Tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 104.619 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với 651.788 hòa giải viên
[1]. Số lượng thành viên của mỗi tổ hòa giải trung bình từ 05 - 07 hòa giải viên/tổ. Trong số 651.788 hòa giải viên có 22.746 hòa giải viên có trình độ chuyên môn Luật, chiếm tỷ lệ 3,5%. Các hòa giải viên được bầu đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt, sống gương mẫu, có uy tín, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, được bầu chọn công khai, dân chủ trong cộng đồng và có quyết định công nhận của chính quyền cơ sở.
Sau 05 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở, từ năm 2014 đến năm 2018, tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiếp nhận 723.907 vụ, việc, trong đó đã tiến hành hòa giải 698.753 vụ, việc; hòa giải thành 570.835 vụ, việc (đạt tỷ lệ 81,7%); hòa giải không thành 127.873 vụ việc
[2]. Các vụ, việc hòa giải chủ yếu thuộc các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình và đất đai, các mâu thuẫn phát sinh trong sinh hoạt tại cộng đồng dân cư.
Nhìn chung, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả quan trọng, tỷ lệ hòa giải thành cao. Có được kết quả này, trước hết là nhờ sự đóng góp của đội ngũ hòa giải viên đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tận tâm, nhiệt tình trong việc hàn gắn những rạn nứt về tình cảm, vun đắp, thắp sáng tình yêu thương, sự hòa thuận trong từng gia đình, làng xóm, cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Số lượng lớn các vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc của nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh giá trị vật chất thì giá trị tinh thần mà công tác hòa giải mang lại là vô giá, đó chính là niềm vui, hạnh phúc của mọi người, mọi nhà, là tình cảm gia đình, xóm giềng gần gũi và thiêng liêng.
Rõ ràng, hoạt động hòa giải của tổ hòa giải, hòa giải viên đã có ý nghĩa quan trọng trong đời sống hằng ngày của người dân. Đây là một hoạt động tự nguyện, không hưởng lương, không có phụ cấp mà hòa giải viên phải giải quyết công việc bằng chính trách nhiệm và sự nhiệt tình của mình với công tác hòa giải ở cơ sở. Thực tế, trong thời gian qua, mặc dù đã có chủ trương, các văn bản đã quy định, hướng dẫn về kinh phí và các điều kiện bảo đảm hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên, nhưng nhìn chung ở các địa phương hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong việc hỗ trợ kinh phí, vật chất, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải ở cơ sở. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động hòa giải nói chung và đối với hòa giải viên nói riêng, đặc biệt trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay.
1. Chế độ, chính sách, điều kiện bảo đảm hoạt động của tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở
a) Về kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở
Điều 6 Luật hòa giải ở cơ sở đã quy định về việc hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở: ''
Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở để biên soạn, phát hành tài liệu; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở; sơ kết, tổng kết, khen thưởng đối với công tác hòa giải ở cơ sở; chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc và hỗ trợ các chi phí cần thiết khác cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.”
Với tính chất là hoạt động tự nguyện, tự quản của cộng đồng dân cư, nếu Nhà nước bao cấp hoàn toàn cho hoạt động hòa giải ở cơ sở thì sẽ làm mất đi tính xã hội hóa, tự nguyện, tự quản, đi ngược lại với bản chất của hoạt động này. Do đó, Luật hòa giải ở cơ sở quy định: Nhà nước có chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở
(Điều 5); Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở để biên soạn, phát hành tài liệu; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ, kỹ năng về hòa giải ở cơ sở; Đối với những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thì ngân sách trung ương sẽ chi bổ sung cho các địa phương để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở
(Điều 6). Các nội dung hỗ trợ kinh phí cho tổ hòa giải và hòa giải viên gồm: chi hỗ trợ để mua văn phòng phẩm; mua, sao chụp tài liệu phục vụ hoạt động của tổ hòa giải; tổ chức các cuộc họp, sơ kết, tổng kết hoạt động của tổ hòa giải; chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc; chi hỗ trợ cho hòa giải viên khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải
(Điều 13 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở).
Liên ngành Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đã phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT/BTC-BTP ngày 30/7/2014 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó có quy định mức chi cho công tác hòa giải ở cơ sở như sau:
- Chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải): Mức chi tối đa 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải.
- Hỗ trợ chi phí mai táng cho người tổ chức mai táng hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro bị thiệt hại về tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở: Mức chi bằng 05 tháng lương cơ sở.
- Chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải (chi mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống phục vụ các cuộc họp của tổ hòa giải): Mức chi tối đa 100.000 đồng/tổ hòa giải/tháng.
- Chi bồi dưỡng thành viên Ban tổ chức bầu hòa giải viên tham gia họp chuẩn bị cho việc bầu hòa giải viên: Mức chi tối đa là 70.000 đồng/người/buổi.
- Chi tiền nước uống cho người tham dự cuộc họp bầu hòa giải viên: Mức chi tối đa 10.000 đồng/người/buổi.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, đến nay, 58/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định của Ủy ban nhân dân quy định về kinh phí hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải và mức chi thù lao theo vụ, việc cho hòa giải viên
[3].
Hầu hết các địa phương đã bố trí kinh phí chi thù lao cho hòa giải viên, kinh phí phục vụ hoạt động bầu hòa giải viên và hỗ trợ cho tổ hòa giải hoạt động; kinh phí tổ chức tập huấn, biên soạn và phát hành tài liệu cho tổ hòa giải, hòa giải viên. Nhiều địa phương đã bố trí kinh phí đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động hòa giải còn gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, chỉ có một số tỉnh, thành phố thực hiện chi thù lao cho hòa giải viên, có kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên của tổ hòa giải trên toàn tỉnh, thành phố, còn lại đa số các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách cho hoạt động hòa giải ở cơ sở nên mới chỉ bảo đảm được một phần mức chi theo quy định, có tỉnh còn chưa thực hiện chi hỗ trợ cho tổ hòa giải cũng như chi thù lao hòa giải.
Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương rất quan tâm đến việc hỗ trợ kinh phí cho các hòa giải viên. Thực hiện Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp, ngày 22/12/2014, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 92/2014/QĐ-UBND về việc áp dụng mức chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân và công tác hòa giải ở cơ sở thành phố Hà Nội, trong đó quy định mức chi tối đa theo quy định pháp luật hiện hành (mức chi thù lao cho hòa giải viên là 200.000 đồng/vụ việc/tổ; chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải là 100.000 đồng/tổ/tháng). Tuy nhiên, trên thực tế, việc chi thù lao cho hòa giải viên chưa theo mức quy định tại Quyết định số 92/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố, mà chủ yếu vận dụng chi tùy điều kiện kinh phí của địa phương, có nơi chỉ chi 70.000đ/vụ việc, 100.000đ/vụ việc... Việc xã hội hóa kinh phí cho công tác hòa giải chưa thực hiện được.
[4]
Tiền Giang là tỉnh phía Nam cũng rất quan tâm đến việc hỗ trợ kinh phí cho hòa giải viên nhằm khắc phục phần nào khó khăn trước những biến động giá cả thị trường. Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị Quyết số 102/2012/NQ-HĐND ngày 12/12/2014 quy định nội dung chi, mức chi kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Để thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn số 348/UBND-NC ngày 26/1/2015 hướng dẫn thực hiện Nghị quyết. Cụ thể quy định một số mức chi thù lao cho hòa giải viên là 200.000đ/vụ việc/tổ đối với vụ việc hòa giải thành; 150.000đ/vụ việc/tổ đối với vụ việc hòa giải không thành; chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải là 100.000 đ/tổ/tháng. Tuy nhiên, thực tế việc chi kinh phí hỗ trợ 100.000 đ/tổ/tháng còn hạn chế (chủ yếu Ủy ban nhân dân xã hỗ trợ cấp phát một số văn phòng phẩm như tập, viết) do kinh phí ngân sách của xã còn hạn chế.
[5]
Địa phương khác như tỉnh Lâm Đồng, hàng năm, tùy vào tình hình thức tế ngân sách của địa phương, UBND các cấp đã bố trí kinh phí để thực hiện quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở. Ở cấp xã đã thực hiện tốt việc chi thù lap cho trường hợp hòa giải thành và thù lao cho trường hợp hòa giải không thành theo đúng quy định. Tuy nhiên, đối với kinh phí chi hoạt động của tổ hòa giải là 100.000đ/tổ/tháng thì hầu hết Ủy ban nhân dân cấp xã chưa thực hiện được do có khó khăn về kinh phí
[6]. Tại Đắk Nông, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định mức chi thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, hàng năm, UBND tỉnh giao Sở Tài chính hướng dẫn UBND các huyện, thị xã lập dự toán kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, chi hỗ trợ cho các tổ hòa giải và hòa giải viên. Tuy nhiên, trên thực tế, hòa giải viên và các tổ hòa giải chưa được hưởng thù lao và các mức hỗ trợ khác, việc hỗ trợ, chi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở không đều, không đảm bảo về kinh phí nên phần nào đã ảnh hưởng đến tâm lý, trách nhiệm của đội ngũ hòa giải viên và hoạt động của các tổ hòa giải; chưa khuyến khích, động viên được các hòa giải viên tích cực tham gia vào hoạt động hòa giải ở cơ sở
[7].
Như vậy, các địa phương đã bố trí kinh phí chi thù lao cho hòa giải viên, kinh phí hỗ trợ cho tổ hòa giải hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện được do không có nguồn chi, ngân sách địa phương nhất là cấp xã, phường, thị trấn ở một số nơi còn rất eo hẹp, khó khăn nên việc bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở còn bị hạn chế, chưa thường xuyên (thậm chí có nơi còn không chí do ngân sách địa phương bị thiếu hụt); có địa phương các tổ hòa giải và hòa giải viên hoạt động gặp nhiều vướng mắc, khó khăn cũng ít báo cáo chính quyền và chính quyền cũng chưa sâu sát nắm tình hình hoạt động cũng như kết quả hòa giải ở cơ sở.
Đối với quy định về ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, đến nay vẫn không thực hiện được bởi căn cứ quy định về phân cấp thực hiện ngân sách tại Luật ngân sách nhà nước. Hằng năm, Bộ Tài chính đều có văn bản hướng dẫn và đề nghị các địa phương, trong đó có tỉnh, thành phố chưa tự cân đối được ngân sách chủ động bố trí kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở trong phạm vi dự toán ngân sách được trung ương giao. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính về kinh phí, Bộ Tư pháp đã đề nghị các cơ quan tư pháp địa phương (Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - hộ tịch) căn cứ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở chủ động tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân cùng cấp bố trí nguồn kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở trong phạm vi ngân sách của địa phương được giao; đồng thời có giải pháp lồng ghép các hoạt động để sử dụng có hiệu quả nguồn lực, khuyến khích tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở; bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật về kinh phí hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải và mức chi thù lao theo vụ, việc cho hòa giải viên đã ban hành. Song kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở còn rất hạn hẹp, chủ yếu được bố trí chung trong kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật nên chủ yếu phục vụ hoạt động tập huấn lồng ghép với hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật chung.
Ngày 23/7/2019, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 2739/BTP-KHTC gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ lĩnh vực tư pháp, trong đó có công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở, để đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm bố trí kinh phí cho công tác này, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở.
b) Về bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên
So với thời kỳ trước khi có Luật hòa giải ở cơ sở, việc đầu tư kinh phí tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên hiện nay được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện thường xuyên hơn. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở thì việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên được đặc biệt quan tâm, nhất là những năm gần đây.
Ở Trung ương, để tạo nguồn cán bộ tập huấn về công tác hòa giải cho các địa phương, hàng năm, Bộ Tư pháp đều mở các khóa tập huấn (ngắn hạn) cho cán bộ tư pháp cấp tỉnh; đồng thời trực tiếp tổ chức hỗ trợ làm điểm một số lớp tập huấn cho hòa giải viên tại tỉnh Phú Yên, Sóc Trăng, Đồng Nai, Tuyên Quang.
Tại địa phương, nhiều tỉnh, thành phố đã quan tâm, dành kinh phí để tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên hàng năm, đảm bảo cho hòa giải viên, trong đó có chú ý đến những hòa giải viên mới tham gia công tác hòa giải kịp thời nắm vững kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải và kiến thức pháp luật cần thiết phục vụ cho công tác hòa giải như pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình, đất đai, môi trường... Qua theo dõi, nhiều địa phương có tỷ lệ hòa giải viên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cao như tỉnh Hà Nam, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Hậu Giang...
c) Về cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho hòa giải viên
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải và cung cấp tài liệu cho các hòa giải viên luôn được cơ quan tư pháp các cấp quan tâm, chú trọng.
Để chuẩn hóa chương trình, tài liệu làm cơ sở cho địa phương vận dụng tổ chức hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên (Quyết định số 4077/QĐ-BTP ngày 31/12/2014); ban hành Bộ tài liệu nguồn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên (Quyết định số 1753/QĐ-BTP ngày 22/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) và đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng làm tài liệu tổ chức hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở và cung cấp cho hòa giải viên tại địa phương. Bộ Tư pháp cũng đã biên soạn nhiều tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ dưới dang hỏi - đáp, sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ cung cấp cho các địa phương.
Ở địa phương, việc cung cấp tài liệu cho hòa giải viên cũng được các cơ quan tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện chú trọng và tiến hành hàng năm. Theo báo cáo của các địa phương, 100% các tỉnh, thành phố trong cả nước đều đã biên soạn và phát hành tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, tài liệu pháp luật cung cấp cho các tổ hòa giải và hòa giải viên (sổ tay pháp luật, cẩm nang, tờ gấp, băng đĩa….), in ấn và cấp phát Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở cho các tổ hòa giải. Đặc biệt, một số địa phương còn chú trọng biên soạn tài liệu và tập huấn phổ biến kinh nghiệp hòa giải thông qua những vụ việc phát sinh trong thực tiễn ngay tại cơ sở.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 – 2020, Quyết định số 2497/QĐ-BTP ngày 01 tháng 10 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg, năm 2014, Bộ Tư pháp đã biên soạn và cấp phát miễn phí sổ tay pháp luật về hòa giải ở cơ sở cho 21 tỉnh có huyện nghèo trên cả nước, trực tiếp tổ chức 11 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên tại các tỉnh có huyện nghèo này.
d) Về thi đua khen thưởng
Trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, công tác thi đua khen thưởng đã được quan tâm thực hiện, tuy nhiên việc khen thưởng đối với đội ngũ hòa giải viên vẫn chưa được ghi nhận đúng mức, chưa có chế độ đãi ngộ, khích lệ nào dành cho họ, thậm chí việc khen thưởng cũng hạn chế.
2. Đánh giá chung về các điều kiện bảo đảm hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên
Nhìn chung, hoạt động hòa giải ở cơ sở thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng và hiệu quả hoạt động hòa giải ngày một nâng lên, trong đó, có sự quan tâm, động viên khích lệ, hỗ trợ về vật chất đối với hòa giải viên. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thị trường, đời sống của người dân vẫn còn nhiều khó khăn, giá cả gia tăng, việc thực hiện các quy định về chế độ đại ngộ cho hòa giải viên ở cơ sở còn hạn chế, có nơi chưa thực hiện được do không có kinh phí, vì vậy chưa động viên, khích lệ được phong trào hòa giải nói chung cũng như sự tham gia của hòa giải viên nói riêng.
Khi hòa giải một vụ việc, nhất là các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp về quan hệ hôn nhân - gia đình hay tranh chấp đất đai... hòa giải viên phải mất nhiều thời gian, công sức cả về kinh phí để hòa giải các bên, giúp các bên đạt được thỏa thuận hòa giải thành. Đặc biệt, đối với những vụ việc phức tạp, nan giải như trường hợp tranh chấp đất đai thì ngoài việc cần nắm vững kiến thức pháp luật chung, pháp luật về đất đai, kinh nghiệm hòa giải, đòi hòi hòa giải viên phải tự mình tìm hiểu, xác minh các thông tin ở địa phương, tổ chức liên quan, người có uy tín, những người biết về nguồn gốc sự việc mâu thuẫn... để phân tích, giải thích, thuyết phục các bên thương lượng, tự giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp cho hợp tình, hợp lý, đạt kết quả. Trong những trường hợp như thế, việc hòa giải không chỉ tiến hành một, hai lần mà có thể nhiều lần, có vụ việc phải kéo dài khá lâu mới đạt được kết quả hòa giải thành. Từ đó cho thấy, để vụ việc được hòa giải thành, các hòa giải viên đã phải bỏ ra rất nhiều công sức. Tuy nhiên, khi vụ việc được hòa giải thành thì không có giá trị tinh thần, tài chính nào có thể đo đếm được. Kết quả mang lại là gia đình êm ấm, trật tự an ninh cơ sở, tổ dân phố được ổn định, tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho người dân và Nhà nước.
Một trong những khó khăn, vướng mắc nhất hiện nay đối với công tác hòa giải ở cơ sở là chế độ tài chính và các điều kiện vật chất khác hỗ trợ, bảo đảm cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên.
Việc hỗ trợ, trang bị tài liệu pháp luật để hòa giải viên tự nghiên cứu, tìm hiểu nâng cao năng lực hoạt động cũng như việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên còn rất hạn chế. Tài liệu pháp luật cũng như các tài liệu hướng dẫn kỹ năng hòa giải ở cơ sở cung cấp cho tổ hòa giải, hòa giải viên rất thiếu, chưa cập nhật và thiếu tính hệ thống. Hầu hết hòa giải viên chưa được bồi dưỡng đầy đủ, toàn diện nội dung kiến thức theo Chương trình khung do Bộ Tư pháp ban hành. Hình thức tập huấn, bồi dưỡng chậm được đổi mới, thiếu linh hoạt, đa dạng (chủ yếu bồi dưỡng trực tiếp, chưa thử nghiệm nhiều hình thức ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò của của phương tiện truyền thông…); phương pháp bồi dưỡng chưa phù hợp với hòa giải viên thường là người cao tuổi, nên hiệu quả thấp.
Việc đầu tư kinh phí hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở nói chung và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên hiện nay tại các địa phương không đồng đều, thiếu thống nhất, thiếu cơ chế đầu tư tổng thể, toàn diện từ Trung ương đến địa phương; không huy động được các tổ chức, cá nhân đóng góp, hỗ trợ tài chính, cơ sở vật chất cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Ở một số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, do địa bàn rộng, đi lại khó khăn, dân cư phân bố rải rác, khí hậu khắc nghiệt, trong khi số lượng tổ hòa giải không nhiều, lực lượng hòa giải viên lại mỏng dẫn đến hoạt động của các tổ hòa giải gặp nhiều khó khăn. Nhiều nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, còn tồn tại các hủ tục lạc hậu, nên việc thuyết phục người dân giải quyết tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật gặp không ít khó khăn.
Từ thực tiễn công tác hòa giải ở cơ sở thời gian qua và kết quả báo cáo tổng kết 05 năm thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở tại các địa phương trong cả nước đều cho thấy rằng, kinh phí và các điều kiện vật chất khác để bảo đảm cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên còn rất hạn chế, chưa thực sự cổ vũ, động viên đối với những người làm công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay.
3. Kiến nghị, đề xuất
Thứ nhất, cần tiếp tục tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền các cấp. Các cấp ủy, chính quyền cần nhận thức đúng đắn, sâu sắc và toàn diện về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, từ đó xác định được phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở. Thực tế đã cho thấy, ở địa phương nào có nhận thức đúng đắn, quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức cho công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó, công tác này đều đạt hiệu quả cao và đồng thời với đó là hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được nâng lên.
Thứ hai, việc quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất và kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở là việc làm cần thiết trong thời gian tới đối với các cơ quan quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Trước hết, cần đảm bảo thực hiện chi đúng, đủ kinh phí hỗ trợ thù lao vụ việc hòa giải. Do đặc thù là những địa bàn kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, ngân sách xã còn rất nhiều khó khăn, eo hẹp, chủ yếu tập trung cho các chương trình trọng điểm, mục tiêu quốc gia... nên nhiều nơi không bố trí được kinh phí chi thù lao vụ việc hòa giải theo Thông tư liên tịch số 100/TTLT/BTC-BTP hoặc theo nghị quyết, văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong khi đó, tại những vùng sâu, vùng xa này, do đi lại khó khăn, mật độ dân cư sinh sống thưa thớt, có những nơi khoảng cách giữa hộ dân này với hộ dân kia là cả quả đồi, hòa giải viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc gặp gỡ các bên để tiến hành hòa giải. Đó là chưa tính đến có những vụ việc phức tạp, hòa giải viên phải nhiều lần gặp gỡ, trao đổi với các bên. Từ đó có thể thấy rõ công sức hòa giải viên bỏ ra để có kết quả hòa giải thành tại những địa phương này không phải là ít. Và đối với những vụ việc như vậy thì dù được chi tối đa 200.000 đồng/vụ việc như quy định hiện tại thì cũng không tương xứng được với tinh thần trách nhiệm, công sức và sự nhiệt tình mà các hòa giải viên đã bỏ ra. Vậy nên, để phát huy tác dụng động viên, khuyến khích hòa giải viên tham gia công tác hòa giải ở cơ sở đạt hiệu quả và chất lượng, cần nghiêm túc thực hiện đúng, đủ quy định pháp luật về kinh phí hỗ trợ chi thù lao vụ việc, hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải...
Thứ ba, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện hơn nữa, nhất là về kinh phí để địa phương có thể tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên; tổ chức thi hòa giải viên giỏi; phổ biến kinh nghiệp hòa giải; cung cấp tài liệu, văn bản pháp luật cần thiết phục vụ công tác hòa giải; tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng, động viên, khuyến khích hòa giải viên có thành tích xuất sác trong công tác hòa giải ở cơ sở nhằm tạp điều kiện để các địa phương nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở
Thứ tư, đề nghị sớm sửa đổi quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Luật Hòa giải ở cơ sở : “
ngân sách trung ương chi bổ sung cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để hỗ trợ kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở” cho phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 9 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015: “
Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm” để áp dụng thống nhất các quy định pháp luật hiện hành liên quan trên cả nước./.
[1] Năm 2013, cả nước có 118.116 tổ hòa giải với 614.731 hòa giải viên. Năm 2014, có 118.662 tổ hòa giải với 666.872 hòa giải viên. Năm 2015, có 118.375 tổ hòa giải với 673.420 hòa giải viên. Năm 2016, có 111.649 tổ hòa giải với tổng số 661.183 hòa giải viên. Năm 2017 có 107.561 tổ hòa giải với 651.215 hòa giải viên.
[2] Năm 2014 tiếp nhận 116.164 vụ, việc, tiến hành hòa giải là 157.836 vụ, việc; hòa giải thành là 128.046 vụ, việc.
Năm 2015 tiếp nhận 152.983 vụ, việc, tiến hành hòa giải là 147.268 vụ, việc; hòa giải thành là 119.743 vụ, việc
Năm 2016 tiếp nhận 146.434 vụ, việc, tiến hành hòa giải là 141.928 vụ, việc; hòa giải thành là 115.651 vụ, việc
Năm 2017 tiếp nhận 136.407 vụ, việc, tiến hành hòa giải là 132.577 vụ, việc; hòa giải thành là 108.757 vụ, việc
Năm 2018 tiếp nhận 121.919 vụ, việc, tiến hành hòa giải là 119.144 vụ, việc; hòa giải thành là 98.638 vụ, việc
[3] Các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa không ban hành văn bản riêng về kinh phí thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh mà áp dụng quy định tại Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP.
[4] Theo Báo cáo số 115/BC-UBND ngày 18/4/2019 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về tổng kết 5 năm thu hành Luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội
[5] Theo Báo cáo số 52/BC-UBND ngày 28/3/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về tổng kết 5 năm thu hành Luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
[6] Theo Báo cáo số 70/BC-UBND ngày 8/4/2019 của UBND tỉnh Lâm Đồng về tổng kết 5 năm thu hành Luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh
[7] Theo Báo cáo số 163/BC-UBND ngày 29/3/2019 của UBND tỉnh Đắk Nông về tổng kết 5 năm thu hành Luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh