Liên kết website

Cơ chế hòa giải tiếp tục được khẳng định là phương thức giải quyết hữu hiệu trong phòng, chống bạo lực gia đình

23/11/2022

Thực tiễn cho thấy, có rất nhiều cách thức xử lý khác nhau đối với vi phạm bạo lực gia đình, nhưng cơ chế hòa giải ở cơ sở là một hình thức, một giải pháp góp phần phòng ngừa và giải quyết kịp thời, có hiệu quả hành vi bạo lực gia đình. Bởi thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải viên đã kịp thời ngăn chặn những hành vi “giận quá mất khôn”, “giận cá chém thớt” của các cá nhân trong xã hội. Đồng thời, qua quá trình hòa giải, hòa giải viên đã giúp cho các thành viên trong gia đình nhận thức rõ những quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới, trách nhiệm của các thành viên trong gia đình theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, trẻ em, người cao tuổi... và trách nhiệm, hậu quả của hành vi bạo lực gia đình. Từ đó giải tỏa khúc mắc, mâu thuẫn trong gia đình bằng con đường hòa bình ngăn ngừa tội phạm; xây dựng tình đoàn kết tương thân, tương ái trong gia đình, giữ gìn ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Xuất phát từ ý nghĩa đó, cơ chế hòa giải nói chung, trong đó có hòa giải ở cơ sở tiếp tục được khẳng định là phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp hữu hiệu tại Luật Phòng, chống bao lực gia đình năm 2022. 
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 14/11/2022. Việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; giải quyết những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ trong hệ thống pháp luật trong ứng phó với những diễn biến phức tạp của tình hình bạo lực gia đình hiện nay.  Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 gồm 06 chương, 56 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 có  nhiều điểm mới đáp ứng nhu cầu quản lý của Nhà nước và phù hợp với sự phát triển chính trị, kinh tế - xã hội: Luật tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị bạo lực gia đình làm trung tâm. Theo đó, sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; sửa đổi, bổ sung nhóm đối tượng được áp dụng tương tự; bổ sung quy định để tăng tính khả thi áp dụng Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Thực hiện phòng ngừa bạo lực gia đình chủ động, trong "phòng" có "chống", trong "chống" có "phòng". Luật đã sửa đổi, bổ sung các biện pháp bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình để khắc phục những bất cập của Luật năm 2007; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời nâng cao trách nhiệm của Nhà nước trong bố trí nguồn lực cho phòng, chống bạo lực gia đình; hướng tới xây dựng và phát triển các cơ sở trợ giúp về phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.
Một trong các nội dung đáng chú ý của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 đã tiếp tục khẳng định cơ chế hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình nhằm chấm dứt, ngăn ngừa hành vi bạo lực gia đình. Theo đó, tại khoản 1 Điều 17 đã định nghĩa: “Hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình là việc người tiến hành hòa giải hướng dẫn các bên tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình để không làm phát sinh, tái diễn bạo lực gia đình”. 
Luật cũng khẳng định hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình không thay thế biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. Việc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình phải bảo đảm các nguyên tắc: Chủ động, kịp thời, kiên trì; tôn trọng sự tự nguyện của các bên và an toàn của người bị bạo lực gia đình; khách quan, bình đẳng, có lý, có tình, phù hợp với quy định của pháp luật và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; bảo đảm bí mật thông tin về đời tư của các thành viên gia đình được hòa giải; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
Về chủ thể tiến hành hòa giải rất đa dạng khác nhau, bao gồm:
(i) Thành viên gia đình, dòng họ có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp nhằm phòng ngừa hành vi bạo lực gia đình phát sinh hoặc tái diễn.
Trường hợp cần thiết mời chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, người thân, người trong cơ quan, tổ chức của chủ thể có mâu thuẫn, tranh chấp và người được đào tạo hoặc có kinh nghiệm về công tác xã hội, tâm lý học, người có kinh nghiệm trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình tham gia hòa giải.
 (ii) Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa người thuộc cơ quan, tổ chức với thành viên gia đình của họ khi có đề nghị của thành viên gia đình; trường hợp cần thiết phối hợp với cơ quan, tổ chức ở địa phương để hòa giải.
(iv) Tổ hòa giải ở cơ sở có trách nhiệm hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.
(v) Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và các tổ chức, cá nhân khác hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực gia đình cho hòa giải viên của Tổ hòa giải ở cơ sở.
Thông qua các quy định này cho thấy, việc quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác hòa giải vi phạm pháp luật về bạo lực gia đình đối với phụ nữ sẽ có những tác động tích cực vào việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em; đảm bảo cho trẻ em được sống trong môi trường gia đình hoàn thiện, tác động tích cực vào quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ một cách tiến bộ, tích cực; xây dựng cộng đồng dân cư an toàn, làm chủ. 
Ngoài ra, thông qua công tác hòa giải nói chung, trong đó có hòa giải ở cơ sở còn tạo sức lan tỏa trong cộng đồng để cùng cấp ủy, chính quyền phòng, chống bạo lực gia đình, có thái độ nghiêm khắc và lên án hành vi bạo lực gia đình. Từ đó, khuyến khích phụ nữ, nạn nhân bị bạo lực gia đình, không e ngại, che dấu khi gặp phải hành vi bạo lực gia đình mà có thể nhờ cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ, giải quyết. Đối với người dân cũng chủ động thông tin cho cơ quan chức năng khi phát hiện ra hành vi bạo lực gia đình. Các vụ việc tiến hành hòa giải đã bảo đảm được thực hiện đúng quy định pháp luật, không xâm phạm các quyền cơ bản của con người, của phụ nữ và trẻ em và đúng đạo lý, qua đó phát huy ưu thế, tác động tích cực của biện pháp hòa giải ở cơ sở, hạn chế sai sót, sơ xuất đẩy vụ việc thành phức tạp./.

Những con số “giật mình”:
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh thành, trong giai đoạn 2009 – 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình trên cả nước là 324.641 vụ.
Điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố năm 2020 cho thấy có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng (kể từ lúc điều tra), cứ 03 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an.
Kết quả điều tra này cho thấy năm 2019, bạo lực gia đình với phụ nữ gây thiệt hại 1,8% GDP (tăng 0,2% so với năm 2012)…
Đinh Thị Ánh Hồng
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: