1. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước; có vị trí chiến lược trọng yếu vềquốc phòng - an ninh, đối ngoại; là địa bàn cư trú chủ yếu của các DTTS; là vùng có tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ bền vững môi trường sinh thái.
Do vị trí địa lý, địa hình đồi núi nên vùng đồng bào DTTS&MNcòn nhiều khó khăn vềcơ sở hạ tầng (như giao thông, điện lưới, nước sạch, internet…) và hạn chế về các dịch vụ (như y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin…). Điều này đã dẫn đến đa số nền kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện khó khăn, đặc biệt khó khăn; trình độ văn hóa, hiểu biểu pháp luật của nhân dân rất thấp, vẫn là “lõi nghèo”, “vùng trũng pháp luật”. Do đó,tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều; nhiều chính sách, quy định pháp luật mới (bao gồm cả chính sách ưu đãi cho đối tượng này) không tới được người dân vùng dân tộc thiểu số,chưa được thi hành triệt để.
Nhận rõ thực tế này, những năm qua,Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào dân tộc thiểu số giúp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin pháp luật. Điều 17 Luật PBGDPL năm 2012 đã quy định đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng đặc thù trong công tác PBGDPL, Nhà nước có
“chính sách đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tình nguyện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số...
”. Trong Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, Ban Bí thư cũng tiếp tục khẳng định chủ trương ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác PBGDPL đối với nhóm đối tượng là đồng bào dân tộc. Tại quan điểm thứ nhất trong Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 nêu rõ: “...
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường đồng thuận xã hội; phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hòa nhập phát triển cùng với đất nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước”. Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó có Nội dung số 2, Tiểu dự án 1, Dự án 10 “Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số và Nhân dân”.
2. Một số kết quả đạt được trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thể chế, chính sách pháp luật về công tác PBGDPL cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được quy định khá đầy đủ, toàn diện từ chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, cụ thể hóa trongLuật Phổ biến, giáo dục pháp luật đếncác văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ (Nghị quyết, Nghị định, Quyết định…), đặc biệt là các chương trình, đề án, dự án về PBGDPLcho đồng bào dântộc thiểu số và miền núi từng giai đoạn. Cácđề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã quy định cụ thể về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và nguồn lực bảo đảm; được triển khai đồng bộ, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với trình độ nhận thức, phong tục, tập quán, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giữ gìn ổn định trật tự và an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Trong giai đoạn 2009-2021, các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương vùng biên giới, hải đảo… đã có sự phối hợp chặt chẽ, tham gia tích cực trong tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo... bằng nhiều hình thức đa dạng, như tổ chức hội thảo quốc gia
[1], hội thảo cấp khu vực, cấp tỉnh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm PBGDPL, triển khai thực hiện Chương trình, đề án, dự án chính sách dân tộc; tổ chức các Hội nghị, lớp tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách dân tộc cho cán bộ làm công tác dân tộc, đồng bào DTTS trong phạm vi cả nước; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hoá; biên soạn, phát hành các tài liệu (tờ rơi, tờ gấp, chuyên đề, tiểu phẩm pháp luật, hỏi đáp pháp luật), bằng tiếng Việt và dịch ra tiếng Tày, Thái, Mường, Mông, Khmer… Tổ chức truyền thông chính sách pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Một số địa phương có cách làm sáng tạo trong việc lồng ghép nội dung PBGDPL và tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân tộctrong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS để PBGDPL cho hàng triệu lượt người
[2].
3. Một số kiến nghị nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong điều kiện mới
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đáp ứng chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”, bài viết này đề xuất một số kiến nghị sau:
-
Một là, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chỉ đạo về công tác PBGDPL quy định trong Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 – 2030; Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030 ban hành tại Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021- 2025 ban hành tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
-
Hai là, đổi mới nội dung, hình thức, cách thức PBGDPL phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số
Cần PBGDPL ngay từ khâu soạn thảo, xây dựng chính sách pháp luật, đặc biệt các văn bản liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của đồng bào dân tộc thiểu số; các chủ trương, chính sách có tác động, ảnh hưởng đến đời sống, môi trường sinh thái miền núi, miền biển. Nội dung PBGDPL xuất phát từ cuộc sống, từ nhu cầu của người dân, từ những vướng mắc khó khăn họ đang gặp phải; bên cạnh đó cần giáo dục về vai trò, ý nghĩa của pháp luật đối với cuộc sống của họ, giáo dục ý thức tìm hiểu pháp luật, tôn trọng pháp luật và tuân thủ pháp luật...
Hình thức PBGDPL cần phải phù hợp với yếu tố đặc thù của đồng bào dân tộc thiểu số về vị trí địa lý, phong tục tập quán, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, trình độ, nhận thức của đồng bào DTTS. Quan tâm tới việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội...
-
Ba là, cần nghiên cứu bổ sung các chế độ, chính sách để kịp thời động viên, khích lệ người có uy tín phát huy vai trò PBGDPL cho đồng bào DTTS. Theo số liệu thống kế năm 2021, hiện nay, cả nước có 29.567 người có uy tín
[3]. Thực tiễn sau hơn 10 năm thực hiện chính sách đối với người có uy tín cho thấy, người có uy tín trong đồng bào DTTS có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với đồng bào các DTTS trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự và đoàn kết các dân tộc
[4].
-
Bốn là, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cần nghiên cứu, xây dựng, ban hành Đề án về xây dựng đội ngũ PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số; đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ này từ chính con em của đồng bào (là những người am hiểu phong tục tập quán, văn hóa và biết tiếng dân tộc). Bên cạnh đó, các ngành, các cấp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình cần có chính sách và giải pháp hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL, ngôn ngữ dân tộc, phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào dân tộc cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, trợ giúp viên pháp lý;đội ngũ cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số; cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng; đội ngũ giáo viên; đội ngũ sinh viên các cơ sở đào tạo luật là người dân tộc thiểu số, người biết tiếng dân tộc thiểu số hoặc hiểu biết sâu về văn hóa truyền thống, tập quán, tâm lý của người dân tộc thiểu số tham gia vào hoạt động PBGDPL cho đối tượng này.
-
Năm là, đầu tư nguồn lực trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tối đa về kinh phí từ ngân sách nhà nước và các điều kiện đảm bảo cho công tác PBGDPL tới đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện có hiệu quả Nội dung số 2, Tiểu dự án 1, Dự án 10 “Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số và Nhân dân”. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác PBGDPL cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sáu là, các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ PBGDPL phải tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá việc thực hiện công tác PBGDPL cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; phát hiện, khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc; nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả, phù hợp với người dân tộc thiểu số./.