Liên kết website

Tổng hợp khó khăn, vướng mắc và trả lời đề xuất, kiến nghị của địa phương về công tác hòa giải ở cơ sở 6 tháng đầu năm 2022

11/09/2022

I. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, đề nghị Bộ Tư pháp xem xét ban hành văn bản thay thế Chỉ thị số 03/CT-BTP ngày 27/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở, do đến nay không còn phù hợp với thực tiễn (Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau)
Chỉ thị số 03/CT-BTP ngày 27/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở được ban hành nhằm chỉ đạo thúc đẩy thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998 và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
Ngày 20/6/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở (Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở năm 1998 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực). Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành để triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, như: Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014, Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014, Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 và các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Hàng năm, Bộ Tư pháp đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác hòa giải ở cơ sở trên toàn quốc. Do đó, việc ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở là không cần thiết.
2.  Việc xác định trách nhiệm của UBND cấp xã đối với hoạt động hòa giải chưa thật rõ ràng dẫn đến sự phối hợp với các cơ quan có liên quan đôi lúc chưa thật chặt chẽ. Cần bổ sung các quy định cụ thể về vai trò và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, trong đó, xác định trách nhiệm của người đứng đầu nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở (Sở Tư pháp tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Thừa Thiên -  Huế).
Các điều, khoản của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014, Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014, Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014) đều đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở, như: quyết định số lượng tổ hòa giải trên địa bàn, số lượng hòa giải viên trong tổ hòa giải, công nhận hòa giải viên, công nhận tổ trưởng tổ hòa giải, thanh toán thù lao vụ, việc cho hòa giải viên, hỗ trợ khi hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, …
          3. Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về độ tuổi của Hòa giải viên hoặc theo hướng quy định rõ thành phần cơ cấu hòa giải viên ở cơ sở để nâng cao chất lượng hòa giải viên và công tác hòa giải ở cơ sở (Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp, Thừa Thiên - Huế)
Tổ hòa giải là tổ chức tự quản của nhân dân tại cơ sở, hòa giải viên tham gia công tác hòa giải trên tinh thần tự nguyện, vì lợi ích cộng đồng, hoạt động hòa giải mang tính xã hội cao, không có mục đích lợi nhuận (không thu phí) nên việc quy định độ tuổi của hòa giải viên hoặc quy định rõ thành phần cơ cấu hòa giải viên ở cơ sở sẽ trái với bản chất của công tác hòa giải ở cơ sở và không phù hợp với thực tiễn.
4. Có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thống nhất về mô hình Tổ hòa giải điển hình (Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ninh)
Tổ hòa giải được thành lập ở thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố… Mỗi thôn, làng, bản, tổ dân phố có đặc điểm riêng về địa lý, dân tộc, văn hóa, phong tục tập quán, kinh tế, xã hội… vì vậy, mô hình Tổ hòa giải điển hình khó có thể hướng dẫn nhân rộng để thống nhất trên toàn quốc. Ví dụ khó có thể áp dụng mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” của thành phố Hà Nội vào các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nguyên - nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và điều kiện kinh tế - xã hội, địa lý còn khó khăn.
Do đó, đề nghị mỗi địa phương cần căn cứ vào đặc điểm riêng của địa phương để nghiên cứu, thiết kế mô hình Tổ hòa giải phù hợp.
5. Xây dựng bộ tài liệu và tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở, nhất là kỹ năng xử lý các mâu thuẫn, tranh chấp; kỹ năng lập biên bản hòa giải thành trong giải quyết các mâu thuẫn tranh cấp ở cơ sở (Sở Tư pháp tỉnh Thanh Hóa)
- Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật Hòa giải ở cơ sở, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên (Quyết định số 4077/QĐ-BTP ngày 31/12/2014); ban hành Bộ tài liệu nguồn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên (Quyết định số 1753/QĐ-BTP ngày 22/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp); ban hành Tài liệu bồi dưỡng tập huấn viên hòa giải ở cơ sở (Quyết định số 1887/QĐ-BTP ngày 09/9/2020 của Bộ Tư pháp); Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở dành cho đội ngũ hòa giải viên (Quyết định số 1852/QĐ-BTP ngày 01/9/2020 của Bộ Tư pháp); Tài liệu tập huấn mẫu kỹ năng hòa giải ở cơ sở (dành cho tập huấn viên) năm 2021; tình huống mẫu, vụ việc hòa giải điển hình; các tài liệu phổ biến kiến thức pháp luật trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, quyền con người, quyền công dân... Toàn bộ các tài liệu này đã được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp
- Thực hiện Quyết định số 428/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp đã tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng  nghiệp vụ quản lý nhà nước, kỹ năng tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh tại 03 miền Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên các địa phương còn cử đại biểu tham gia lớp tập huấn rất hạn chế, một số địa phương không cử đại biểu tham gia (ví dụ ngày 08/6/2022, Bộ Tư pháp tổ chức lớp tập huấn cho khu vực miền Trung tại Đà Nẵng thì nhiều địa phương không cử đại biểu tham dự như Gia Lai, Phú Yên, Bình Thuận, Thừa Thiên – Huế; nhiều địa phương chỉ cử 01 đại biểu (trong tổng số 4 – 5 đại biểu thuộc đối tượng tập huấn) như Đăk Lắk, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng.
- Việc tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở thực hiện theo phân cấp quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (Khoản 1 Điều 29 Luật Hòa giải ở cơ sở). Vì vậy, đề nghị địa phương quan tâm, bố trí nguồn lực tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ và trang bị kiến thức pháp luật cho hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn.
6. Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở theo hướng tăng mức chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ việc (UBND tỉnh Đồng Nai, Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bình Thuận, Bình Phước, Cà Mau, Cao Bằng, Đăk Lăk, Hải Phòng, Hậu Giang, Lai Châu, Lâm Đồng, Long An, Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Sơn La, Tây Ninh, Thanh Hóa, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Đồng Tháp, Thừa Thiên - Huế, Thái Bình).
Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT/BTC-BTP được ban hành ngày 30/7/2014, sau 08 năm triển khai thực hiện, nhiều địa phương phản ánh nội dung chi và mức chi quy định trong Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT/BTC-BTP không còn phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội hiện nay. Căn cứ vào kết quả tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT/BTC-BTP của các địa phương, ngày 25/3/2022, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 65/BC-BTP về việc thực hiện Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP và Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP gửi Bộ Tài chính. Trong đó, Bộ Tư pháp đã đề xuất nâng mức chi đối với một số nội dung, đặc biệt là nâng mức chi thù lao cho hòa giải viên trong mỗi vụ, việc hòa giải để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tích cực phối hợp với Bộ Tài chính trong xây dựng dự thảo Thông tư mới của Bộ Tài chính thay thế Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP. Dự kiến Thông tư này sẽ được ban hành trong năm 2022.
7. Thành phần hồ sơ thanh quyết toán kinh phí còn phức tạp, chưa có hướng dẫn cụ thể. Đề nghị, quy định đơn giản thành phần hồ sơ, chứng từ làm thủ tục thanh toán chi thù lao cho hòa giải viên vừa bảo đảm đúng các quy định pháp luật, vừa tạo điều kiện cho hòa giải viên nhận được kinh phí hỗ trợ theo quy định (Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng).
Điều 15 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hòa giải ở cơ sở đã quy định hồ sơ đề nghị thanh toán cho thù lao cho hòa giải viên do Tổ trưởng tổ hòa giải lập gồm: (1) Giấy đề nghị thanh toán thù lao của hòa giải viên. Trên giấy thể hiện các nội dung: Họ tên, địa chỉ của hòa giải viên; tên địa chỉ tổ hòa giải; số tiền đề nghị thanh toán; nội dung thanh toán; chữ ký của hòa giải viên, chữ ký xác nhận của tổ trưởng tổ hòa giải. (2) xuất trình Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở để đối chiếu khi cần thiết.
Giấy đề nghị thanh toán trên nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong thời hạn 05 ngày UBND cấp xã xem xét, quyết định trả thù lao cho hòa giải viên (trường hợp không thanh toán thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do).
Như vậy, hồ sơ thanh toán kinh phí chi thù lao cho hòa giải viên rất đơn giản. Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, khi đề nghị thanh toán chi thù lao hòa giải viên thì kế toán cấp xã thường yêu cầu bổ sung thêm các giấy tờ không được quy định trong Điều 15 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP như: Biên bản hòa giải, quyết định công nhận hòa giải viên ở cơ sở… Vì vậy, đề nghị Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Sở Tài chính ở địa phương tổ chức kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những địa phương thực hiện chưa đúng quy định nêu trên.
8. Quy trình bầu, công nhận hòa giải viên còn phức tạp, nhiều thủ tục trong khi đó Tổ trưởng, Tổ phó và các Hòa giải viên thường là Trưởng, phó các đoàn thể, người có uy tín của bản (đều đã được bầu theo quy định của Điều lệ). Việc bầu, công nhận hòa giải viên ở một số địa phương còn mang tính hình thức, chiếu lệ (Sở Tư pháp các tỉnh: Sơn La, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Lai Châu)
 Các địa phương đều phản ánh việc bầu, công nhận hòa giải viên theo quy định tại Điều 8 Luật Hòa giải ở cơ sở và Điều 12 Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014 rất phức tạp, không phù hợp thực tiễn (đặc biệt là các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa). Tiếp nhận phản ánh này, Bộ Tư pháp dự kiến trong năm 2023 sẽ tham mưu tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, nếu kết quả tổng kết cho thấy cần sửa đổi, bổ sung Luật Hòa giải ở cơ sở thì Bộ Tư pháp sẽ tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung Luật này để tránh “hành chính hóa” việc bầu hòa giải viên ở cơ sở, đáp ứng tình hình thực tiễn.
 
II. KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI PHÁP THÁO GỠ
1. Chưa có quy định mang tính ràng buộc, bắt buộc thực hiện những cam kết, thỏa thuận khi hòa giải thành dẫn đến hạn chế về hiệu lực, hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở. Chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về việc sử dụng kết quả công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án trong việc giải quyết vụ việc tại Tòa án nhân dân khi các bên có yêu cầu (Sở Tư pháp các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Lâm Đồng, Bắc Giang).
Chương XXXIII Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1503/BTP-PBGDPL ngày 05/5/2017 hướng dẫn thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở. Khi đã được Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành thì quyết định đó có hiệu lực thi hành ngay và được thi hành theo pháp luật thi hành án dân sự. Đề nghị các địa phương phổ biến thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án đến các tổ hòa giải, hòa giải viên và nhân dân để biết, thực hiện theo quy định.
2. Việc củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hòa giải có nơi còn chậm (Sở Tư pháp các tỉnh Bạc Liêu, Thái Bình).
Điểm a, Khoản 2 Điều 29 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: thành lập, kiện toàn tổ hòa giải và công nhận tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên tại địa phương.
Đề nghị Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc kiện toàn, củng cố đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; tham mưu Ủy ban nhân dân quan tâm bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở.
3. Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở chưa được thực hiện một cách thường xuyên và thiếu sự chủ động (Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ).
Khoản 2 Điều 5 của Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định “phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở”; Khoản 4 Điều 17 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định Mặt trận Tổ quốc “tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở”. Như vậy, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc trong công tác hòa giải đã được quy định rõ ràng, cụ thể trong luật, đề nghị Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản (Chương trình/kế hoạch…) phối hợp hoặc chủ động có hoạt động phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh trong công tác hòa giải ở cơ sở để cùng tổ chức triển khai công tác này có hiệu quả trong thời gian tới
4. Một số công chức tư pháp hộ tịch cấp xã chưa dành nhiều thời gian cho công tác hòa giải ở cơ sở; việc tham mưu thực hiện nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở chưa chủ động, kịp thời (Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu, Tây Ninh, Vĩnh Phúc)
Nhiệm vụ của công chức Tư pháp - hộ tịch cấp xã trong lĩnh vực hòa giải ở cơ sở được quy định tại điểm b khoản Điều 2 Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Theo đó, công chức Tư pháp – hộ tịch có nhiệm vụ “chủ trì, phối hợp với công chức khác thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở”.
Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014, Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014, Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014) đã quy định rất cụ thể trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã trong quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở. Công chức Tư pháp – hộ tịch có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong lĩnh vực Tư pháp và hộ tịch trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Đề nghị Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp huyện, cấp xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở.
5. Công tác biểu dương, khen thưởng cho hòa giải viên trong công tác hòa giải ở cơ sở vẫn chưa được thực hiện (Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu, Huế).
Việc biểu dương, khen thưởng hòa giải viên ở cơ sở thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp theo quy định tại Điều 29 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 và tuân thủ pháp luật về thi đua khen thưởng. Vì vậy, đề nghị Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo việc biểu dương, khen thưởng đối với hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn để động viên, khích lệ và ghi nhận công sức đóng góp của hòa giải viên.
6. Chưa huy động được nhiều luật sư, luật gia, người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, thẩm tra viên trong cơ quan tiến hành tố tụng,… tham gia hoạt động hoà giải ở cơ sở Sở Tư pháp tỉnh (Lai Châu, Phú Thọ, Thái Bình).
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Hòa giải ở cơ sở thì việc tham gia công tác hòa giải ở cơ sở theo nguyện vọng của cá nhân, công dân có quyền ứng cử hoặc được Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu vào danh sách bầu hòa giải viên. Do đó, Ban công tác Mặt trận cần động viên, khuyến khích công an, luật sư, luật gia, người đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên…có đủ tiêu chuẩn làm hòa giải viên tự ứng cử hoặc giới thiệu họ vào danh sách bầu hòa giải viên để cộng đồng dân cư bầu hòa giải viên.
7. Năng lực của hòa giải viên không đồng đều, còn hạn chế về kiến thức pháp luật và kỹ năng, đặc biệt với các vụ việc tranh chấp đất đai phức tạp (Sở Tư pháp các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đăk Lăk, Hậu Giang, Lai Châu, Lâm Đồng, Ninh Bình, Phú Yên, Sơn La, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên - Huế, Thái Bình, thành phố Hải Phòng,)
Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật của đội ngũ hòa giải viên, đặc biệt là hòa giải viên ở các thôn vùng sâu vùng xa có những khó khăn, chưa thường xuyên, kịp thời (Bạc Liêu, Bắc Kạn, Cao Bằng, Đăk Lăk, Thanh Hóa, Bình Thuận)
Khoản 1 Điều 29 Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Đồng thời, ngày 18/4/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 428/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”, trong đó giao Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên ở cơ sở (điểm b mục 4 phần IV của Quyết định số 428/QĐ-TTg).
Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ Tư pháp và tài liệu đã ban hành (Chương trình khung bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên (Quyết định số 4077/QĐ-BTP ngày 31/12/2014); Bộ tài liệu nguồn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên (Quyết định số 1753/QĐ-BTP ngày 22/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp); Tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở dành cho đội ngũ hòa giải viên (Quyết định số 1852/QĐ-BTP ngày 01/9/2020 của Bộ Tư pháp)), đề nghị Sở Tư pháp cấp tỉnh có trách nhiệm tham mưu tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn bằng hình thức phù hợp.
Thực hiện Quyết định số 428/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp chỉ đạo điểm tại một số tỉnh, thành phố (trong đó có tỉnh Cao Bằng, Ninh Bình, Đắk Nông, Hà Tĩnh, Cà Mau, An Giang, …). Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp với Sở Tư pháp các tỉnh được lựa chọn chỉ đạo điểm của Trung ương tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên (riêng tỉnh Cao Bằng từ chối vì địa phương đã tổ chức tập huấn cho hòa giải viên).
8. Việc ghi chép các vụ việc hòa giải vào Sổ hòa giải và thiết lập biên bản hòa giải của các Tổ hòa giải còn nhiều sai sót, nhất là việc tóm tắt nội dung vụ việc, xác định loại mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật giữa các bên (Hậu Giang, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế)
Trong quá trình tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho hòa giải viên ở cơ sở, đề nghị Sở Tư pháp cấp tỉnh và Phòng Tư pháp cấp huyện đưa nội dung hướng dẫn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở ghi chép Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở và biên bản hòa giải vào Chương trình tập huấn, bồi dưỡng./.
Nguyễn Thị Quế
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: