Công tác TTPBGDPL cho các đối tượng thuộc ĐA 2045 được UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm. Theo đó, tại cộng đồng, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tổ chức 2.993 cuộc tuyên truyền với 109.317 lượt người dự, tập trung vào các nội dung về thủ tục được xóa án tích, đăng ký hộ khẩu; tác hại và cách phòng, chống ma túy tại cộng đồng,…
Ngoài ra, tại trung tâm cai nghiện bắt buộc, các đơn vị tuyên truyền 1.025 cuộc, có 7.856 lượt người là đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dự nghe; phát hành bản tin an ninh, trật tự, TTPBGDPL trên đài truyền thanh địa phương, tại địa bàn dân cư hàng tuần và tuyên truyền bằng xe lưu động trên các tuyến đường, nơi tập trung đông dân cư với 334 tin, bài về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội,...
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội áp dụng nhiều mô hình điểm về TTPBGDPL tại cơ sở cai nghiện bắt buộc. Qua đó, tổ chức Hội thi tìm hiểu Luật Phòng, chống ma tuý; Luật Phòng, chống HIV/AIDS với hình thức thi viết và hái hoa dân chủ được 2 cuộc, 816 học viên tham gia; duy trì và phát triển 2 tủ sách pháp luật với nhiều đầu sách về các luật và các văn bản quy định về chế độ, chính sách đối với học viên của cơ sở cai nghiện.
Cơ sở cai nghiện ma túy Long An tổ chức học viên thành tổ, đội theo độ tuổi, mức độ nghiện và hoàn cảnh để thực hiện tuyên truyền, tư vấn. Qua đó, tuyên truyền 2.768 lượt học viên, phổ biến chính sách và tư vấn hòa nhập cộng đồng 583 trường hợp, tư vấn cho 150 lượt học viên về tác hại của ma túy, hướng dẫn các biện pháp bảo vệ sức khỏe bản thân, các biện pháp phòng, chống nghiện ma túy.
Triển khai, thực hiện thí điểm mô hình Hỗ trợ tăng cường năng lực các nhóm đồng đẳng của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại trong phòng, chống bạo lực giới tại TP.Tân An; khảo sát và thành lập 1 Câu lạc bộ Ánh Bình Minh gồm 80 thành viên, tổ chức các hoạt động giảm hại và kết nối dịch vụ hỗ trợ xã hội (y tế, pháp lý, bảo trợ xã hội, dạy nghề, việc làm, sinh kế,…) ở cộng đồng.
Các địa phương thực hiện các mô hình tuyên truyền pháp luật: Ngày pháp luật Việt Nam, Điểm chấp hành pháp luật, Gia đình và hội viên không vi phạm pháp luật,… Qua đó góp phần hỗ trợ đối tượng thuộc ĐA 2045 tái hòa nhập cộng đồng.
Cơ quan Thi hành án hình sự Công an tỉnh phối hợp công an 2 huyện: Bến Lức, Đức Hòa xây dựng thực hiện mô hình 3 quản, 3 giúp đối với người nghiện ma túy, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; xây dựng khu dân cư an toàn, lành mạnh tại địa bàn thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức; mô hình Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án tại cộng đồng và người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng tại địa bàn xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa.
Tại xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, mô hình 1+5 - gặp gỡ, cảm hóa, giáo dục người vi phạm không tái phạm do UBMTTQ xã Bình Hòa Tây chủ trì thực hiện, đã cảm hóa, giáo dục được gần 80 đối tượng là những người chấp hành án phạt tù nhưng cho hưởng án treo, người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, đối tượng vi phạm hành chính, sử dụng trái phép chất ma túy,… Mô hình được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện Mộc Hóa.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, ĐA 2045 được triển khai tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và phương thức trong TTPBGDPL của các cấp, các ngành. Nội dung TTPBGDPL có trọng tâm, phù hợp từng nhóm đối tượng đặc thù. Qua thực hiện mô hình, các địa phương kịp thời tháo gỡ những tồn tại, hạn chế trong quản lý, giám sát đối tượng đặc thù, định hướng về chủ điểm và đối tượng tuyên truyền, góp phần nâng cao hiệu quả công tác TTPBGDPL trong tình hình mới;.../.
Phan Đức Bộ