Theo đó, hệ số tín nhiệm quốc gia là chỉ số đánh giá về khả năng tài chính cũng như khả năng hoàn trả đúng hạn tiền gốc và lãi các khoản nợ của một quốc gia. Hệ số tín nhiệm quốc gia càng thấp thì mức độ rủi ro về khả năng không thanh toán được các khoản nợ càng cao. Hệ số tín nhiệm quốc gia bao gồm: Mức trần tín nhiệm quốc gia; mức tín nhiệm của các công cụ nợ bằng ngoại tệ và nội tệ phát hành trên thị trường vốn trong nước và quốc tế của Chính phủ; hệ số tín nhiệm thường được biểu hiện bằng các chữ cái, chữ số, dấu (A, B, C, D, a, 1, 2, 3, +, -).
Công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia được hiểu là việc các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thực hiện việc phân tích, đánh giá các thông tin về kinh tế, chính trị, xã hội của một quốc gia để đưa ra hệ số tín nhiệm cho quốc gia đó.
06 loại thông tin cần thiết cho công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia bao gồm: Thông tin chung về kinh tế - xã hội; thông tin về tài khóa; thông tin về tiền tệ, ngân hàng; thông tin về kinh tế đối ngoại; thông tin về chính trị; các thông tin kinh tế, xã hội khác trên cơ sở đề xuất của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng cung cấp của các cơ quan, tổ chức có liên quan của Việt Nam.
Việc cung cấp các thông tin nêu trên phải đảm bảo chính xác, đầy đủ, cập nhật và đúng thời hạn quy định; không trùng lặp, chồng chéo, đáp ứng yêu cầu phân tích, đánh giá của tổ chức xếp hạng tín nhiệm; phù hợp với quy định hiện hành về cung cấp thông tin và phải thống nhất về chỉ tiêu, biểu mẫu, phương pháp tính, phù hợp với các số liệu đã cung cấp hoặc số liệu đã công bố công khai.
Quy trình thực hiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia được thực hiện qua 07 bước: Tiếp xúc, lựa chọn và ký kết thỏa thuận cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm quốc gia với tổ chức xếp hạng tín nhiệm; xây dựng kế hoạch và thống nhất chương trình làm việc với tổ chức xếp hạng tín nhiệm; xây dựng Báo cáo tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội để thuyết trình với tổ chức xếp hạng tín nhiệm; tổ chức các đợt làm việc với tổ chức xếp hạng tín nhiệm; cung cấp thông tin, số liệu cần thiết theo đề nghị của tổ chức xếp hạng tín nhiệm; bình luận và kiến nghị về các nhận định, đánh giá của tổ chức xếp hạng tín nhiệm; tổ chức xếp hạng tín nhiệm công bố mức xếp hạng tín nhiệm của quốc gia.
Định kỳ hàng năm Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Công Thương, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức công tác quảng bá, gặp gỡ, trao đổi thông tin về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam cho các nhà đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế, tổ chức tín dụng xuất khẩu là thành viên OECD và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động huy động vốn trên thị trường quốc tế và nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/12/2013.