1. Về mục đích
Một là, trang bị, cung cấp, bồi dưỡng và nâng cao tri thức pháp luật cho NLĐ, đặc biệt là các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của NLĐ.
Trang bị kiến thức pháp luật để tạo dần nền tảng tri thức pháp luật, từng bước mở rộng và làm sâu sắc tri thức hiểu biết pháp luật; am hiểu thấu đáo pháp luật và biết cách đánh giá một cách đúng đắn các hành vi pháp lý. Đây là mục tiêu đầu tiên của GDPL vì việc xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, nguyên tắc cơ bản là thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; vì vậy, mỗi người dân cần được trang bị kiến thức pháp luật, am hiểu pháp luật để góp phần bảo đảm sự phát triển ý thức pháp luật, văn hoá pháp luật ở con người.
Tri thức pháp luật cần được chuyển tải, đưa vào cuộc sống với những hình thức, phương pháp đa dạng, phong phú. Nội dung pháp luật đưa đến cho NLĐ không chỉ là những VBQPPL đơn thuần, mà còn là các vấn đề dư luận quan tâm, những vấn đề nóng có nhiều vướng mắc về pháp lý liên quan đến đối tượng giáo dục cần giải quyết; các dự thảo văn bản pháp luật mà đối tượng điều chỉnh là NLĐ. Chủ thể đưa pháp luật vào cuộc sống, đến với NLĐ rất đa dạng, đó là các chủ thể thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GDPL, các chủ thể trực tiếp thực hiện GDPL như đội ngũ báo cáo viên, TTVPL, cán bộ công đoàn, cán bộ của các tổ chức chính trị, xã hội, xã hội nghề nghiệp, các luật sư, luật gia, tư vấn viên pháp luật... Đây là đội ngũ tạo nên chiếc cầu nối trong việc truyền tải pháp luật đến NLĐ. Kỹ năng GDPL của họ rất quan trọng, trong đó có việc xác định nội dung, hình thức, phương pháp phù hợp để GDPL cho NLĐ. Mục đích của GDPL là chuyển hóa kiến thức pháp luật đang là yếu tố bên ngoài trở thành yếu tố nội sinh đối với đối tượng GDPL; từ đó hình thành nhận thức về pháp luật với tư cách là những nhận thức pháp lý, thái độ, tình cảm và niềm tin pháp lý phù hợp. Khi đã trở thành yếu tố nội sinh của cá nhân thì nó có vai trò hỗ trợ cho việc định hướng các hành vi ứng xử phù hợp với pháp luật, tạo dần thói quen trong chấp hành pháp luạt, có kỹ năng sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, đối tượng GDPL có thể tham gia có ý kiến vào quá trình xây dựng văn bản, đánh giá được đầy đủ các giá trị của pháp luật, đồng tình hay không đồng tình với nội dung quy định của pháp luật; nhận thức được nhu cầu phải hành động phù hợp với pháp luật hay coi thường hoặc thậm chí vi phạm. Tuy nhiên, để đạt tới mục đích cảm xúc về pháp luật còn phụ thuộc rất nhiều vào trình độ tri thức pháp luật, nhận thức về pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, phụ thuộc vào hệ thống văn bản pháp luật có công khai, minh bạch, công bằng, khả thi hay không? Tổ chức thi hành pháp luật có đảm bảo tính nghiêm minh hay không?. Tri thức pháp luật càng đầy đủ thì tình cảm pháp luật càng mạnh mẽ; nó tạo nên cơ sở của sự định hướng lòng tin ổn định vào các giá trị của pháp luật, đồng thời giúp cho con người tổ chức một cách có ý thức hành vi của mình và tự kiểm tra hành vi từ các quan điểm, chuẩn mực pháp lý. Tri thức pháp luật phải là sự am hiểu có hệ thống với những nhận thức thấu đáo về nội dung, ý nghĩa của pháp luật, biết đánh giá một cách tin tưởng các sự kiện pháp lý với hành vi này hay hành vi kia là hợp pháp hay không hợp pháp, hợp lý hay không hợp lý.
Hai là, có kỹ năng sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, biết được luật nội dung và quy trình, thủ tục thực hiện bảo vệ quyền
Để pháp luật thực sự là công cụ trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân thì GDPL không chỉ là việc truyền tải các quy định pháp luật, mà vấn đề quan trọng tiếp theo cần thực hiện đó là việc giáo dục, hướng dẫn NLĐ có các kỹ năng sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, có các phản xạ, hành vi ứng xử phù hợp với pháp luật. Từ những kiến thức pháp luật, đối tượng GDPL đã được tiếp nhận thì mục đích tiếp theo đó là cần được kết hợp chặt chẽ với hành vi và kỹ năng sử dụng pháp luật của từng cá nhân. Để đạt được mục đích này, GDPL cho NLĐ phải hướng tới rèn luyện kỹ năng vận dụng và xử lý các tình huống pháp luật trong cuộc sống. GDPL không chỉ giáo dục để thay đổi nhận thức, thay đổi hành vi mà còn giáo dục giúp NLĐ có các kỹ năng lựa chọn hành vi tối ưu nhất.Việc kết hợp được giữa tri thức pháp luật và kỹ năng sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cần có sự nỗ lực của chủ thể và đối tượng GDPL, bên cạnh đó có sự tác động theo chiều hướng tích cực của các yếu tố khách quan và chủ quan đối với quá trình GDPL.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu với thế giới, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, NLĐ không chỉ biết các thông tin pháp luật liên quan đến bản thân, doanh nghiệp tại môi trường pháp lý của quốc gia mà cần nắm vững các thông tin, quy định có tính chất tác động trực tiếp đến bản thân và doanh nghiệp tại các Công ước quốc tế, các hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên. Chính vì vậy, GDPL cho NLĐ cần trang bị những kiến thức pháp luật, tri thức pháp lý đầy đủ để NLĐ có hiểu biết toàn diện về các quy định pháp luật trong nước và quốc tế có tác động đến mình và doanh nghiệp. Trên cơ sở đó NLĐ mới có thể bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời sử dụng pháp luật để tạo dựng cho cuộc sống của mình ngày một chất lượng, hạnh phúc và phát triển tiến bộ hơn.
Mục đích của GDPL không chỉ trang bị các quy định pháp luật về nội dung mà còn trang bị các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Nguyên tắc lấy đối tượng giáo dục là trung tâm luôn là kim chỉ nam, sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ quá trình GDPL. Chính vì vậy, GDPL cần giáo dục tổng thể các quy định về quyền và hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện quyền để đảm bảo được lợi ích của đối tượng GDPL. Để hướng dẫn cho NLĐ trình tự, thủ tục thực hiện quyền cần có sự hợp tác của nhiều chủ thể GDPL, đặc biệt các chủ thể thuộc các cơ quan tổ chức thi hành pháp luật. Trong đó, các chủ thể từ các cơ quan này cần hướng dẫn NLĐ thực hiện quyền thông qua hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của mình có liên quan đến bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. NLĐ được giáo dục đầy đủ tri thức pháp luật, kiến thức và kỹ năng sử dụng pháp luật, biết, hiểu được quyền của mình và biết cách để sử dụng các quy định pháp luật trong bảo vệ quyền sẽ góp phần bảo đảm được quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng được niềm tin, tình cảm của NLĐ đối với pháp luật.
Ba là, biết được quyền, nghĩa vụ của NSDLĐ, Công đoàn
Người lao động trong làm việc tại doanh nghiệp luôn tồn tại mối quan hệ hai bên được hình thành trên cơ sở tương tác giữa NLĐ, tổ chức đại diện của NLĐ với NSDLĐ trong phạm vi doanh nghiệp hoặc giữa tổ chức đại diện của NLĐ với tổ chức đại diện của NSDLĐ trong phạm vi ngành thông qua cơ chế đối thoại, thương lượng, thỏa thuận để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của cả hai bên, xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định tiến bộ. NLĐ không chỉ cần biết các quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến bản thân mà còn cần phải biết, hiểu về các quy định pháp luật về quyền, nghĩa vụ của NSDLĐ và cán bộ công đoàn. Chính vì vậy, GDPL cho NLĐ cần thông tin, giáo dục đầy đủ quyền, nghĩa vụ của các bên trong mối QHLĐ để các bên đều hiểu được quyền, nghĩa vụ của đối tượng; từ đó có sự tôn trọng quyền của họ và đề nghị họ thực hiện các nghĩa vụ đối với mình (nếu có).
Người lao động vẫn là người yếu thế trong QHLĐ, đặc biệt trong điều kiện thị trường lao động luôn luôn cung lao động nhiều hơn cầu lao động. Chính vì vậy, GDPL cần trang bị cho NLĐ những kiến thức và kỹ năng để họ có thể vững vàng khi tham gia đối thoại chính sách pháp luật với NSDLĐ; thỏa thuận, ký kết hợp đồng lao động không thiệt thòi khi bị hạn chế về kiến thức pháp luật; để biết được NLĐ có nghĩa vụ như thế nào trong mối QHLĐ với mình... Đồng thời, biết, hiểu NSDLĐ có quyền gì để mình không có những yêu cầu, đòi hỏi thiếu căn cứ pháp luật và buộc NLĐ có nhận thức, hành vi phù hợp với pháp luật, thực hiện nghiêm túc quy chế, nội quy của doanh nghiệp, có tinh thần trách nhiệm, thái độ đúng đắn khi làm việc.
Luật Công đoàn năm 2012 đã xác lập vai trò của Công đoàn trong việc chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ; tham gia cùng nhà nước thực hiện chức năng quản lý nhà nước quản lý xã hội, tuyên truyền, giáo dục đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ NLĐ. Đồng thời BLLĐ đã quy định nhiệm vụ cụ thể của tổ chức công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong QHLĐ. Như vậy, công đoàn là tổ chức đại diện cho NLĐ, chính vì vậy, GDPL cần giáo dục cho NLĐ biết về quyền, nghĩa vụ của công đoàn. Từ đó, NLĐ biết được tổ chức công đoàn có quyền, nghĩa vụ gì và đặc biệt họ có trách nhiệm như thế nào trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ. Đồng thời, NLĐ tôn trọng quyền của tổ chức đại diện của mình, để cùng nhau hợp tác xây dựng QHLĐ hài hòa, ổn định và phát triển.
Bốn là, đảm bảo sự cân bằng, hài hòa về việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ với các đối tượng khác trong xã hội
Người lao động có đặc điểm, đặc thù xuất phát từ yếu tố từ chính NLĐ như trình độ, học vấn, hoàn cảnh gia đình, nhận thức và các yếu tố khác như môi trường làm việc nói riêng, môi trường văn hóa, xã hội, kinh tế nói chung tác động…đã khiến NLĐ có những khó khăn, thiệt thòi hơn các đối tượng khác. Chính vì vậy, GDPL của Nhà nước ta mang đậm tính nhân văn, GDPL nhằm trang bị và nâng cao kiến thức pháp luật, nhận thức, ý thức tìm hiểu, chấp hành pháp luật; trang bị cho họ hành lang pháp lý để tự bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình, biết tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; tạo được mặt bằng chung, tương đối hài hòa giữa các đối tượng, giảm thiểu sự chênh lệch về kiến thức, nhận thức và bảo vệ quyền của của các đối tượng; góp phần xây dựng văn hóa pháp luật, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.
2.Về vai trò của giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay
Một là, GDPL góp phần xây dựng ý thức pháp luật, tạo thói quen trong tìm hiểu và chấp hành pháp luật của mỗi công dân.
Giáo dục pháp luật góp phần xây dựng ý thức pháp luật, tạo thói quen trong tìm hiểu và chấp hành pháp luật của mỗi công dân, trách nhiệm công dân để tạo sự thống nhất trong nhận thức, tạo đồng thuận trong xã hội từ phía các chủ thể pháp luật đối với các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật, từ đó hình thành ở mọi người ý thức tự giác tuân thủ và chấp hành pháp luật. Đây cũng là khâu đầu tiên của thực hiện pháp luật nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, đến với các chủ thể để pháp luật trở thành hành vi thực tế, hợp pháp của các chủ thể. Qua GDPL còn giúp các chủ thể pháp luật, các cơ quan nhà nước phát hiện kịp thời những vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc các quy định không khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn hoặc những khoảng trống trong điều chỉnh pháp luật để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đưa thực tiễn cuộc sống vào pháp luật; giúp các chủ thể nâng cao nhận thức, hiểu biết đầy đủ, đúng đắn và có hệ thống về pháp luật; biết được những chuẩn mực, quy tắc xử sự chung cũng như giới hạn hành vi được làm, không được làm, phải làm hoặc bị ngăn cấm và các biện pháp, chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm khi tham gia vào các quan hệ xã hội; biết được giới hạn phạm vi quyền, nghĩa vụ của mình và của các chủ thể khác trong từng quan hệ pháp luật cụ thể. Từ đó, mỗi người tự xây dựng, hình thành thói quen và biết lựa chọn cho mình những hành vi xử sự, ứng xử phù hợp với pháp luật, không vi phạm pháp luật; biết vận dụng và sử dụng pháp luật để thực hiện quyền, nghĩa vụ cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi tham gia vào các quan hệ xã hội; không xâm phạm lợi ích công cộng, lợi ích hợp pháp của chủ thể khác. Từ tri thức hiểu biết pháp luật đúng đắn sẽ giúp mỗi người nâng cao ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật; tạo lập thói quen thực hiện hành vi hợp pháp, xây dựng, bồi đắp, củng cố niềm tin, tình cảm đối với pháp luật; xây dựng, phát triển, bồi đắp văn hóa pháp luật. Từ đó, mỗi người tích cực, chủ động thực hiện quyền làm chủ, tham gia quản lý nhà nước và quản lý xã hội; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thi hành pháp luật và bảo vệ pháp luật; góp phần hình thành xã hội thượng tôn pháp luật, suy tôn pháp quyền; để sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật không chỉ là khẩu hiệu trên giấy mà còn thực sự trở thành hành vi, ý thức tự giác, chủ động của mỗi người qua đó giúp cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh, thống nhất và đồng bộ trong cả nước, phát huy đầy đủ vị trí, vai trò là một trong những công cụ điều chỉnh xã hội quan trọng của pháp luật.
Hai là, GDPL góp phần cung cấp, trang bị, nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật cho NLĐ trong các doanh nghiệp.
“Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” [Hiến pháp 2013]. Một trong những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN là thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, mọi chủ thể trong xã hội đều phải tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật mà Hiến pháp là đạo luật tối cao, bộ luật gốc mang tính nền tảng. “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ” [Hiến pháp 2013]. Hệ thống các văn bản pháp luật được ban hành ngày một nhiều để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, đảm bảo cho sự vận hành bình thường của đời sống xã hội, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, tập thể và công dân. Tuy nhiên, pháp luật không thể phát huy được hiệu lực, hiệu quả nếu không được đưa vào cuộc sống. GDPL được xác định là khâu đầu tiên của thi hành pháp luật, là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân, nâng cao nhận thức pháp luật cho các nhóm đối tượng, trên các lĩnh vực, địa bàn. Pháp luật sẽ được truyền tải tới mọi công dân thông qua nhiều hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; qua đó giúp mọi công dân nắm bắt được các quy định của pháp luật, đặc biệt các quy định pháp luật liên quan trực tiếp tới từng đối tượng.
Đối với NLĐ, GDPL có vai trò, ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống của họ; GDPL sẽ giúp họ nâng cao nâng cao ý thức pháp luật nhằm từng bước hình thành thói quen hành động theo pháp luật, giúp NLĐ bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình, giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội theo pháp luật, hạn chế tình trạng xung đột trong mối quan hệ với NSDLĐ.
Trong thời gian qua, nhận thức pháp luật của NLĐ đã có tăng lên một bước, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân về trình độ nhận thức nói chung, điều kiện thời gian, làm việc trong các doanh nghiệp, điều kiện kinh tế của bản thân và gia đình khiến họ hạn chế trong tiếp cận với pháp luật, các hình thức, biện pháp GDPL của các cơ quan chức năng, các chủ thể về GDPL chưa thực sự mang lại hiệu quả và đáp ứng được những khoảng trống trong thiếu hụt về nhận thức, kiến thức pháp luật của bản thân họ; đồng thời, chưa đáp ứng được nhu cầu trong tìm hiểu pháp luật của NLĐ. Vì vậy, ở bất kỳ thời điểm nào GDPL có vai trò hết sức quan trọng đối với công dân nói chung và NLĐ trong doanh nghiệp nói riêng. GDPL cho NLĐ không chỉ GDPL quy định pháp luật mà giáo dục, vận động NLĐ tự giác tìm hiểu và tuân thủ pháp luật. NLĐ khi được trang bị tri thức pháp luật sẽ có lòng tin vào các giá trị của pháp luật. Hơn nữa tri thức pháp luật giúp cho con người tổ chức một cách có ý thức các hành vi của mình và tự kiểm tra hành vi từ các quan điểm, chuẩn mức pháp lý.
Ba là, GDPL góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của lao động trong các doanh nghiệp.
Giáo dục pháp luật góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của con người trong đời sống xã hội có ý nghĩa rất quan trọng bởi lẽ có tri thức nhưng thiếu tình cảm tôn trọng, niềm tin với pháp luật thì sẽ không là không là cơ sở, là động lực để họ tự giác thực hiện các hành vi hợp pháp. Quá trình thực hiện các quy phạm pháp luật là sự tác động qua lại giữa các yêu cầu của pháp luật đối với ý thức của cá nhân con người.
Đối với NLĐ trong doanh nghiệp cũng như vậy, GDPL có vai trò quan trọng góp phần xây dựng tình cảm, củng cố niềm tin của NLĐ đối với pháp luật và việc tổ chức thi hành chính sách pháp luật đó của các cơ quan nhà nước. Tri thức, hiểu biết kiến thức pháp luật sẽ giúp NLĐ áp dụng các quy định pháp luật vào trong các tình huống pháp lý cụ thể của cuộc sống, đối chiếu các hành vi của mình với các nguyên tắc, quy định của pháp luật khi tham gia vào các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, khi có thêm tình cảm, niềm tin đối với pháp luật thì sẽ hình thành trong tư duy và hành vi của mỗi người tính tích cực, chủ động, tự giác trong tìm hiểu, tuân thủ pháp luật; đồng thời tin tưởng hơn vào sự điều hành và tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước. Từ đó, sẽ thúc đẩy không chỉ các hành vi hợp pháp mà còn thúc đẩy họ tham gia, đóng góp vào điều chỉnh, định hướng các quan hệ pháp luật lành mạnh, chuẩn mực; thúc đẩy, khích lệ tư duy về tính công bằng, trách nhiệm và phản ứng, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật, những biểu hiện tiêu cực trong xã hội.
Giáo dục về tình cảm công bằng đó là giáo dục cho NLĐ hiểu được tính công bằng của pháp luật, từ đó biết phân tích, đánh giá về các quy định pháp luật và điều chỉnh nhận thức, hành vi ứng xử của mình đối với các mối quan hệ trong xã hội thông qua các quy phạm pháp luật.
Giáo dục về tình cảm trách nhiệm, đó là sự tác động của các chủ thể GDPL lên đối tượng được GDPL, NLĐ nhằm làm cho con người ý thức được những nghĩa vụ pháp lý của mình, mặc nhiên thực hiện các nghĩa vụ pháp lý, mệnh lệnh pháp luật trong các mối quan hệ pháp luật của mình và khi thực hiện các nghĩa vụ công dân.
Giáo dục về tình cảm không khoan nhượng, thái độ phản ứng, đấu tranh trước các hành vi vi phạm pháp luật, các biểu hiện tiêu cực trong xã hội, không tôn trọng, chống đối pháp luật. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong việc trang bị nhận thức, hiểu biết cơ bản, trách nhiệm công dân trong việc có lập trường tư tưởng vững vàng, không tham gia và đấu tranh với những luận điệu, hành vi lôi kéo, xúi giục của các thế lực phản động, thù địch vẫn đang thực hiện các hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta; không tham gia vào các cuộc biểu tình, đình công bất hợp pháp…
Bốn là, GDPL góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, thực hiện hành vi pháp luật hợp pháp cho lao động trong các doanh nghiệp.
Hiểu biết pháp luật và có tình cảm, niềm tin pháp luật là những yếu tố nội tại không thể tách rời trong việc hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật, thực hiện hành vi pháp luật hợp pháp cho NLĐ trong các doanh nghiệp. Như vậy, nhờ vào yếu tố nội tâm, sự hiểu biết kiến thức pháp luật cơ bản, đặc biệt kiến thức pháp luật liên quan trực tiếp đến cuộc sống của họ, tình cảm, niềm tin đối với pháp luật sẽ là động lực để NLĐ hình thành động cơ và hành vi tích cực đối với pháp luật, tự giác tìm hiểu, chấp hành pháp luật. Hình thành động cơ và hành vi hợp pháp dưới dạng cụ thể sau:
- Thói quen tuân theo các quy định pháp luật, trở thành nếp sống có văn hóa trong “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, kiềm chế và luôn có ý thức không thực hiện các hành vi pháp luật cấm.
- Thói quen thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp lý và sử dụng quyền, nghĩa vụ lý trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, của người khác và toàn xã hội.
- Thói quen áp dụng pháp luật là thói quen sử dụng thành thạo các tri thức pháp luật trong thực hiện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác và xã hội và có ứng xử hợp pháp trong thực hiện các quan hệ pháp luật.
Năm là, GDPL góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền công dân cho NLĐ.
Quyền con người luôn đi cùng lịch sử lập hiến của nước ta, kế thừa tư tưởng của các hiến pháp trước đó về quyền con người, Hiến pháp năm 2013 ghi nhận tại Chương 2 với tiêu đề: “quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân”. Theo đó, Điều 14 quy định: ”Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Hiến pháp năm 2013 đã tiếp tục sử dụng khái niệm “quyền con người” với nội dung chính trị - pháp lý rộng hơn để phản ánh giá trị của cá nhân con người. Đảm bảo quyền con người, quyền công dân là bao giờ cũng được xem là một chế định pháp luật rất quan trọng - đây là một trong những chế định thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của một nhà nước, thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân cùng với các cá nhân trong xã hội. Có thể nói, ở nước ta việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ ngày càng được chú trọng: phạm vi bảo vệ ngày càng được mở rộng, mức độ bảo vệ ngày càng cao, phương pháp bảo vệ ngày càng hợp lý hơn... Tuy nhiên, trong QHLĐ, NLĐ luôn ở vị thế yếu hơn, các quyền và lợi ích chính đáng của họ dễ bị NSDLĐ xâm hại do họ phụ thuộc và chịu sự quản lý, điều hành của NSDLĐ. Chính vì vậy, GDPL là một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo quyền con người, quyền công dân cho NLĐ. GDPL giúp họ hiểu biết được các quy định pháp luật, tin tưởng vào pháp luật, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Ngô Quỳnh Hoa - Phó Vụ trưởng
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật