Liên kết website

Hiệu quả từ hội thi “Phụ nữ Vĩnh Phúc với pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình” năm 2019

23/08/2019

Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong điều kiện hiện đại hóa, công nghiệp hóa hiện nay. Bình đẳng giới trong gia đình là môi trường lành mạnh để con người, đặc biệt là trẻ em được đối xử bình đẳng, được giáo dục về quyền bình đẳng, được hành động bình đẳng; là tiền đề quan trọng của việc phòng, chống bạo lực gia đình và cho sự thành công trong cuộc sống; góp phần tăng chất lượng cuộc sống của các thành viên gia đình, xây dựng thể chế gia đình bền vững để từ đó ồn định an ninh trật tự xã hội và phát triển kinh tế.

Nhằm tuyên truyền, củng cố và nâng cao kiến thức pháp luật của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân về việc thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình; từng bước xóa bỏ phân biệt đối xử về giới; ngăn ngừa, giảm thiểu các hành vi bạo lực trên cơ sở giới, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; thực hiện Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 28/01/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về tăng cường công tác PBGDPL trong năm 2019 và Kế hoạch phối hợp 25/KHPH/STP-HPN ngày 15/5/2019 giữa Sở Tư pháp và Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh về tổ chức hội thi “Phụ nữ Vĩnh Phúc với pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình” năm 2019, ngày 4/7, Sở Tư pháp phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức Hội thi phụ nữ Vĩnh Phúc với pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2019, hội thi được tổ chức thành công đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp.
Hội thi có sự góp mặt của 09 đội thi là những cán bộ, hội viên Hội liên hiệp phụ nữ của các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Với hình thức sân khấu hoá, các đội tham gia hội thi sẽ thể hiện kiến thức hiểu biết pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình thông qua 3 phần thi gồm: phần thi chào hỏi, trả lời câu hỏi lý thuyết và phần thi tiểu phẩm. Ở phần thi chảo hỏi, các đội sẽ giới thiệu về đội thi, tên các thành viên (một cách vắn tắt); đặc trưng địa lý, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, đời sống pháp luật (gắn với bản sắc riêng của địa phương); thông điệp, phương châm của đội thi khi tham gia hội thi. Hình thức thi do các đội tự quyết định bảo đảm tính sáng tạo, linh hoạt, sinh động, hấp dẫn, thể hiện được bản sắc văn hóa của địa phương và phù hợp với đặc điểm của đội thi (kể chuyện, hát, đọc thơ, tấu, hài, dân ca, diễn tiểu phẩm…). Đến phần thi thứ 2, 09 đội thi đã lần lượt bốc thăm và trả lời các câu hỏi của Ban tổ chức đưa ra, nội dung xoay quanh những kiến thức pháp luật về các quy định của Luật Bình đẳng giới năm 2006; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007; Nghị định số 55/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Cuối cùng là phần thi tiểu phẩm, bằng hình thức sân khấu hóa, các đội đã sáng tạo, vận dụng văn nghệ, cổ động trực quan để chuyển tải nội dung, kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Ngoài ra, thí sinh còn thể hiện được những kỹ năng xử lý tình huống bằng kinh nghiệm thực tiễn, đạo đức xã hội, phong tục tập quán của từng địa phương và quy định của pháp luật.
Đây là Hội thi có ý nghĩa thiết thực trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng nội dung pháp luật về bình đẳng giới; phòng chống bạo lực gia đình và các luật khác có liên quan đến cán bộ, hội viên Hội liên hiệp phụ nữ các cấp và nhân dân. Thành công của việc tổ chức hội thi lần này đã giúp cho cán bộ, hội viên Hội liên hiệp phụ nữ các cấp có thêm kiến thức pháp luật, từ đó làm nòng cốt để tuyên truyền đến người thân và bà con xóm làng. Đồng thời sẽ góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng pháp luật nói chung, pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình nói riêng,  tăng cường sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể  đối với công tác thực hiện bình đẳng, phòng chống bạo lực gia đình, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Kết thúc Hội thi Ban Tổ chức đã trao 01 giải nhất cho đội thi đến từ huyện Vĩnh Tường, 02 giải nhì cho 02 đội thi huyện Lập Thạch và thành phố Vĩnh Yên, 03 giải ba cho các đội thi huyện Yên Lạc, huyện Sông Lô, huyện Tam Đảo và 03 giải Khuyến Khích cho 03 đội thi huyện Bình Xuyên, huyện Tam Dương và thành phố Phúc Yên.
                                                                   Ngọc Huyền
Các tin đã đưa ngày: