Liên kết website

Vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở

29/12/2022

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; là một mắt xích trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, cầu nối để chuyển tải pháp luật vào cuộc sống. Việc nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ sở quan trọng để vận dụng vào quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở trong giai đoạn hiện nay.

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), đưa pháp luật vào trong cuộc sống. Bởi vì, công tác tuyên truyền, PBGDPL luôn có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền; là một bộ phận của công tác giáo dục; là khâu then chốt, quan trọng để pháp luật của nhà nước thực sự đi vào cuộc sống xã hội, đi vào ý thức, hành động của từng chủ thể trong xã hội. Vì vậy, theo Người: “Việc công bố đạo luật chưa phải đã xong, mà còn phải tuyên truyền, giáo dục lâu dài đến mọi người dân thì mới thực hiện tốt được[1]. Điều đó có nghĩa là cần phải nâng cao sự hiểu biết và năng lực sử dụng luật của người dân, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ pháp luật trong nhân dân và phải “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền làm chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm[2].
Theo Hồ Chí Minh, công tác tuyên truyền, PBGDPL của Nhà nước là hoạt động nhằm cung cấp những thông tin chân thực, những tri thức cần thiết và truyền đạt tinh thần, nội dung pháp luật giúp các đối tượng tác động hiểu rõ vấn đề, từ đó hình thành ở họ tri thức pháp luật phù hợp, hướng dẫn cho hành động tự giác chấp hành, tuân theo, không trái với yêu cầu của quy định pháp luật hiện hành, đồng thời giúp cho ý thức và tư tưởng của cán bộ, nhân dân được thông suốt, ủng hộ và tự nguyện tiếp nhận pháp luật của Nhà nước, “tâm phục, khẩu phục”, quyết tâm, tự giác thực hiện và tuyên truyền, vận động người khác cùng thực hiện. Đồng thời, qua hoạt động PBGDPL giúp cho cán bộ, nhân dân có được những vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh tư tưởng để chống lại những âm mưu, thủ đoạn và hành vi thâm độc của các thế lực thù địch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền cách mạng. Người xem đó là công cụ quan trọng để tạo ta lực lượng mới hùng mạnh cho cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Tuyên truyền là đem lại một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại”.
Năm 1945, Người từng viết thư “Gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” để dặn dò: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh[3]. Tư tưởng này của Người thể hiện mọi công việc của Đảng, Nhà nước phải hướng đến người dân, lấy người dân làm trung tâm.
Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng việc nêu gương. Việc nêu gương luôn được coi là một phương pháp giáo dục hiệu quả. Người nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[4].
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên đoàn kết, tập hợp nhân dân, thu hút quần chúng vào sự nghiệp chung. Khi trong cộng đồng có những va chạm, xích mích, tranh chấp nhỏ, Người đòi hỏi cán bộ tư pháp không chỉ phân xử, giải quyết theo quy định chung mà phải đề cao việc giáo dục, thuyết phục các bên giữ gìn sự đoàn kết, bỏ qua tranh chấp, dàn xếp ổn thỏa. Người nhắc: “Xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn”. 
2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở
Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tuyên truyền, PBGDPL, để vận dụng tư tưởng của Người trong lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chúng tôi cho rằng cần tập trung vào một số nội dung sau đây:
a) Đối với công tác PBGDPL
Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện PBGDPL phải gắn với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo theo chủ trương lấy người dân làm trung tâm. Sau khi PBGDPL, cần đánh giá hiệu quả theo hướng lấy ý thức chấp hành pháp luật làm thước đo hiệu quả công tác PBGDPL theo tinh thần của Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư.
Thứ hai, nội dung PBGDPL cần bám sát nhu cầu người dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm PBGDPL cần quan tâm khảo sát, nắm bắt nhu cầu thông tin, tìm hiểu pháp luật của người dân trước khi tiến hành PBGDPL, đồng thời tùy từng đối tượng mà đòi hỏi việc PBGDPL phải có những nội dung, hình thức và bước đi phù hợp, gần gũi, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức PBGDPL phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhất là những đối tượng đặc thù theo quy định của Luật PBGDPL năm 2012. Tăng cường đối thoại chính sách pháp luật giữa cơ quan nhà nước và người dân, giải đáp pháp luật và các vướng mắc phổ biến trong áp dụng pháp luật cho Nhân dânbằng các hình thức phù hợp. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, trong đó chú trọng cung cấp thông tin pháp luật trên Cổng/ Trang thông tin điện tử, mạng xã hội; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến để tạo điều kiện cho người dân chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật.
Thứ ba, công tác PBGDPL cần thực hiện một cách kiên trì, lâu dài theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, có như vậy, giúp người dân hiểu biết pháp luật, từ đó tin tưởng, chủ động áp dụng các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.
Thứ tư, gắn kết hữu cơ, bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả giữa PBGDPL với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật. Truyền thông từ sớm, từ xa dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội ngay từ khi đề xuất chính sách  theo Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật”[5], qua đó tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, quản lý xã hội, giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước cũng như tạo ra khuôn khổ pháp lý để các cơ quan nhà nước hoạt động tốt hơn, phục vụ tốt hơn nhu cầu của mọi tầng lớp Nhân dân với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời, nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật.
Thứ năm, triển khai công tác PBGDPL toàn diện, rộng khắp, có trọng tâm, trọng điểm, hướng mạnh về cơ sở, gắn với việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Đồng thời, thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân[6] nhằm cung cấp thông tin pháp luật, PBGDPL, tư vấn pháp luật về lĩnh vực được giao quản lý, bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận pháp luật cho người dân, doanh nghiệp.
Thứ sáu, đối với người làm công tác PBGDPL, nhất là báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, bên cạnh có kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL tốt, cần phải có đạo đức tốt, uy tín với Nhân dân để là tấm gương cho người dân noi theo trong việc tìm hiểu, tuân theo pháp luật và nâng cao hiệu quả PBGDPL theo quy định tại Điều 35, Điều 37 Luật PBGDPL.
Thứ bảy, bên cạnh PBGDPL, cần Chú trọng thông tin, truyền thông về lợi ích của việc tuân thủ, chấp hành pháp luật qua vụ việc, tình huống, sự kiện cụ thể, gương người tốt, việc tốt trong chấp hành pháp luật để lấy cái tốt, cái tích cực đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực, đồng thời quan tâm xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PBGDPL.
Thứ tám, xây dựng, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về khung mô hình PBGDPL, trong đó xác định quy trình, nhóm vấn đề cần lưu ý khi triển khai công tác PBGDPL. Theo đó, quy trình PBGDPL gồm các bước là: (i) Mục đích, yêu cầu của hoạt động PBGDPL; (ii) Chủ thể tổ chức hoạt động PBGDPL; (iii) Đối tượng của hoạt động PBGDPL và những đặc điểm của đối tượng ảnh hưởng đến hiệu quả PBGDPL; (iv) Lựa chọn nội dung, lĩnh vực PBGDPL thiết thực với đối tượng; (v) Lựa chọn hình thức, biện pháp PBGDPL phù hợp với đối tượng, địa bàn; (vi); Nguồn lực cho hoạt động PBGDPL (gồm kinh phí, cơ sở vật chất, người tham gia PBGDPL); (vii) Đánh giá, tổng kết, kiểm tra, giám sát hoạt động PBGDPL.
Việc xây dựng khung mô hình này nhằm tạo điều kiện cho công tác PBGDPL thực chất, hiệu quả, thiết thực, hướng đến người dân.
b) Đối với công tác hòa giải ở cơ sở
Thứ nhất, là phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án, việc hoà giải góp phần giải quyết kịp thời, từ gốc mâu thuẫn, xích mích, các tranh chấp trong gia đình, cộng đồng dân cư, từ đó khôi phục, duy trì, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Chính vì vậy, thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần quan tâm sử dụng phương thức hòa giải ở cơ sở. Theo đó, xác định hòa giải ở cơ sở là một bộ phận của công tác dân vận. Thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở là góp phần thực hiện tốt công tác dân vận và ngược lại. Phát huy vai trò của cán bộ dân vận cấp cơ sở hướng dẫn hòa giải viên lồng ghép dân vận trong quá trình hòa giải và trực tiếp tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở. Đồng thời, tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa ngành Tư pháp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Người làm công tác dân vận cũng như đội ngũ hòa giải viên cần nêu gương trong công tác và cuộc sống, thấm nhuần tư tưởng, quan điểm của Người với phương châm hành động “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.
Thứ hai, đa dạng hóa nguồn lực xã hội trong công tác hòa giải ở cơ sở, đặc biệt là nguồn nhân lực có kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật trong giải quyết tranh chấp. Bên cạnh việc huy động đội ngũ luật sư, luật gia; cán bộ, công chức đã nghỉ hưu công tác trong lĩnh vực pháp luật, cần chú trọng phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia hòa giải ở cơ sở vì đây là đội ngũ gần dân, sát dân và có uy tín.
Thứ ba, tăng cường năng lực (kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở) cho hòa giải viên, trong đó chú ý các kỹ năng hòa giải chuyên biệt cho các đối tượng như: người chưa thành niên, kỹ năng bảo đảm bình đẳng giới trong công tác hòa giải ở cơ sở…/.
Ths Phan Hồng Nguyên - Phó Vụ trưởng
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp
 
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.301
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.15, tr.293
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.65
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, tập.1, tr.284
[5] Phê duyệt kèm theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ
[6] Phê duyệt kèm theo Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ
Các tin đã đưa ngày: