Bà Trần Thị Minh Hòa, Giám đốc Sở Tư pháp Sơn La cho biết: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2017, Sở Tư pháp đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch, các văn bản hướng dẫn thực hiện để triển khai thực hiện. Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của các sở, ngành, đoàn thể và địa phương trong triển khai các nội dung, quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thành lập Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật, xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên hội đồng theo đúng chức năng. Tăng cường đôn đốc các xã, phường, thị trấn thực hiện quy trình, thủ tục đánh giá, chấm điểm các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật...
Để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp khảo sát, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ; theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; phối hợp với UBND các huyện, thành phố xem xét hồ sơ và thẩm định chỉ tiêu số 18.5 về hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới tỉnh Sơn La giai đoạn 2017-2020.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Sở Tư pháp đã thực hiện đánh giá, thẩm định chỉ tiêu 18.5 (hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật) đối với 8 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 gồm các xã: Vân Hồ, Tô Múa (huyện Vân Hồ); Nà Bó (huyện Mai Sơn); Tân Lập ( huyện Mộc Châu); Tường Phù, Tân Lang (huyện Phù Yên) và xã Chiềng Ơn (huyện Quỳnh Nhai). Qua thẩm định, đánh giá, 8 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020 đều đạt chỉ tiêu 18.5 trong bộ tiêu chí về xã nông thôn mới.
Không chỉ vậy công tác tuyên truyền, phổ biến về nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên các phương tiện thông tin truyền thông gắn với nhiệm vụ xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được tăng cường, giúp các cơ quan, tổ chức và nhân dân nhận thức đúng đắn, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, vị trí, vai trò của chuẩn tiếp cận pháp luật tại cơ sở.
Theo bà Trần Thị Minh Hòa, qua thực tiễn, việc triển khai thực hiện Quyết định 619 đã tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh về vị trí, vai trò của nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Nhất là tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật và cấp có thẩm quyền; thực hiện cải cách hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở cơ sở...
Đến nay, tỉnh Sơn La có 164/204 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt tỷ lệ 80,4% trên tổng số xã, phường, thị trấn), tăng 22 đơn vị cấp xã so với năm 2019, vượt 4 đơn vị cấp xã so với chỉ tiêu đề ra trong năm 2020. Có 6 huyện vượt chỉ tiêu ( Mộc Châu, Phù Yên, Mường La, Quỳnh Nhai, Bắc Yên, Thuận Châu); 3 huyện đạt chỉ tiêu (Vân Hồ, Sông Mã, Mai Sơn) và 3 huyện không đạt chỉ tiêu (Thành phố, Yên Châu, Sốp cộp).
Bên cạnh những mặt đạt được, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian qua, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại một số đơn vị cấp xã còn chưa kịp thời; chưa thực sự quyết liệt trong việc đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Việc tập hợp, lưu trữ hồ sơ, tài liệu kiểm chứng của một số đơn vị cấp xã chưa đầy đủ. Đội ngũ công chức tham mưu thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật mỏng; khối lượng công việc nhiều nên chưa dành thời gian tập trung nghiên cứu để tham mưu tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, đảm bảo chất lượng. Chưa có kinh phí dành cho công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Để khắc phục tồn tại khó khăn, hiện Sở Tư pháp đang tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu giao trong năm 2021; đảm bảo thực chất, hiệu quả các chỉ tiêu, tiêu chí; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ để nâng cao năng lực công chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của các địa phương.
Có thể nói, việc triển khai thực hiện xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Sơn La đã nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân; bảo đảm quyền được thông tin về pháp luật của công dân; khẳng định vai trò của pháp luật trong phát triển kinh tế - xã hội; góp phần xây dựng nông thôn mới, phục vụ tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam