Thông tư số 08/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tranh chấp lao động. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 và thay thế Thông tư số 22/2007/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 10 năm 2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng hòa giải cơ sở và hòa giải viên lao động. ">
Liên kết website

Thông tư số 08/2013/TT-BLĐTBXH ngày 10/6/2013 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tranh chấp lao động

05/08/2013

Ngày 10/6/2013, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 08/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định số 46/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về tranh chấp lao động. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 và thay thế Thông tư số 22/2007/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 10 năm 2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Hội đồng hòa giải cơ sở và hòa giải viên lao động.

Theo quy định tại Thông tư này, Hòa giải viên lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm trên cơ sở Đơn đăng ký dự tuyển hòa giải viên lao động (quy định cũ là Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định công nhận, miễn nhiệm hòa giải viên lao động).

Người đăng ký làm hòa giải viên lao động phải lập hồ sơ dự tuyển hòa giải viên lao động gồm: Đơn dự tuyển hòa giải viên lao động (theo mẫu), sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan trực tiếp quản lý hoặc UBND xã, phường nơi cư trú, Giấy chứng nhận sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền, bản sao các văn bằng, chứng chỉ có chứng thực của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, Văn bản giới thiệu tham gia dự tuyển hòa giải viên lao động của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, công đoàn cấp huyện, công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất giới thiệu người tham gia dự tuyển hòa giải viên lao động.

Thông tư quy định, mỗi quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải có hòa giải viên lao động. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo tuyển chọn hòa giải viên lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm giới thiệu một cán bộ thuộc phòng quản lý để bổ nhiệm hòa giải viên lao động. Căn cứ số lượng doanh nghiệp, mức độ tranh chấp lao động trên địa bàn, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xác định số lượng hòa giải viên lao động trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Chủ tịch UBND cấp huyện có văn bản (kèm theo danh sách người đạt tiêu chuẩn) đề nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh bổ nhiệm hòa giải viên lao động.

Danh sách hòa giải viên lao động phải được công khai bằng cách: Niêm yết công khai tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; đăng tải trên trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện và của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.

Miễn nhiệm hòa giải viên lao động khi: Hòa giải viên lao động có đơn xin thôi tham gia hòa giải viên lao động; có 2 năm liên tục được đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ; có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng uy tín, thẩm quyền, trách nhiệm của mình làm phương hại đến lợi ích của các bên hoặc lợi ích của Nhà nước trong quá trình hòa giải; có từ 02 lần trở lên không thực hiện nhiệm vụ hòa giải theo quyết định cử hòa giải viên lao động của Chủ tịch UBND cấp huyện trong thời hạn quy định mà không có lý do chính đáng.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề. Bên yêu cầu hòa giải được lựa chọn hòa giải viên lao động để đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động. Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động trên cơ sở đề nghị của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động, hòa giải viên lao động phải thông báo chương trình, thời gian, địa điểm tổ chức phiên họp hòa giải cho các bên tranh chấp biết trước ít nhất một ngày làm việc trước khi tiến hành.

Hòa giải viên lao động có trách nhiệm báo cáo kết quả hòa giải từng vụ việc hòa giải kèm theo Biên bản các vụ hòa giải cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Các tin đã đưa ngày: