Liên kết website

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong 6 tháng cuối năm 2022

20/08/2022

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh Bắc Kạn đã bám sát định hướng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, tham mưu, tư vấn cho Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL; thành viên Hội đồng các cấp phát huy được vai trò, trách nhiệm trong tư vấn, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác PBGDPL nên công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã đạt được một số kết quả tích cực.

Công tác chỉ đạo, hướng dẫn
Để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã ban hành hoặc tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo và chỉ đạo Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực của Hội đồng ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị trong tổ chức triển khai thực hiện.
Trên cơ sở các Kế hoạch và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh; các  sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; 08/08 UBND các huyện, thành phố đã ban hành Kế hoạch công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022 và chỉ đạo triển khai thực hiện.  
 
Tăng cường nguồn lực thực hiện công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Đội ngũ cán bộ làm công tác công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được kiện toàn, củng cố:
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 266 Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện là 188 người, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã là 1.973 người; 100% thôn, bản, tổ dân phố có tổ hoà giải với  6.945 hòa giải viên (người dân tộc thiểu số 6.300/6.945 hòa giải viên chiếm 90,7%; số hòa giải viên được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ là 3.246/6.945 hòa giải viên chiếm 46,7%).
Về kinh phí, tại cấp tỉnh, trong năm 2022, kinh phí cấp cho hoạt động PBGDPL, hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật là 588.000.000 đồng; các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh hầu như chưa được phân bổ kinh phí riêng cho công tác PBGDPL mà được bố trí trong kinh phí chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị để lồng ghép tổ chức triển khai các hoạt động của công tác PBGDPL gắn với việc nhiệm vụ chuyên môn.
Tại cấp huyện, cấp xã, kinh phí cho công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022 ở các địa phương từ nguồn ngân sách nhà nước, trung bình mỗi huyện, thành phố được cấp khoảng 40.000.000 đồng, cấp xã trung bình được cấp 4.000.000 đồng/năm.
 
Kiểm tra công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 295/KH-HĐPH ngày 09/05/2022 về kiểm tra công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022. Theo đó, dự kiến trong quý III, IV/2022, Đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra tại các đơn vị: Sở Công Thương; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện Ngân Sơn, huyện Na Rì và 04 đơn vị cấp xã của 02 huyện (Ngân Sơn và Na Rì).
Trên cơ sở Kế hoạch của Hội đồng phối hợp PBGDPL, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện đã chủ động xây dựng Kế hoạch kiểm tra và tự tổ chức kiểm tra công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, cấp xã  đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị.

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật
Thực hiện Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL. Đến nay, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã được kiện toàn theo đúng quy định của pháp luật.
Kết quả triển khai tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật; hình thức PBGDPL: Các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy vai trò công tác tuyên truyền, phổ biến gắn với nhiệm vụ chuyên môn; trong đó, tập trung vào các luật, pháp lệnh, văn bản pháp luật mới thông qua năm 2021, 2022; các dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội; các văn bản, quy định có liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; các chính sách, quy định về thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội;... ; chú trọng thực hiện PBGDPL tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo tôn giáo. Theo đó, đã tổ chức được 2.262 cuộc tuyên truyền PBGDPL (cấp tỉnh: 817 cuộc; cấp huyện: 562, cấp xã: 863) với số lượt người tham dự: 135.702 (cấp tỉnh: 48.155; cấp huyện: 52.993; cấp xã: 34.554); đã tham gia, tổ chức được 24 cuộc thi tìm hiểu pháp luật (cấp tỉnh: 18; cấp huyện: 03; cấp xã: 03) với 26.740 lượt người tham gia (cấp tỉnh: 25.601; cấp huyện: 494; cấp xã: 645); tài liệu PBGDPL được phát hành: 26.297 tài liệu (cấp tỉnh: 19.987; cấp huyện: 822; cấp xã: 5.488); tài liệu đăng tải trên Internet: 1.776 tin, bài, phóng sự.
Công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù: Các ngành, các cấp chú trọng thực hiện việc PBGDPL thông qua hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật, lồng ghép PBGDPL trong các hoạt động văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số, người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo, người khuyết tật,...
Hoạt động PBGDPL trong nhà trường được Ngành Giáo dục và Đào tạo quan tâm triển khai thực hiện tổ chức dạy và học kiến thức pháp luật phù hợp ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Tổ chức thường xuyên và đa dạng các hoạt động giáo dục pháp luật ngoại khóa thông qua các hình thức như: tuyên truyền, phát hành tài liệu, trang bị tủ sách pháp luật, tập huấn, thi tìm hiểu pháp luật, lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các đợt sinh hoạt chính trị, ngoại khóa. Tuyên truyền, phổ biến thông qua hệ thống thông tin đại chúng của nhà trường, sử dụng các phương tiện để truyền tải kịp thời các quy định pháp luật cũng như tình hình pháp luật giáo dục đến từng đối tượng.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ làm công tác PBGDPL trong nhà trường. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giáo viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên và cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo. Trang bị tài liệu, phục vụ công tác dạy và học pháp luật, tư vấn học đường trong nhà trường. Theo đó, đã tổ chức 05 cuộc PBGDPL trực tiếp với 444 lượt người tham dự, tham gia 02 cuộc thi với 20.668 lượt người tham dự.
Hoạt động xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật: Tiếp tục duy trì, làm giàu Tủ sách pháp luật tại các xã đặc biệt khó khăn, cơ quan, đơn vị của lực lượng vũ trang nhân dân và bố trí kinh phí theo quy định tại khoản 3, Điều 4 Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật. Đối với Tủ sách pháp luật cấp xã đã sáp nhập với điểm Bưu điện - Văn hóa hoặc Trung tâm học tập cộng đồng, cán bộ được giao quản lý có trách nhiệm trực tiếp quản lý, khai thác sách, tài liệu pháp luật theo quy định. Công chức Tư pháp - Hộ tịch tham mưu UBND cấp xã theo dõi, chỉ đạo việc rà soát các sách, tài liệu có nội dung quy định pháp luật hết hiệu lực; luân chuyển, trao đổi sách, tài liệu pháp luật tại điểm Bưu điện - Văn hóa xã hoặc Trung tâm học tập cộng đồng với Tủ sách tự quản ở cộng đồng và thực hiện các giải pháp khác nâng cao hiệu quả khai thác sách, tài liệu pháp luật trên địa bàn, một số đơn vị duy trì và sử dụng có hiệu quả Tủ sách pháp luật.
Tổ chức thực hiện các đề án, dự án PBGDPL: Các đơn vị được giao chủ trì triển khai thực hiện các Đề án, Dự án đã tích cực tham mưu UBND tỉnh trong việc tổ chức triển khai thực hiện các đề án PBGDPL như "Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn” năm 2022; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025”; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025"; Dự án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025; Đề án “Tuyên truyền, giáo dục vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”.
ng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL: Ứng dụng công nghệ thông tin và đa dạng hóa các hình thức PBGDPL là nhiệm vụ quan trọng được tỉnh chú trọng chỉ đạo tổ chức triển khai. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thành phố tích cực tuyên truyền PBGDPL thông qua Cổng/ Trang thông tin điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo), phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình xây dựng chuyên mục "Đời sống và pháp luật" phát sóng hàng tuần... nhằm kịp thời truyền tải các văn bản pháp luật đến công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân.

Công tác hòa giải ở cơ sở
Nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, 6 tháng đầu năm 2022, 100% các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã được củng cố, kiện toàn theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; gắn công tác hòa giải với việc thực hiện cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Hội đồng phối hợp PBGDPL đã chỉ đạo Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022" trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tổ chức 02 Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng trong hoạt động hòa giải ở cơ sở cho 140 đại biểu là công chức Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, đội ngũ tập huấn viên cấp huyện và đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã; phối hợp với UBND thành phố Bắc Kạn, UBND huyện Ba Bể tổ chức 02 lớp tập huấn cho 140 đại biểu là hòa giải viên tại 06 xã, phường được lựa chọn chỉ đạo điểm năm 2022; xây dựng Bộ tài liệu tập huấn nghiệp vụ hoà giải ở cơ sở và cấp phát đến cơ sở thông qua hệ thống hồ sơ công việc. Tỷ lệ hoà giải thành đạt 70,5%.
Về kinh phí, tại cấp tỉnh, kinh phí cấp cho công tác quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở là 46.000.000đ; kinh phí cấp cho Đề án "Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở giai đoạn 2019-2022"  là 43.000.000đ.
Tại cấp huyện, không có kinh phí cấp riêng cho hoạt động hòa giải ở cơ sở mà được trích từ nguồn kinh phí PBGDPL tại địa phương.
Tại cấp xã, các xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở trong tổng kinh phí cấp cho công tác tuyên truyền, PBGDPL của địa phương. Kinh phí chủ yếu được sử dụng chi trả thù lao cho hòa giải viên theo vụ việc, ngoài ra là chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải như sao chụp tài liệu, mua văn phòng phẩm, nước uống phục vụ các cuộc họp của tổ hòa giải, nước uống cho người tham dự cuộc họp bầu hòa giải viên. 

Công tác chuẩn tiếp cận pháp luật
Hội đồng phối hợp PBGDPL các huyện, thành phố đã tham mưu UBND cùng cấp ban hành Kế hoạch xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương, 08/08 UBND cấp huyện ban hành quyết định thành lập Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật và các văn bản hướng dẫn các xã, phường, thị trấn trên địa bàn triển khai đồng bộ, thống nhất nhiệm vụ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tổ chức phổ biến, quán triệt và tập huấn Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ Tư pháp về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Để tiếp tục triển khai công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, xây dưng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật có hiệu quả, trong 6 tháng cuối năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục tham mưu, tư vấn cho UBND tỉnh thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 764/KH-UBND ngày 22/12/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL; Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 27/01/2022 của UBND tỉnh Bắc Kạn về công tác PBGDPL, hoà giải ở cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022 nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn tỉnh.
2. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác PBGDPL; trách nhiệm của thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, cơ quan truyền thông đại chúng và cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ PBGDPL.
3. Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, thiết thực các hoạt động hưởng ứng 10 năm Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên địa bàn tỉnh.
4. Tổng kết 10 năm thi hành Luật PBGDPL năm 2012; Đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022".
5. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, PBGDPL.
6. Thực hiện PBGDPL cho đối tượng đặc thù theo Luật PBGDPL; tăng cường công tác PBGDPL trong nhà trường và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; chỉ đạo và tìm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động hoà giải cơ sở, nâng tỷ lệ hoà giải thành đạt 80% trở lên.
7. Kiểm tra, giám sát công tác PBGDPL nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, gắn công tác PBGDPL, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
8. Tổng kết hoạt động của HĐPHPBGDPL năm 2022; xác định phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023./.
Nguyễn Thị Thanh Trang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: