Cục BTNN, Bộ Tư pháp cho biết, công tác tuyên truyền pháp luật về BTNN thời gian qua được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Từ năm 2011 đến nay, Cục BTNN xây dựng và phát hành 18 ấn phẩm với số lượng phát hành 40.477 cuốn; 04 Số chuyên đề chuyên sâu về nghiệp vụ quản lý nhà nước và giải quyết yêu cầu BTNN, với gần 10.000 cuốn; phát hành 260.462 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền pháp luật về TNBTCNN; tổ chức 03 Tọa đàm pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên truyền hình; 01 Video tuyên truyền về quyền yêu cầu bồi thường cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ tuyên truyền sâu rộng, sau 10 năm thực hiện Luật TNBTCNN, nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức nhà nước về pháp luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có sự thay đổi rõ rệt. Đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác BTNN đã nắm bắt được các kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường, thực hiện trách nhiệm hoàn trả và quản lý nhà nước về công tác BTNN. Trong quá trình thực thi công vụ người thi hành công vụ cũng có sự thận trọng trong việc đưa ra các quyết định, hành vi hành chính đúng pháp luật để tránh gây phát sinh thiệt hại dẫn tới việc bồi thường.
Ở địa phương, công tác tuyên truyền pháp luật BTNN cũng được quan tâm, đẩy mạnh. Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2021 nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Theo UBND tỉnh, cần chú trọng tuyên truyền nội dung quy định về biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác BTNN, biện pháp thực hiện công tác hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường; tạo điều kiện cho người dân có điều kiện tiếp cận, hiểu biết quy định pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, chủ động bảo vệ tốt các quyền và lợi ích chính đáng của bản thân. Nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức cho các cán bộ, công chức, viên chức làm công tác BTNN trong các cơ quan, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tại Thanh Hóa, Sở Tư pháp đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra công tác BTNN năm 2021. Thông qua kiểm tra công tác BTNN tại địa phương nhằm nắm bắt thực tiễn áp dụng pháp luật, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị thiệt hại yêu cầu. Từ đó, kịp thời đề ra những biện pháp khắc phục, tháo gỡ cũng như đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật. Tỉnh Thanh Hóa sẽ tiến hành kiểm tra tại 7 đơn vị. Tại mỗi huyện được kiểm tra, Đoàn Kiểm tra tiến hành kiểm tra từ 3 đến 6 đơn vị cấp xã.
Tại Bắc Kạn, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bồi thường Nhà nước, tuyên truyền lồng ghép thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố cũng tích cực phổ biến, tuyên truyền Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, đa dạng hóa về nội dung và cách thức tuyên truyền. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh không phát sinh trường hợp công dân yêu cầu giải quyết bồi thường do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra.
Tại Bắc Giang, Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang phối hợp với Sở Y tế tỉnh Bắc Giang thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành cho hơn 100 cán bộ lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện trực thuộc ngành y tế tỉnh Bắc Giang. Tại Bình Thuận, Sở Tư pháp tỉnh đã phối hợp với Cục BTNN - Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn với hình thức trực tuyến về công tác BTNN cho lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức tham mưu công tác BTNN tại các Sở, ban, ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện; Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện; Công an tỉnh và Công an cấp huyện; Phòng Tư pháp và UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn….
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, pháp luật về BTNN ngày càng “thấm” sâu vào đời sống xã hội, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân, tạo sự chuyển biến đáng kể về nhận thức của các cơ quan nhà nước đối với công tác BTNN. Thay vì coi công tác BTNN chỉ thực hiện khi có phát sinh vụ việc thì nay đã xác định mục tiêu phòng ngừa phát sinh trách nhiệm BTNN là chính.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam