Liên kết website

Hà Tĩnh: Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

14/08/2021

Hà Tĩnh có dân số hơn 1,3 triệu người, trong đó chủ yếu là dân tộc Kinh (chiếm hơn 90%), có 04 dân tộc thiểu số cư trú tại 3 huyện miền núi: Hương Khê, Hương Sơn và Vũ Quang. Đây đều là các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ dân trí chưa cao.

Xác định nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nên sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện một cách thực chất, hiệu quả.

Nội dung tập trung phổ biến các văn bản pháp luật hiện hành, các chính sách liên quan thiết thực đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các chính sách về an sinh xã hội, chính sách dân tộc của trung ương, của tỉnh… Tính từ 01/6/2017 đến 30/6/2021, toàn tỉnh đã in ấn và cấp phát trên 1 triệu tờ gấp, tờ rơi miễn phí cho người dân tại các huyện có đồng bào dân tộc thiểu số; định kỳ hàng tháng phát sóng 01 số Chương trình “Vì chủ quyền an ninh biên giới” phản ánh các vấn đề cần quan tâm ở khu vực biên giới, chuyển tải các chế độ, chính sách mới cho Nhân dân khu vực biên giới.

Trong công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo. Tiêu biểu như: mô hình “Câu lạc bộ tình thương” được xây dựng tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn đã tập hợp, giáo dục, cảm hóa các đối tượng nghiện hút và vi phạm pháp luật, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng; mô hình “cầu nối se duyên” chống hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc Chứt ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê.

Công tác hòa giải ở cơ sở tại các xã có đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi sinh sống được chú trọng thực hiện có hiệu quả. Thông qua công tác hòa giải, một mặt giúp giải quyết các mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, mặt khác tuyên truyền pháp luật cho các bên tranh chấp và bà con Nhân dân.

Với nội dung tuyên truyền sát với thực tế, hình thức phổ biến gần gũi với người dân, đã góp phần quan trọng nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật tại các địa bàn có đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: