Liên kết website

Hiệu quả phổ biến pháp luật từ mô hình "Tỉnh hỗ trợ kinh phí, huyện tổ chức thực hiện, xã tiếp nhận kết quả" trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

04/08/2021

Để công tác phổ biến pháp luật được sâu, rộng thì cần xuống tận cơ sở, nhưng nguồn lực của cơ sở lại chưa được đáp ứng được yêu cầu. Do đó, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam đã nghiên cứu, xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành mô hình “Tỉnh hỗ trợ kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả” với phương châm hướng mạnh công tác PBGDPL về cơ sở.

Mô hình này được triển khai từ năm 2017 đến nay. Theo đó, mỗi năm UBND tỉnh bố trí trung bình 1.500 triệu đồng hỗ trợ cho 200 xã (nay còn 197 xã do sáp nhập) để thực hiện PBGDPL. Cụ thể, năm 2017: 1.392 triệu đồng, năm 2018: 1.299 triệu đồng, năm 2019: 1.575 triệu đồng, năm 2020: 1.759 triệu đồng, năm 2021: 1.733 triệu đồng. Các xã đồng bằng được hỗ trợ 8 triệu đồng/năm; các xã trung du được hỗ trợ 9 triệu đồng/năm và các xã miền núi được hỗ trợ 10 triệu đồng/năm. Riêng các xã thuộc địa bàn biên giới, hải đảo,  UBND tỉnh giao Bộ đội biên phòng trực tiếp thực hiện, các xã thuộc địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật UBND tỉnh giao Sở Tư pháp trực tiếp thực hiện. Với cách làm này, toàn bộ số xã trên địa bàn tỉnh đều được hưởng thụ từ Đề án, đảm bảo sự phủ kín, không bỏ trống và trùng lắp về địa bàn thực hiện các hoạt động PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Nguồn kinh phí hỗ trợ này được giao cho Phòng Tư pháp phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo nhu cầu, phù hợp đặc điểm của từng địa bàn.

Qua 05 năm triển khai mô hình này, phần lớn các địa phương đã sử dụng nguồn kinh phí này để đổi mới cách thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đem lại hiệu quả cao. Nổi bật như huyện Đại Lộc, Duy Xuyên thực hiện tuyên truyền pháp luật trong các dịp lễ hội, đưa nội dung pháp luật vào câu hát bài chòi, lô tô… Đặc biệt, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19, từ năm 2020 đến nay, Phòng Tư pháp Đại Lộc còn tổ chức tuyên truyền đồng loạt tại các Chợ truyền thống của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện về nội dung văn bản pháp luật mới ban hành, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và chế tài xử lý một số hành vi vi phạm phòng chống dịch bệnh Covid-19, kết hợp với phát tờ rơi, khẩu trang và nước sát khuẩn. Nhiều địa phương phối hợp với Trung tâm Văn hóa và Thể thao, Truyền thanh – Truyền hình huyện làm file nén tuyên truyền Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và chế tài xử lý các hành vi vi phạm phòng chống dịch Covid-19 để phát trên đài truyền thanh huyện, xã, thôn, khu dân cư, trên mạng xã hội facebook, Zalo và phục vụ cho tuyên truyền lưu động (huyện Đại Lộc, Tiên Phước, Bắc Trà My…). Bên cạnh đó, các địa phương như thành phố Tam Kỳ, các huyện Hiệp Đức, Quế Sơn còn đẩy mạnh việc tổ chức đối thoại chính sách pháp luật về đất đai và giải tỏa đền bù, hướng dẫn thủ tục hành chính về hộ tịch và các chính sách cho người có công.

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, từ năm 2018 đến nay, trên cơ sở hướng dẫn của Sở Tư pháp, các địa phương đều dành khoảng 20% kinh phí được giao để tổ chức triển khai hoạt động này, với nhiều hình thức phong phú và đa dạng như: Tuyên truyền thông qua pano, áp phích, băng rôn, cờ phướn, xe tuyên truyền lưu động; lồng ghép vào Lễ Chào cờ đầu tháng 11; tổ chức các hình thức thi tìm hiểu pháp luật; hoạt động tư vấn, đối thoại chính sách pháp luật tại các điểm dân cư xã, phường. Đặc biệt, trong khoảng thời gian cao điểm, các địa phương lồng ghép hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật với Ngày Hội đại đoàn kết toàn dân bằng nhiều hình thức sinh hoạt có ý nghĩa thiết thực thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Có thể nói, với việc thực hiện mô hình "Tỉnh bố trí kinh phí, cấp huyện tổ chức thực hiện, cấp xã tiếp nhận kết quả" vào thực tiễn là giải pháp có tính đột phá trong công tác PBGDPL ở tỉnh Quảng Nam thời gian qua. Mô hình này đã giải quyết được một phần khó khăn trước mắt cho ngân sách cấp xã đối với công tác PBGDPL, đồng thời khắc phục được sự chồng chéo, trùng lắp về nội dung cũng như bỏ trống địa bàn PBGDPL. Nhưng điều quan trọng hơn của mô hình này là nhu cầu tìm hiểu pháp luật của người dân ở cơ sở được đáp ứng phù hợp (cả về nội dung lẫn hình thức) với đặc điểm sinh hoạt dân cư ở từng vùng miền, có tính linh hoạt cao mà không bị rập khuôn máy móc.

Từ những kết quả tích cực mà mô hình này mang lại đã khẳng định được tính đúng đắn của chủ trương hướng công tác PBGDPL về cơ sở, ngày 24/8/2020, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Chỉ thị số 57-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh trong đó thống nhất tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình PBGDPL này trong giai đoạn 2022-2027./.
Hạ Trương
Các tin đã đưa ngày: