Liên kết website

Quy định pháp luật của Trung Quốc về đội ngũ hòa giải viên nhân dân và kinh nghiệm nâng cao năng lực đội ngũ này

27/04/2021

Hòa giải là hành vi thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa. Hòa giải có ý nghĩa lớn, nó làm cho những tranh chấp, xung đột, mâu thuẫn, xích mích được giập tắt hoặc không vượt qua giới hạn sự nghiêm trọng, giúp cho các bên tránh được một sự xung đột được giải quyết bằng bạo lực hoặc chiến tranh. Giúp các bên hiểu biết lẫn nhau, giữ gìn cục diện ổn định… . Do có sự khác biệt về truyền thống lịch sử và thực tiễn hòa giải dẫn đến có nhiều hình thức hòa giải ở các quốc gia khác nhau trên thế giới và những hình thức hòa giải này vẫn đang được phát triển liên tục. Ngày nay, ở Trung Quốc hiện đang sử dụng năm loại hình hòa giải rộng rãi là: (i) “Hòa giải nhân dân”, còn được gọi là “Hòa giải dân sự” do hòa giải viên cộng đồng cấp cơ sở thực hiện; (ii) “Hòa giải tư pháp” được tiến hành bởi các thẩm phán; (iii) “Hòa giải hành chính” do các quan chức chính phủ tiến hành; “Hòa giải trọng tài” do các cơ quan hành chính trọng tài tiến hành; và “Hòa giải trong ngành” do các hiệp hội có uy tín trong một ngành, nghề cụ thể tiến hành. Trong đó, “Hòa giải nhân dân” là một bộ phận quan trọng của hệ thống dịch vụ công và đóng vai trò cơ bản trong cơ chế giải quyết tranh chấp đa nguyên hóa, được phát triển trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của hòa giải dân sự ở Trung Quốc. Do thủ tục hòa giải thuận tiện và chi phí thấp nên phạm vi áp dụng hòa giải nhân dân rất rộng.

Để cải thiện hệ thống hòa giải nhân dân, quy định các hoạt động hòa giải nhân dân, và kịp thời giải quyết mâu thuẫn của người dân và duy trì sự hòa thuận và ổn định xã hội, ngày 28 tháng 8 năm 2010, Luật Hòa giải nhân dân của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã được thông qua trong phiên họp thứ 16 Ủy ban Thường trực của Quốc hội Nhân dân thứ 11 nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Luật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2011). Theo quy định trong Luật, thuật ngữ “hòa giải nhân dân” được đề cập đến trong Luật này là quá trình một ủy ban hòa giải nhân dân mà trực tiếp là các hòa giải viên nhân dân, thuyết phục các bên liên quan đến một mâu thuẫn đạt được một thỏa thuận hòa giải trên cơ sở thương lượng bình đẳng và tự do ý chí và mang lại một kết quả là giải quyết mâu thuẫn giữa các bên. Các hòa giải viên nhân dân này sẽ là các thành viên hay các cá nhân được tuyển dụng bởi các Ủy ban hòa giải nhân dân.
 Vtiêu chuẩn của hòa giải viên nhân dân, theo quy định tại Điều 14 của Luật, các hòa giải viên nhân dân phải là những công dân đủ tuổi trưởng thành, những người công bằng, công tâm và hết lòng vì công tác hòa giải nhân dân, và có trình độ giáo dục nhất định, am hiểu chính sách và có kiến thức về pháp luật.
Về nhiệm kỳ của hòa giải viên, nhiệm kỳ tham gia hoạt động hòa giải trong các ban hòa giải nhân dân của hòa giải viên là ba (03) năm và bất kỳ ai trong số hòa giải viên này đều có thể được lựa chọn tham gia vào ủy ban tiếp theo sau khi hết hạn nhiệm kỳ.
Về lựa chọn hòa giải viên: Các thành viên của ủy ban hòa giải nhân dân của một hội đồng thôn hoặc hội đồng các vùng lân cận sẽ được lựa chọn tại cuộc họp thôn, cuộc họp của các đại diện thôn, hay cuộc họp tổ dân cư; trong khi các thành viên của ủy ban hòa giải nhân dân của một tổ chức kinh tế hay một học viện công sẽ được lựa chọn bởi các cán bộ nhân viên, trong cuộc họp đại diện cán bộ nhân viên, hay bởi công đoàn.
 Các cơ quan hành chính tư pháp trực thuộc các chính quyền nhân dân cấp xã sẽ cung cấp đào tạo nghề nghiệp thường xuyên cho các hòa giải viên nhân dân.
Trong trường hợp một hòa giải viên nhân dân vi phạm một trong những hành động sau trong quá trình thực tiến hành công tác hòa giải, ủy ban hòa giải nhân dân nơi cá nhân đó công tác sẽ phê bình và giáo dục cá nhân đó và yêu cầu cá nhân đó sửa chữa vi phạm của mình; nếu vi phạm nghiêm trọng, tổ chức pháp nhân giới thiệu hoặc bổ nhiệm cá nhân đó sẽ sa thải cá nhân này khỏi vị trí hay công việc hòa giải:
  - Thiên vị một bên mâu thuẫn hay tranh chấp;
  - Lăng nhục một bên mâu thuẫn hay tranh chấp;
  - Đòi hỏi hoặc nhận tiền hay hiện vật, hay vì những tư lợi trái pháp luật khác; hoặc
  - Tiết lộ bí mật cá nhân hoặc bí mật thương mại của một bên liên quan.
 Các hòa giải viên nhân dân sẽ được nhận trợ cấp cho thời gian thực hiện việc hòa giải. Trong trường hợp một hòa giải viên nhân dân bị thương hoặc bị tàn tật trong quá trình thực hiện công tác hòa giải, chính quyền nhân dân địa phương sẽ cung cấp tất cả những trợ giúp cần thiết liên quan đến chăm sóc y tế và sinh sống của cá nhân đó. Trong trường hợp một hòa giải viên nhân dân chết do thực hiện công tác hòa giải, vợ/chồng và các con của cá nhân đó sẽ được nhận đền bù và chăm sóc ưu đãi theo như các điều khoản luật liên quan của nhà nước.
Theo ông Den Yu (Đặng Vũ) – Phó trưởng phòng, Văn phòng cải cách tư pháp Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc, chia sẻ tại Hội thảo quốc tế về Dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án diễn ra tại Hà Nội ngày 13/4/2019, thì hiện nay Trung Quốc có 790.000 Ban hòa giải nhân dân, 3.669.000 hòa giải viên, còn nhiều hơn nhiều so với số thẩm phán hoặc luật sư. Hòa giải viên nhân dân là người trực tiếp thực hiện công tác hòa giải, gánh vác trách nhiệm, nhiệm vụ giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, tuyên truyền pháp quyền, duy trì ổn định và thúc đẩy hòa hợp. Việc tăng cường xây dựng đội ngũ hòa giải viên nhân dân có kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải có ý nghĩa to lớn trong việc nâng cao chất lượng công tác hòa giải nhân dân, phát huy vai trò hòa giải nhân dân là “tuyến phòng thủ đầu tiên” trong việc duy trì sự hài hòa, ổn định xã hội, tiến tới xây dựng Trung Quốc an toàn và pháp quyền, đồng thời hiện đại hóa hệ thống quản trị quốc gia và năng lực quản trị. Chính vì vậy, công tác hòa giải nhân dân luôn được Trung ương Đảng, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc coi trọng. Kể từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã nhiều lần ban hành các chỉ thị quan trọng đối với công tác hòa giải nhân dân, chỉ ra phương hướng làm tốt công tác hòa giải nhân dân và tăng cường xây dựng tổ hòa giải viên nhân dân. Thực tiễn cho thấy, đội ngũ hòa giải viên nhân dân luôn tâm niệm, sâu sát cơ sở, tích cực thực hiện công tác điều tra, hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp, giải quyết có hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Năm 2018, các tổ chức hòa giải nhân dân trên toàn quốc đã hòa giải hơn 9 triệu tranh chấp. Họ đã có những đóng góp tích cực trong việc duy trì sự hài hòa và ổn định xã hội, cung cấp các dịch vụ và cải thiện đời sống của người dân. Hiện nay, chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã bước sang giai đoạn mới. Nhân dân Trung Quốc không chỉ đặt ra yêu cầu cao hơn về đời sống vật chất, văn hóa mà còn yêu cầu ngày càng cao về dân chủ, pháp quyền, công bằng, công lý,... Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 nhấn mạnh cần tăng cường xây dựng cơ chế phòng ngừa và giải quyết các mâu thuẫn xã hội, xử lý chính xác các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Tất cả những điều này đã đặt ra những yêu cầu mới ngày càng cao đối với công tác hòa giải nhân dân nói chung và xây dựng đội ngũ hòa giải viên nhân dân nói riêng. 
Để thực hiện nghiêm túc tinh thần của Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, quán triệt việc ra quyết định và triển khai của Hội nghị toàn thể lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XVIII về phát triển đội ngũ hòa giải viên nhân dân, thực hiện đầy đủ Luật Hòa giải nhân dân, ngày 28/3/2018, kỳ họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo Cải cách toàn diện, sâu rộng Trung ương Trung Quốc đã thảo luận và thông qua "Ý kiến ​​về việc tăng cường xây dựng đội ngũ hòa giải viên nhân dân" (sau đây gọi là "Ý kiến"). Ngày 27/4/2018, Ủy ban Chính trị - Pháp luật Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Dân sự, Bộ Tài chính, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội đã chính thức ban hành “Ý kiến” này.
Ý kiến đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau về việc củng cố xây dựng đội ngũ hòa giải viên nhân dân ở Trung Quốc:
1. Nhóm giải pháp về xây dựng đội ngũ hòa giải viên
Một là, nghiêm túc làm tốt công tác lựa chọn, chỉ định hòa giải viên nhân dân
- Điều kiện lựa chọn hòa giải viên nhân dân phải chặt chẽ. Hòa giải viên nhân dân là thành viên của Ban hòa giải nhân dân và là người do Ủy ban hòa giải nhân dân cử, có thể kiêm nhiệm hoặc chuyên trách. Hòa giải viên nhân dân phải là những công dân thành niên, công bằng, trung thực, tự giác, nhiệt tình với công tác hòa giải nhân dân, có trình độ văn hóa, trình độ hiểu biết pháp luật nhất định. Hòa giải viên của Ban hòa giải nhân dân thị trấn (tổ dân phố) nhìn chung phải có trình độ trung học phổ thông trở lên, hòa giải viên của Ban hòa giải nhân dân ngành, chuyên môn nhìn chung phải có trình độ cao đẳng trở lên, có kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ hoặc công việc phù hợp.
- Bầu thành viên Ban hòa giải nhân dân theo quy định của pháp luật. Các thành viên của Ban hòa giải nhân dân được lựa chọn theo hình thức lựa chọn. Các thành viên của Ban hòa giải nhân dân của thôn, Ban dân cư cộng đồng do hội nghị thôn hoặc đại hội đại biểu thôn, tổ dân phố hoặc đại hội cư dân bầu ra. Thành viên Ban hòa giải nhân dân do doanh nghiệp, cơ sở thành lập do đại hội công nhân, đại hội người lao động hoặc tổ chức công đoàn bầu ra. Thành viên Ban hòa giải nhân dân thị trấn (khu phố) do cấp ủy thôn (khu phố), các đơn vị liên quan, tổ chức xã hội và các tổ chức khác trên địa bàn hành chính bầu ra. Thành viên Ban hòa giải nhân dân ngành, nghề do đơn vị, tổ chức xã hội, tổ chức khác có liên quan bầu ra. Thành viên Ban hòa giải nhân dân khi hết nhiệm kỳ thì được bầu lại kịp thời và có thể tái cử. Các thành viên mới được bầu của Ủy ban hòa giải nhân dân phải được thông báo cho công chúng một cách kịp thời.
- Làm tốt công tác cử hòa giải viên. Ban hòa giải nhân dân có thể thuê một số hòa giải viên chuyên trách, kiêm nhiệm và cấp giấy cử hòa giải viên khi cần thiết. Tập trung lựa chọn và thuê hòa giải viên nhân dân ở cơ sở từ những cá nhân có uy tín cao. Cần chú ý đến việc lựa chọn luật sư, công chứng viên, trọng tài viên,..., bác sĩ, giáo viên, chuyên gia và học giả và các chuyên gia xã hội khác, cũng như các thẩm phán đã nghỉ hưu, công tố viên,..., cán bộ hành chính tư pháp và những người nghỉ hưu từ các ngành liên quan tham gia làm hòa giải viên nhân dân. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn của hòa giải viên. Cần tích cực phát triển đội ngũ hòa giải viên nhân dân chuyên trách, cụ thể như: Ban hòa giải nhân dân ngành, chuyên môn có trên 3 hòa giải viên chuyên trách, Ban hòa giải nhân dân thị trấn có hơn 2 hòa giải viên chuyên trách...
Hai là, làm rõ chức trách, nhiệm vụ của hòa giải viên nhân dân
- Chức trách, nhiệm vụ của hòa giải viên nhân dân. Tích cực tham gia điều tra các mâu thuẫn, tranh chấp và thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu các xung đột, tranh chấp xảy ra dựa trên nguyên nhân của các mâu thuẫn, tranh chấp được phát hiện trong quá trình điều tra; nghiêm túc thực hiện hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp và lắng nghe đầy đủ lời khai của các bên và điều tra các tình tiết liên quan. Thuyết phục, giáo dục, thúc đẩy tham vấn bình đẳng giữa các bên, tự nguyện đạt được thỏa thuận hòa giải và đôn đốc các bên kịp thời thực hiện các nghĩa vụ đã thỏa thuận được. Hòa giải viên nhân dân không từ chối yêu cầu hòa giải của đương sự mà không có lý do chính đáng; chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quy chế, nội quy, chính sách thông qua công tác hòa giải, giáo dục công dân ý thức chấp hành pháp luật, đề cao đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức gia đình; phát hiện tội phạm trái pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến ổn định xã hội, trật tự công cộng, kịp thời báo cho cơ quan Công an có thẩm quyền; chủ động báo các mâu thuẫn, tranh chấp đến Ban hòa giải nhân dân nơi đặt trụ sở để điều tra, hòa giải; tận tâm làm tốt đăng ký hòa giải, thống kê hòa giải, quản lý hồ sơ tài liệu; chấp hành ý kiến ​​chỉ đạo của các phòng hành chính tư pháp và hướng dẫn nghiệp vụ của Tòa án nhân dân cơ sở; chấp hành tốt các quy định của hệ thống Ban hòa giải nhân dân, tích cực tham gia các đợt học tập chính trị, tập huấn nghiệp vụ; nghiêm túc hoàn thành các nhiệm vụ khác do Phòng hành chính tư pháp và Ban hòa giải nhân dân giao.
Ba là, tăng cường xây dựng tư tưởng chính trị, phong cách cho hòa giải viên nhân dân.
- Tăng cường xây dựng tư tưởng chính trị. Tổ chức cho các hòa giải viên nghiêm túc học tập, thực hiện theo tinh thần của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời kiên định trang bị tâm trí và chỉ đạo làm việc theo tư tưởng của Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới. Giáo dục, hướng dẫn cho hòa giải viên nhân dân vững vàng nhận thức chính trị, nhận thức tình hình chung,... Tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho hòa giải viên nhân dân, giáo dục sâu sắc giá trị cốt lõi xã hội chủ nghĩa và quan niệm nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy văn hóa hòa giải, nâng cao ý thức trách nhiệm xã hội và danh dự nghề nghiệp của hòa giải viên.
- Tăng cường xây dựng nền nếp, tác phong. Nâng cao quy tắc ứng xử của hòa giải viên nhân dân, giáo dục hòa giải viên nhân dân chấp hành và thực hiện nghiêm túc đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật công tác, xây dựng hình ảnh tốt về liêm chính, tự giác, rèn luyện tác phong công tác. Thiết lập cơ chế xử lý khiếu nại, điều tra và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật và kỷ luật của hòa giải viên, đồng thời không ngừng nâng cao mức độ hài lòng của công chúng.
- Tăng cường công tác xây dựng đảng. Đảng viên và hòa giải viên nhân dân tích cực tham gia vào sinh hoạt tổ chức của chi bộ, củng cố tinh thần đảng viên, thực hiện đúng tiêu chuẩn đảng viên, có ý thức chấp hành sự giám sát của quần chúng trong và ngoài đảng, phát huy tính tiền phong, gương mẫu, vai trò của đảng viên trong công tác hòa giải nhân dân. Hỗ trợ các ủy ban hòa giải có những người có đủ năng lực thành lập các tổ chức đảng riêng, thực hiện nghiêm túc đời sống chính trị trong đảng...
Bốn là, tăng cường đào tạo nghiệp vụ hòa giải viên nhân dân
- Thực hiện trách nhiệm đào tạo. Việc đào tạo hòa giải viên nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan hành chính tư pháp. Cần kiên trì phân công trách nhiệm, tập trung vào các quận (thành phố, huyện), tăng cường đào tạo đội ngũ hòa giải viên nhân dân. Phòng hành chính tư pháp quận (huyện, thành phố) chịu trách nhiệm chính trong việc tập huấn, đào tạo hàng năm cho Trưởng ban hòa giải nhân dân và các hòa giải viên nhân dân thuộc thẩm quyền; phòng hành chính tư pháp của thành phố (tỉnh, bang) chịu trách nhiệm chính về đào tạo nghề và đào tạo hàng năm cho các doanh nghiệp lớn và vừa, các thị trấn (tiểu khu), Ban hòa giải nhân dân các ngành, Trưởng ban hòa giải và các hòa giải viên chủ chốt thuộc thẩm quyền; Sở hành chính tư pháp tỉnh (vùng, thành phố) có trách nhiệm xây dựng đội ngũ hòa giải viên nhân dân trong khu vực lập kế hoạch đào tạo, tổ chức tập huấn cho đội ngũ hòa giải viên nhân dân, xây dựng đội ngũ giáo viên tập huấn; Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổ chức biên soạn tài liệu tập huấn, chuẩn hóa nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên hòa giải viên nhân dân. Các sở hành chính tư pháp cần tích cực tuyển dụng luật sư, công chứng viên, giám định viên tư pháp, hòa giải viên nhân dân chuyên trách làm giảng viên để nâng cao chất lượng và trình độ đào tạo. Tòa án nhân dân cấp cơ sở cần căn cứ vào thực tế công tác xét xử và thực trạng của đội ngũ hòa giải viên nhân dân, chủ động tuyển chọn Ban hòa giải nhân dân vào danh sách các tổ chức hòa giải được mời đặc biệt trong Tòa án nhân dân, tăng cường công tác xác nhận tư pháp và tập huấn nghiệp vụ cho hòa giải viên nhân dân.
- Làm phong phú nội dung và hình thức đào tạo. Phòng hành chính tư pháp và Hiệp hội hòa giải viên sẽ tổ chức các lớp tập huấn dựa trên đặc điểm của các xung đột, tranh chấp ở địa phương, ngành, nghề, tập trung vào tình hình xã hội, chính sách pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, kiến ​​thức chuyên môn và kỹ năng hòa giải. Đổi mới phương pháp đào, áp dụng giảng dạy tập trung, hội thảo và trao đổi, đánh giá và phân tích vụ việc, điều tra thực tế, quan sát tại chỗ, điều trần tại tòa và các bài tập đào tạo thực hành để nâng cao tính thích hợp và hiệu quả của đào tạo. Phù hợp với xu hướng phát triển của “Internet +”, thiết lập và cải thiện nền tảng đào tạo mạng lưới hòa giải viên nhân dân, thúc đẩy tích hợp sâu rộng giữa công nghệ thông tin và đào tạo hòa giải viên nhân dân. Căn cứ vào các trường đại học, cơ sở đào tạo có đủ điều kiện để thực hiện đào tạo, xây dựng khóa đào tạo, tài liệu giảng dạy cho hòa giải viên nhân dân, xây dựng và hoàn thiện hệ thống đánh giá chất lượng đào tạo hòa giải viên nhân dân.
Năm là, tăng cường quản lý hòa giải viên nhân dân
- Cải tiến hệ thống quản lý. Ủy ban hòa giải nhân dân thiết lập và cải tiến các hệ thống quản lý khác nhau đối với việc sử dụng, học tập, đào tạo, đánh giá, khen thưởng, xử phạt đối với hòa giải viên nhân dân và tăng cường công tác quản lý hòa giải viên nhân dân hàng ngày. Xây dựng hệ thống dữ liệu về hòa giải viên nhân dân, Phòng hành chính tư pháp các quận (huyện, thành phố) thường xuyên thu thập thông tin cơ bản về hòa giải viên nhân dân, kịp thời công bố rộng rãi và thông báo cho Tòa án nhân dân để các bên thuận lợi trong việc lựa chọn, giám sát. Thiết lập hệ thống đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động hòa giải, đồng thời cải thiện hệ thống chỉ số đánh giá.
- Cải thiện cơ chế xử lý. Khi tiến hành hòa giải, hòa giải viên nhân dân phải tuân thủ các nguyên tắc hòa giải, làm rõ quy định pháp luật, bảo vệ công lý. Đối với những hòa giải viên nhân dân vì thiên vị, ủng hộ một bên mà có hành vi xúc phạm, gạ gẫm hoặc nhận tài sản hoặc tìm kiếm những lợi ích không chính đáng khác hoặc tiết lộ bí mật cá nhân hoặc bí mật kinh doanh của bên còn lại thì ủy ban hòa giải nhân dân nơi hòa giải viên trực thuộc sẽ phê bình và giáo dục và yêu cầu sửa chữa vi phạm; trường hợp nghiêm trọng, hòa giải viên sẽ bị đơn vị tuyển chọn, bổ nhiệm thu hồi hoặc miễn nhiệm. Đối với hòa giải viên nhân dân không đủ điều kiện tiếp tục tham gia công tác hòa giải do vi phạm pháp luật, kỷ luật; vi phạm nghiêm trọng hệ thống quản lý, buông lỏng thi hành công vụ gây tác động xấu đến xã hội; hòa giải không đủ năng lực, tự ý xin thôi làm hòa giải viên, phòng hành chính tư pháp cần kịp thời kiểm tra, xem xét để miễn nhiệm, bãi nhiệm.
Sáu là, tích cực huy động các lực lượng xã hội tham gia công tác hòa giải nhân dân
- Huy động các lực lượng xã hội tham gia. Phát huy hết vai trò tích cực của các trưởng thôn, trưởng tổ chức xã hội ở cơ sở và thúc đẩy việc thành lập các đội nhân sự để thông tin về tranh chấp trong các thôn, hộ gia đình, v.v.., đồng thời điều tra và tìm ra nguyên nhân mâu thuẫn, tranh chấp ẩn chứa những nguy cơ. Xây dựng đội ngũ tình nguyện viên hòa giải và chủ động mời “hai đại biểu và một ủy ban” (đại biểu đảng, đại biểu đại hội nhân dân và thành viên CPPCC), “năm cựu chiến binh” (đảng viên cũ, cán bộ, giáo viên, trí thức, công an), các chuyên gia và các học giả, nhân viên chuyên môn và kỹ thuật, v.v.. tham gia vào việc giải quyết xung đột và tranh chấp. Phát huy lợi thế của các nguồn lực của hệ thống hành chính tư pháp như luật sư, công chứng viên, giám định viên tư pháp, nhân viên trợ giúp pháp lý... để cùng chung sức giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp.
- Thiết lập cơ sở dữ liệu về các chuyên gia tư vấn hòa giải của người dân. Các cơ quan hành chính tư pháp cấp quận hoặc cao hơn có thể, theo nhu cầu hòa giải tranh chấp, thiết lập cơ sở dữ liệu chuyên gia tư vấn hòa giải của người dân kết hợp với các cơ quan ban, ngành liên quan, bao gồm các chuyên gia về luật, tâm lý học, công tác xã hội và các ngành, lĩnh vực chuyên môn liên quan. Các chuyên gia có này có trách nhiệm báo cáo với Ủy ban hòa giải nhân dân. Cơ sở dữ liệu chuyên gia tư vấn hòa giải của nhân dân có thể là cơ sở dữ liệu chuyên gia trong nhiều lĩnh vực hoặc có thể là cơ sở dữ liệu chuyên gia trong một ngành hoặc lĩnh vực chuyên môn cụ thể.
Bẩy là, tăng cường công tác bảo đảm cho hòa giải viên nhân dân
- Thực hiện chế độ của hòa giải viên nhân dân. Tài chính địa phương bố trí hợp lý mức chi cho hòa giải viên nhân dân phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, xã hội và nguồn lực tài chính của địa phương. Việc bố trí và phân bổ trợ cấp cho hòa giải viên nhân dân phải xem xét đến số lượng, chất lượng, mức độ khó khăn, tác động xã hội và tiêu chuẩn hóa hoạt động hòa giải. Tiêu chuẩn trợ cấp được xác định bởi cơ quan hành chính tư pháp cấp quận trở lên với sự tham khảo ý kiến ​​của sở tài chính cùng cấp. Những người rõ ràng bị cấm không được hưởng thù lao kiêm nhiệm sẽ không được trợ cấp. Đối với những địa bàn khó khăn về kinh phí, cấp tỉnh cần điều phối các kênh hỗ trợ hiện có và tăng cường bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải nhân dân. Đơn vị thành lập Ban hòa giải nhân dân và các sở, ngành có liên quan có trách nhiệm trang bị cho hòa giải viên các điều kiện về trụ sở như địa điểm, phương tiện và kinh phí làm việc cần thiết để hòa giải viên thực hiện công việc của mình theo quy định của pháp luật. Sở hành chính tư pháp tỉnh (khu vực, thành phố trực thuộc Trung ương) hoặc hiệp hội hòa giải viên nhân dân phải công khai việc sử dụng quỹ hòa giải nhân dân cho công chúng sáu tháng hoặc một năm một lần thông qua báo chí, Internet, v.v. và tuân thủ sự giám sát của xã hội.
- Thúc đẩy công tác hòa giải của người dân thông qua việc mua các dịch vụ của chính phủ. Phòng hành chính tư pháp phối hợp với các bộ phận liên quan làm tốt việc chính quyền mua dịch vụ hòa giải nhân dân, cải tiến phương thức và thủ tục mua, tích cực xây dựng các tổ chức xã hội như hiệp hội hòa giải nhân dân, hiệp hội ngành nghề liên quan, khuyến khích họ thuê hòa giải viên chuyên trách của nhân dân và tích cực tham gia vào việc chính phủ mua các dịch vụ hòa giải nhân dân.
- Thực hiện chính sách bồi thường cho hòa giải viên nhân dân. Phòng hành chính tư pháp cần bám sát tình hình hòa giải viên cần hỗ trợ, phối hợp thực hiện các chính sách, biện pháp xử lý có liên quan. Trường hợp hòa giải viên nhân dân có trình độ chuyên môn bị thương tật, tàn tật do công việc hòa giải gặp khó khăn trong cuộc sống thì chính quyền nhân dân địa phương hỗ trợ cần thiết về y tế, sinh hoạt theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp hòa giải viên nhân dân chết vì lý do thực hiện công tác hòa giải thì vợ hoặc chồng, các con của họ được nhận đền bù và chăm sóc ưu đãi theo quy định pháp luật của nhà nước. Khai thác nhiều kênh tài chính để hỗ trợ cho hòa giải viên hoặc người thân của họ trong trường hợp chết hoặc bị tàn tật do làm việc trong quá trình hòa giải.
- Tăng cường công tác bảo vệ cá nhân của hòa giải viên nhân dân. Trường hợp hòa giải viên nhân dân hòa giải các tranh chấp dân sự theo quy định của pháp luật mà bị can thiệp, trả thù trái pháp luật hoặc bị đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của bản thân và người thân thì phòng hành chính tư pháp địa phương, hiệp hội hòa giải viên nhân dân phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện các biện pháp để bảo vệ họ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Nghiên cứu việc thiết lập cơ chế bảo vệ cá nhân cho hòa giải viên và khuyến khích mua bảo hiểm tai nạn cá nhân cho hòa giải viên.
2. Nhóm giải pháp về tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác hòa giải nhân dân
- Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý nhà nước đối với công tác hòa giải nhân dân. Cơ quan hành chính tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn công tác hòa giải nhân dân, cần đặt việc xây dựng đội ngũ hòa giải viên nhân dân lên vị trí quan trọng, để tăng cường hiệu quả công tác chỉ đạo. Cần chủ động báo cáo cấp ủy, chính quyền công tác hòa giải, tích cực tìm kiếm sự quan tâm hỗ trợ của các ban ngành liên quan, nỗ lực giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà hòa giải viên nhân dân gặp phải trong công tác. Cần hoàn thiện các hệ thống liên quan để nâng cao trình độ quản lý đội ngũ hòa giải viên nhân dân. Hội hòa giải viên nhân dân cần phát huy vai trò là đầu tàu cho ngành, tích cực làm tốt công tác giáo dục, đào tạo hòa giải viên nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích..., tăng cường phục vụ và quản lý đội ngũ hòa giải viên nhân dân.
- Thực hiện trách nhiệm của sở, ngành liên quan. Tất cả các sở, ngành liên quan phải làm rõ trách nhiệm của mình, tăng cường phối hợp, hiệp đồng, cùng nhau làm tốt công tác hòa giải nhân dân. Cấp ủy chính trị - pháp luật các cấp đưa việc xây dựng tổ hòa giải viên nhân dân vào hệ thống đánh giá công tác quản lý toàn diện. Tòa án nhân dân cần tăng cường hướng dẫn nghiệp vụ cho hòa giải viên nhân dân trong việc hòa giải tranh chấp bằng nhiều hình thức, nâng cao kỹ năng hòa giải. Bộ phận tài chính sẽ thực hiện trách nhiệm bảo đảm tài chính,...
- Tăng cường khen thưởng và công khai. Tận tâm thực hiện Luật Hòa giải nhân dân, tăng cường khen thưởng hòa giải viên có thành tích xuất sắc theo quy định của nhà nước. Cần tận dụng triệt để các phương tiện truyền thống và các phương tiện mới như Internet, WeChat, Weibo để tích cực quảng bá các điển hình, điển hình tiên tiến trong công tác hòa giải nhân dân, mở rộng tầm ảnh hưởng xã hội của công tác hòa giải nhân dân, nâng cao danh dự, niềm tự hào nghề nghiệp của hòa giải viên nhân dân./.
Hải Anh
File đính kèm
Các tin đã đưa ngày: