Theo đó, đối với các công trình không thuộc đối tượng tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP (là nhà chung cư từ cấp III trở lên, nhà ở riêng lẻ từ 7 tầng trở lên; công trình công cộng từ cấp III trở lên; công trình công nghiệp: công trình giao thông; công trình hạ tầng kỹ thuật từ cấp III trở lên) thuộc trường hợp thiết kế một bước thì chủ đầu tư tổ chức thẩm định và trình người quyết định đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công cùng với báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình; nếu thuộc trường hợp thiết kế hai bước thì chủ đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công; nếu thuộc trường hợp thiết kế ba bước thì chủ đầu tư tổ chức thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật. Trong quá trình thẩm định, khi cần thiết chủ đầu tư thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực thực hiện thẩm tra các nội dung phục vụ thẩm định, phê duyệt thiết kế.
Đối với các công trình sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn ngân sách nhà nước, công trình sử dụng vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, công trình đầu tư bằng vốn xây dựng cơ bản tập trung, công trình được đầu tư theo hình thức: xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), hợp tác công - tư (PPP) và những công trình đầu tư bằng những nguồn vốn hỗn hợp khác theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 của Nghị định 15/2013/NĐ-CP thì chủ đầu tư trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm tra thiết kế trước khi phê duyệt thiết kế.
Đối với các công trình không sử dụng vốn ngân sách nhà nước được quy định tại Khoản 1 Điều 21 của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP thì chủ đầu tư trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm tra thiết kế hoặc lựa chọn các tổ chức, cá nhân có chức năng tư vấn thẩm tra thiết kế đã được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và có đủ điều kiện năng lực thẩm tra thiết kế phù hợp với loại và cấp công trình theo quy định của pháp luật để ký hợp đồng tư vấn thẩm tra.
Cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc tổ chức tư vấn nào trực tiếp thẩm tra thiết kế thì cơ quan, tổ chức đó có trách nhiệm tổng hợp, lập thông báo kết quả thẩm tra thiết kế theo quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này và đóng dấu vào các bản vẽ thiết kế đã được thẩm tra. Trong kết quả thẩm tra cần nêu rõ những nội dung chưa đạt yêu cầu cần phải sửa đổi để trình thẩm tra lại (nếu có) trước khi cơ quan chuyên môn về xây dựng hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ thẩm tra đóng dấu thẩm tra vào hồ sơ để lưu trữ. Chủ đầu tư xây dựng công trình và nhà thầu thiết kế xây dựng công trình có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ thiết kế xây dựng công trình theo kết quả thẩm tra và ý kiến của cơ quan chuyên môn về xây dựng trước khi quyết định phê duyệt thiết kế.
Thông tư cũng quy định các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền thẩm tra thiết kế của Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Khi sửa chữa, cải tạo công trình hoặc thay đổi thiết kế xây dựng công trình làm ảnh hưởng tới an toàn chịu lực của công trình thì phải tổ chức thẩm tra, thẩm định và phê duyệt lại thiết kế hạng mục thay đổi hoặc toàn bộ công trình.
Thời gian thẩm tra thiết kế xây dựng: Đối với các công trình cấp đặc biệt, cấp I, thời gian thẩm tra không quá 40 ngày làm việc; đối với công trình thiết kế một bước và nhà ở riêng lẻ, thời gian thẩm tra không quá 20 ngày làm việc; đối với các công trình còn lại, thời gian thẩm tra không quá 30 ngày làm việc.