Công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL được triển khai thực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu về tiến độ, hiệu quả. Chất lượng của hệ thống văn bản QPPL của tỉnh ngày càng được nâng cao, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, minh bạch của văn bản được đảm bảo. Hầu hết các văn bản đều được ban hành đúng thẩm quyền, thể thức, kỹ thuật trình bày phù hợp với quy định. Hệ thống văn bản đã cơ bản điều chỉnh kịp thời hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, tác động tương đối tích cực, đồng bộ đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh. Sở Tư pháp đã tham gia ý kiến 63 dự thảo văn bản, thẩm định 35 dự thảo văn bản của tỉnh, trong đó có 08 hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh và 27 Quyết định của UBND tỉnh. Cấp tỉnh đã ban hành 25 văn bản QPPL, trong đó có 01 nghị quyết của HĐND và 24 Quyết định của UBND tỉnh. Cấp huyện và cấp xã ban hành 10 văn bản QPPL, trong đó có 01 Nghị quyết của HĐND và 09 Quyết định của UBND. Từ tỉnh đến cơ sở đã kiểm tra 29 lượt văn bản QPPL, qua kiểm tra không phát hiện văn bản QPPL trái pháp luật. Rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL kỳ 2014 – 2018, qua rà soát công bố hết hiệu lực toàn bộ 207 văn bản, còn hiệu lực 469 văn bản, văn bản có nội dung không chứa QPPL nhưng được ban hành dưới hình thức văn bản QPPL là 15 văn bản.
Công tác quản lý xử lý VPHC và theo dõi THPL được duy trì thường xuyên. Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch và chỉ đạo các ngành và địa phương thực hiện nghiêm công tác thi hành Hiến pháp, văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên và Nghị quyết của HĐND tỉnh; theo dõi tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm; theo dõi tình hình THPL về xử lý VPHC; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2019. Ngoài ra, Sở Tư pháp đã nghiên cứu hồ sơ, đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh hướng giải quyết 20 vụ việc phức tạp liên quan đến xử phạt VPHC và các lĩnh vực khác. Đồng thời nghiên cứu, tham gia ý kiến 12 dự thảo văn bản xin ý kiến của sở, ngành.
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai với nhiều điểm mới. Sở Tư pháp đã tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều Đề án về tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức thành công Hội thi “Phụ nữ Vĩnh Phúc với pháp luật về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình”. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp phối hợp với UBND cấp huyện mở 116 lớp tập huấn, bồi dưỡng pháp luật cho gần 15 nghìn cán bộ, nhân dân tại cơ sở. UBND cấp huyện, xã cũng đã thực hiện được 509 cuộc PBGDPL cho hơn 14 nghìn lượt người. Tiếp tục in và cấp phát tài liệu tuyên truyền, PBGDPL; xây dựng các chuyên mục trên Báo Vĩnh Phúc, Đài PTTH tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh.
Các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh tiếp tục hoạt động tích cực, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL.Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng các xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, cải thiện nâng cao điều kiện tiếp cận thông tin pháp luật, phát huy dân chủ ở cơ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Công tác triển khai thi hành Luật Hộ tịch: Thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nhiệm vụ đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý hộ tịch với 100% cơ quan, đơn vị đã thực hiện đăng ký hộ tịch trên Phần mềm hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp. Công tác chứng thực cũng được tiếp tục được quan tâm thực hiện. Sở Tư pháp đã tổ chức hội nghị tập huấn chuyên sâu kỹ năng thực hiện chứng thực cho 170 cán bộ, công chức làm công tác chứng thực trên địa bàn tỉnh. Công tác nuôi con nuôi được thực hiện nghiêm túc theo pháp luật Nuôi con nuôi. Trong 6 tháng đầu năm, tiếp nhận 03 hồ sơ nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi, đã giải quyết xong 02 hồ sơ. UBND cấp xã thực hiện đăng ký đối với 11 trường hợp nuôi con nuôi. Rà soát, công bố TTHC trong lĩnh vực nuôi con nuôi thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý của Sở Tư pháp cho phù hợp với Nghị định số 24 và Quyết định số 1008/QĐ-BTP. Công tác Lý lịch tư pháp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu của công dân. Sở Tư pháp đã tiếp nhận 2.037 đề nghị cấp phiếu LLTP, đã giải quyết xong 1.933 trường hợp, 104 hồ sơ đang trong thời hạn giải quyết. Công tác quốc tịch, giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước được thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước.
Công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp được duy trì thường xuyên. Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định trong việc thành lập, cho phép thành lập, đăng ký hoạt động, cấp thẻ hành nghề, chấm dứt hoạt động … đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công chứng, luật sư, đấu giá tài sản … trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp thực hiện kiểm tra đột xuất hoạt động hành nghề công chứng tại các Văn phòng công chứng trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra đã phát hiện và xử lý theo quy định các công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng có vi phạm theo quy định. Chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ Đoàn Luật sư tỉnh. Tổ chức tổng kết và xây dựng báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng đối với tổ chức và hoạt động Luật sư. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về tăng cường quản lý nhà nước về đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện tốt các mục tiêu đặt ra theo kế hoạch công tác trợ giúp pháp lý năm 2019. Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm TGPLNN tỉnh đã thụ lý và thực hiện xong được 246 vụ việc TGPL. Có thể nói, hoạt động TGPL đã đạt được những kết quả thiết thực góp phần giúp cho các đối tượng thuộc diện TGPL tiếp cận và sử dụng dịch vụ pháp lý miễn phí hiệu quả và đạt được chất lượng cao. Đồng thời giúp cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng và các cơ quan tổ chức liên quan giải quyết vụ việc khách quan, công bằng, đúng pháp luật.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, ngành Tư pháp Vĩnh Phúc xác định trong 6 tháng cuối năm 2019 tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và công tác tư pháp năm 2019 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị đã được đề ra như: Triển khai thực hiện kế hoạch tổng kết thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Kế hoạch tổng kế 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân; Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Triển khai “Ngày pháp luật Việt Nam”. Tập trung PBGDPL phục vụ các dự án trọng điểm của tỉnh, nhất là lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng; xử lý vi phạm về đất đai và những điểm nóng dư luận quan tâm. Tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch cấp chứng chỉ cho cán bộ, công chức làm công tác hộ tịch trên địa bàn tỉnh. Thực hiện kiểm tra công tác quản lý và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, nuôi con nuôi Cấp phiếu LLTP theo yêu cầu của người dân...
Có thể nói, những kết quả nêu trên đã góp phần thiết thực vào những thành tựu chung của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh. Nhờ đó, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ngày càng được khẳng định; vị trí của ngành tư pháp ngày càng được củng cố, tăng cường; ngành được tin tưởng giao thêm nhiều nhiệm vụ mới.
Ngọc Huyền