Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền.">
Liên kết website

Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền

04/11/2013

Ngày 04/10/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền.

 

Theo Nghị định, tổ chức tài chính phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng trong các trường hợp: Khách hàng lần đầu mở tài khoản; khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ với tổ chức tài chính nhằm sử dụng sản phẩm, dịch vụ do tổ chức tài chính cung cấp; khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn (không giao dịch trong vòng 06 tháng trở lên với tổng giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong một ngày); khách hàng thực hiện chuyển tiền điện tử nhưng thiếu thông tin về tên, địa chỉ hoặc số tài khoản của người khởi tạo; nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền; nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó.

Tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi có thưởng, casino phải tiến hành các biện pháp nhận biết khách hàng đối với khách hàng có giao dịch tài chính từ 60 triệu đồng trở lên trong một ngày. Tổ chức, cá nhân kinh doanh kim loại quý và đá quý phải áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng khi khách hàng có giao dịch bằng tiền mặt mua, bán kim loại quý, đá quý có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong một ngày…

Khi thiết lập mối quan hệ để thực hiện các giao dịch liên quan tới công nghệ mới phải gặp mặt trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ và yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin theo quy định; tiến hành xây dựng quy trình đánh giá rủi ro về rửa tiền khi cung cấp dịch vụ sử dụng công nghệ mới.

Cá nhân khi nhập cảnh, xuất cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam bằng tiền mặt, kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng (hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc và các công cụ chuyển nhượng khác) trên mức quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải khai báo hải quan.

Đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ khi nghi ngờ hoặc có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có hoặc liên quan tới rửa tiền. Việc báo cáo giao dịch đáng ngờ không phụ thuộc vào lượng tiền giao dịch của khách hàng, giao dịch đó đã hoàn thành hay chưa hay mới có ý định thực hiện. Luật sư, công chứng viên, kế toán viên và chuyên gia pháp lý độc lập chỉ phải báo cáo giao dịch đáng ngờ khi: thay mặt khách hàng thực hiện các giao dịch chuyển giao quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, quyền sở hữu doanh nghiệp; quản lý tiền, chứng khoán hoặc các tài sản khác cho khách hàng; giao dịch hoặc quản lý tài khoản cho khách hàng tại các tổ chức tài chính; điều hành, quản lý hoạt động công ty cho khách hàng.

Đối với hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố, đối tượng báo cáo phải báo cáo kịp thời ngay sau khi phát hiện tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch nằm trong danh sách đen hoặc ngay sau khi có căn cứ cho rằng tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm rửa tiền nhằm tài trợ cho khủng bố.

Cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm tiếp nhận, thu thập thông tin, tài liệu, hồ sơ liên quan đến các giao dịch được báo cáo theo quy định của Luật phòng, chống rửa tiền; và có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan (đối tượng báo cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân lưu giữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến giao dịch và các bên liên quan đến giao dịch) cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ và các thông tin khác cần thiết cho việc phân tích, chuyển giao thông tin về rửa tiền.

Nghị định cũng quy định việc áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch và phong tỏa tài khoản.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2013 và thay thế Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền.

Các tin đã đưa ngày: