Liên kết website

Hà Giang: Đổi mới công tác phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào thiểu số

29/06/2021

Công tác tuyên truyền pháp luật ở tỉnh Hà Giang được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức, đem lại những kết quả rõ nét, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tỉnh Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc của Việt Nam có vùng biên giới với đặc thù đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn dân số, trình độ dân trí, nhận thức pháp luật còn hạn chế, những năm qua, tỉnh Hà Giang thường xuyên đổi mới, đang dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đến đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Qua đó, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân kịp thời, chính xác, hiệu quả.

Theo đó, tỉnh Hà Giang nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; những năm qua, cấp ủy, chính quyền tập trung triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đẩy mạnh đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH của địa phương.

Trong đó xác định rõ hoạt động PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, do đó, hàng năm, Tỉnh ủy đều xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo đổi mới công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức. Nội dung tuyên truyền cũng được chuyển tải một cách đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. đặc biệt chú trọng vào các vấn đề người dân quan tâm; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc đang triển khai trên địa bàn…

Bên cạnh việc đó, công tác tuyên truyền còn được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền thông qua việc biên tập và phát hành tài liệu, in, cấp phát tờ rơi, tờ gấp, cấp phát tài liệu tuyên truyền pháp luật cho người dân; tổ chức cuộc thi viết “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp trong cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên” thu hút người tham gia. Ngoài ra, còn đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, bằng các thứ tiếng dân tộc trên hệ thống loa truyền thanh không dây và loa di động; xe máy lưu động đến từng đường làng, ngõ xóm tại các thôn, bản vùng sâu, xa.

Đặc biệt chú trọng hoạt động phối hợp triển khai công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở ở khu vực biên giới. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản như: Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid – 19, phổ biến pháp luật về bầu cử, tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bầu cử đầy đủ.

Những năm gần đây, công tác PBGDPL ngày càng đổi mới với hình thức và nội dung đa dạng, phong phú, qua đó thu hút nhiều người dân quan tâm, tìm hiểu pháp luật. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản pháp luật liên quan trực tiếp, thiết thực đến cuộc sống hàng ngày của người dân khu vực biên giới và các địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật; giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Thời gian tới, việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần được lồng ghép với các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí ở Trung ương và địa phương, nhằm góp phần tạo chuyển biến căn bản, toàn diện trong ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, từng bước giảm số vụ việc và người vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự ATXH, thúc đẩy phát triển KT – XH.
Nguồn: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam 
Các tin đã đưa ngày: