Nội vụ có 28 nhiệm vụ, quyền hạn: Trình Chính phủ dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị quyết, nghị định của Chính phủ; Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản thuộc ngành, lĩnh vự do Bộ quản lý; Ban hành Thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 05 năm, hàng năm; trình Chính phủ đề án, dự thảo nghị định của Chính phủ về thành lập mới, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, thẩm định các dự thảo nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; trình Chính phủ ban hành các quy định về phân loại đơn vị hành chính các cấp, thành lập mới, sáp nhập, chia, tách, điểu chỉnh địa giới, đổi tên đơn vị hành chính các cấp; thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn kết quả bầu cử thành viên Ủy ban nhân nhân cấp tỉnh; quản lý hồ sơ địa giới hành chính các cấp; Quyết định giao biên chế công chức, biên chế làm việc ở nước ngoài của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và biên chế công chức thuộc UBND cấp tỉnh; Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng, quản lý vị trí làm việc, bổ nhiệm ngạch, chuyển ngạch, nâng ngạch, thay đổi chức danh nghề nghiệp, điều động, luân chuyển, biệt phái… của cán bộ công chức, viên chức; Quy định ngạch, mã số ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức; Chủ trì tổ chức thi nâng ngạch công chức trong các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp của nhà nước; thống nhất quản lý hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; hướng dẫn thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách tiền lương, chế độ tiền lương, phụ cấp, sinh hoạt phí, tiền thưởng; Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hội, tổ chức phi chính phủ….
Về cơ cấu tổ chức, Bộ Nội vụ bao gồm 23 đơn vị trực thuộc: Vụ Tổ chức – biên chế; Vụ Chính quyền địa phương; Vụ Công chức – viên chức; Vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; Vụ tiền lương; Vụ tổ chức phi chính phủ; Vụ cải cách hành chính; Vụ hợp tác quốc tế; Vụ pháp chế; Vụ Kế hoạch - tài chính; Vụ tổng hợp; Vụ công tác thanh niên (Vụ mới); Vụ tổ chức cán bộ; Thanh tra Bộ; Văn phòng Bộ; Ban thi đua khen thưởng Trung ương; Ban Tôn giáo Chính phủ; Cục văn thư và lưu trữ nhà nước; Viện khoa học tổ chức nhà nước; Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (mới); Tạp chí tổ chức nhà nước; Trung tâm thông tin; Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức (trước đây là Trung tâm). So với quy định cũ, Nghị định mới bỏ Ban Cơ yếu Chính phủ và cơ quan đại diện của Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng thuộc Văn phòng.
Vụ Tổ chức – Biên chế được tổ chức 02 phòng, Vụ Chính quyền địa phương đượng tổ chức 04 phòng, Vụ Công chức – Viên chức được tổ chức 01 phòng, Vụ Kế hoạch – Tài chính được tổ chức 03 phòng, Thanh tra Bộ được tổ chức 03 phòng, Văn phòng Bộ được tổ chức 09 phòng và đại diện của Văn phòng Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2012.