Nghị định số 172/2013/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty con của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.">
Liên kết website

Nghị định số 172/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và công ty TNHH một thành viên là công ty con

03/12/2013

Ngày 13 tháng 11 năm 2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 172/2013/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty con của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

 

Theo đó, việc thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên chỉ được xem xét khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn được xem xét thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; đảm bảo đủ số vốn điều lệ (không thấp hơn 100 tỷ đồng); có hồ sơ hợp lệ và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; việc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên phù hợp với quy hoạch, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực và vùng kinh tế. Trường hợp kinh doanh ngành nghề đòi hỏi vốn pháp định thì vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khi thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành nghề kinh doanh đó. Về thẩm quyền, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là tập đoàn kinh tế nhà nước và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định thành lập công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ngoài hai đối tượng trên.

Nghị định cũng quy định các hình thức tổ chức lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên gồm: hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi thành công ty cổ phần, chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và chuyển đổi theo hình thức công ty mẹ - công ty con.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định điều kiện giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Theo đó, có 05 trường hợp sau bị xem xét giải thể: kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; kinh doanh thua lỗ 03 năm liên tiếp và có số luỹ kế bằng 3/4 vốn nhà nước tại công ty trở lên, nhưng chưa lâm vào tình trạng phá sản; không thực hiện được các nhiệm vụ do Nhà nước giao trong thời gian 02 năm liên tiếp sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết; và việc duy trì công ty là không cần thiết. Người quyết định thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là người có quyền quyết định giải thể công ty.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, bãi bỏ Nghị định số 180/2004/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2004.

Các tin đã đưa ngày: