Liên kết website

Thừa Thiên Huế: Thực hiện tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa tỉnh

03/07/2021

Ngày 30/6/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có Công văn số 5661/UBND-TĐKT về việc triển khai kiến nghị, đề xuất tại Báo cáo tổng kết Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp”.

Thời gian qua, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương của tỉnh luôn quan tâm tăng cường, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc hoàn thiện và đưa vào vận hành chuyên trang phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế; các Cổng/Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước trên địa bàn đã góp phần nâng cao chất lượng cung cấp thông tin về lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật đến các cơ quan, đơn vị và người dân. Đặc biệt trong tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong một số hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật, tổ chức các hội nghị, hội thảo trực tuyến) đã thể hiện được sự ưu việt góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hướng tới chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong thời gian sắp tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế chú trọng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
1. Tiếp tục quán triệt, thông tin, tuyên truyền, triển khai Kết luận số 80-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân (gọi tắt là Kết luận số 80-KL/TW); Công văn số 2104-CV/TU, ngày 09/10/2020 của Tỉnh ủy về triển khai Kết luận số 80-KL/TW; Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các quy định về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu “Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng”.
2. Phát huy sáng kiến, nghiên cứu đổi mới cách thức ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng đến chuyển đổi số. Nâng cao chất lượng các Cổng/Trang thông tin điện tử, tăng cường các hoạt động mang tính tương tác trực tiếp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Xây dựng các diễn đàn, trao đổi về các sự kiện pháp lý nổi bật hoặc các vấn đề pháp lý trong cuộc sống để thu hút đông đảo người xem.
3. Các Sở, ban, ngành phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, xây dựng phương thức tổ chức hoạt động tìm hiểu pháp luật bằng hình thức trực tuyến, hướng tới các nhóm đối tượng, nhất là thanh thiếu niên. Tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Chuyên trang Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế, trở thành Chuyên trang phổ biến, giáo dục pháp luật chính của tỉnh, triển khai các nhiệm vụ trọng yếu trong công tác này của địa phương.
4. Phát huy cao vai trò của các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh trong việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ; có trách nhiệm huy động cán bộ, công chức, viên chức tham gia tích cực các hoạt động tuyên truyền pháp luật trực tuyến; tích cực tham gia đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong Cuộc thi Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (theo Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 17 tháng 3 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức cuộc thi Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật giỏi về phòng, chống tham nhũng) và tham gia thi trực tuyến Cuộc thi Báo cáo viên pháp luật, Tuyên truyền viên pháp luật giỏi toàn quốc về pháp luật phòng, chống tham nhũng do Bộ Tư pháp tổ chức; tăng cường tương tác với các chuyên trang, chuyên mục, trang mạng xã hội về phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh và các cơ quan nhà nước.
5. Các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm đầu tư kinh phí phù hợp cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật. Chú trọng vấn đề xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; huy động sự tham gia, đồng hành của các doanh nghiệp, tạo nguồn lực, nâng cao chất lượng, mở rộng phạm vi các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng đến mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng đồng hành và tham gia tích cực vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên môi trường mạng.
6. Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan, địa phương quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có kỹ năng về công nghệ thông tin, mạng xã hội; đồng thời nâng cao các kỹ năng, nhạy bén trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong thời đại mới.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương quan tâm, triển khai, phối hợp thực hiện và báo cáo nội dung thực hiện của các yêu cầu nêu trên trong báo cáo đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 6 tháng và hàng năm gửi về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Tư pháp theo quy định.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật 
Các tin đã đưa ngày: