Liên kết website

Bình Phước: Nỗ lực triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong điều kiện nhiều khó khăn

28/09/2022

Bình Phước là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, diện tích tự nhiên 6.873,56 km2, có 41 dân tộc. Dân số trên 1.030.098 người, phân bố trên 11 đơn vị hành chính cấp huyện với 111 xã, phường, thị trấn. Trải qua hơn 25 năm xây dựng kể từ ngày tái lập tỉnh (01/01/1997), từ xuất phát điểm rất thấp về kinh tế, Bình Phước ngày nay đang từng ngày đổi mới; cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện với hệ thống giao thông thông suốt, kinh tế nông nghiệp phát triển nhanh chóng, hình thành những khu công nghiệp; văn hóa - giáo dục phát triển vượt bậc, cộng đồng các dân tộc đoàn kết cùng phát triển... tạo nên một diện mạo xã hội mới [1].

Trong kết quả chung đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã và đang ngày càng khẳng định là vai trò là một bộ phận không thể tách rời trong quy trình xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện pháp luật.
Công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực
Thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong 10 năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều Chương trình, Kế hoạch và văn bản chỉ đạo triên khai thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đều được kiện toàn.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Công văn hướng dẫn cụ thể để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động, linh hoạt tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam bảo đảm mục đích, yêu cầu; nội dung và hình thức phù hợp. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đồi mới nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp gắn với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng; kết hợp chặt chẽ giữa công tác PBGDPL với việc tổ chức theo dõi thi hành pháp luật; công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; lồng ghép công tác PBGDPL với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào quân chúng khác…
Công tác PBGDPL được tổ chức dưới nhiều hình thức, phương pháp phong phú đa dạng phù hợp với từng đối tượng và tình hình thực tế của đơn vị, địa phương như phổ biến trực tiếp, tổ chức Hội nghị; họp giao ban, sinh hoạt cơ quan, đơn vị; thông qua hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở... Việc phổ biến pháp luật thông qua phương tiện thông tin đại chúng được quan tâm, tăng về thời lượng và từng bước nâng cao về chất lượng. Hoạt động biên soạn và phát hành tài liệu phổ biến pháp luật đạt được những kết quả rõ rệt hơn với việc đa dạng hóa các loại tài liệu. Đặc biệt, hình thức tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật là một trong những hình thức PBGDPL sinh động, là sân chơi lành mạnh, thu hút được đông đảo số lượng cán bộ, công chức tham gia. Qua đó không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên và toàn thể nhân dân[2]. Công tác phổ biến pháp luật qua sóng phát thanh truyền hình ngày càng đi đúng hướng và đang trở thành kênh thông tin pháp luật không thể thiếu đối với người dân địa phương. Các chuyên đề, chuyên mục về pháp luật ngày càng được đầu tư cả về số lượng và chất lượng[3].
Việc triển khai PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, nạn nhân bạo lực gia đình, người khuyết tật, người đang bị áp dụng các biện pháp giáo dục tại địa phương, người bị phạt tù được hưởng án treo trên địa bàn khu vực biên giới đã được UBND tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù họp với từng địa bàn và từng nhóm đối tượng[4]. Qua đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật ở từng đối tượng; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đặc biệt khu vực biên giới.
Bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai các hình thức PBGDPL truyền thống, các đơn vị, địa phương đã nghiên cứu, sáng tạo áp dụng một số hình thức tuyên truyền mới như tuyên truyền thông qua các hoạt động phong trào của các tổ chức chính trị-xã hội[5]… Hiện nay, tỉnh Bình Phước có 187 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, khoảng 297 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 778 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Hàng năm, các báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, đều được bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ công tác, kiến thức pháp luật và được trang bị tài liệu PBGDPL.
Công tác PBGDPL đã có ảnh hưởng tích cực đến đời sống xã hội
Sau khi Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu lực thi hành và được triển khai, quán triệt tới cơ sở, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL, coi công tác này là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị - tư tưởng; cán bộ, công chức, viên chức không ngừng nghiên cứu, học tập nâng cao hiểu biết pháp luật.
Đặc biệt, thông qua việc xác định trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể trong công tác PBGDPL là cơ sở pháp lý để đôn đốc triển khai và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ ở các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị. Từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích của tổ chức, công dân. Người dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước. Phương châm “Sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” đang dần trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân, trở thành tiêu chí trong việc đánh giá kết quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Gia đình văn hóa”... Tình hình khiếu nại, khiếu kiện nhất là khiếu kiện vượt cấp ngày càng giảm, an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh được giữ vững, là yếu tố quan trọng để Bình Phước bước vào thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế.
Kinh phí dành cho công tác PBGDPL còn nhiều khó khăn
Quá trình triển khai thực hiện công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nguồn kinh phí dành cho công tác này còn hạn hẹp. Đặc biệt, kinh phí thực hiện các chương trình, Đề án về PBGDPL hầu như chưa được bảo đảm. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác này còn có một số tồn tại, khó khăn như chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL chưa tương xứng yêu cầu đặt ra; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể trong việc thực hiện chương trình PBGDPL có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên, đồng bộ; đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL, nhất là ở cơ sở còn chưa đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ…
Do vậy, trong thời gian tới, tỉnh Bình Phước cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo của chính quyền, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị thực hiện công tác này; nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, kiện toàn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL và đảm bảo các điều kiện cần thiết cho công tác PBGDPL./.
Đinh Thị Ánh Hồng
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

[1] “Tổng quan về Bình Phước”, trang web Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Phước (https://binhphuoc.gov.vn).
[2] Trong 10 năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật như: Cuộc thi tìm hiểu Luật đất đai, Luật khiêu nại tô cáo, Luật bảo vệ và phát triển rừng; cuộc thi tìm hiểu Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động; Hội thi “Chủ tịch ƯBND cấp xã giỏi”, “Hòa giải viên giỏi”, “Hộ tịch viên giỏi”, “Phụ nữ với pháp luật”; cuộc thi “Công dân với pháp luật”…
[3] Báo Bình Phước, Đài Phát thanh- truyền hình tỉnh không ngừng mở các chuyên mục pháp luật và đời sống (4 kỳ/ tháng, thời lượng 20 phút, bao gồm 01 phóng sự tuyên truyền phổ biến pháp luật, 01 phóng sự điều tra, 01 chuyên mục hộp thư bạn xem đài), chuyên mục an ninh trật tự (04 kỳ/ tháng, thời lượng 15 phút), chuyên đề Nhà nước và công dân (01 kỳ/tháng, thời lượng 15 phút), chuyên mục an toàn giao thông (2 kỳ/ tháng), chuyên mục diễn đàn cử tri (2 kỳ/tháng). Ngoài ra, còn nhiều chuyên mục khác cũng được lông ghép để tuyên truyền pháp luật.
[4] như: Tư vấn, phổ biến pháp luật trực tiêp, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật, trợ giúp pháp lý lưu động, cung câp tài liệu PBGDPL, lồng ghép PBDGPL trong các hoạt động giáo dục, thông tin đại chúng, biểu diễn văn nghệ, khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí...
[5] như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dần cư”, “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động xây dụng Hương ước, quy ước ở khu dân cư, tuyên truyền pháp luật thông qua phiên tòa xét xử lưu động, trợ giúp pháp lý... treo Pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu thông qua bảng điện tử Led tại cổng, khuôn viên cơ quan, tại các khu vực tập trung dân cư; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; Xe tuyên truyền lưu động; Chiếu phim, phóng sự; Họp dân, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức đối thoại; PBGDPL thông qua các phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ; Ký cam kêt không vi phạm pháp luật.. 
Các tin đã đưa ngày: