Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh; đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân (TAND) tối cao; TAND cấp cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh; TAND tỉnh; Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; các sở, ngành tỉnh, cùng các hòa giải viên.
Theo Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh, việc ban hành và triển khai, thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là hết sức cần thiết nhằm huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án, vừa góp phần giảm áp lực công việc, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính tại Tòa án, giảm số lượng vụ việc thi hành án dân sự, vừa mang lại nhiều kết quả quan trọng trong bảo mật thông tin cho các bên, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của các cơ quan tiến hành tố tụng, những người tham gia tố tụng, các cơ quan Nhà nước và toàn xã hội.
Hiện TAND 2 cấp có 72 hòa giải viên được bổ nhiệm. Đa số các hòa giải viên là những người có thời gian công tác trong các ngành tư pháp hoặc cán bộ, lãnh đạo nghỉ hưu, có uy tín, kiến thức pháp luật sâu, rộng, có khả năng giải quyết các vụ việc toàn diện, bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hòa giải, đối thoại.
Sau hơn 01 năm thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Theo số liệu từ ngày 01/01/2021 đến 31/3/2022, TAND 2 cấp nhận 10.644 đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính. Trong đó, có 2.903 trường hợp lựa chọn hòa giải, đối thoại theo Luật, chiếm 27,3%, đưa ra hòa giải, đối thoại 2.522/2.903 vụ việc, đạt 86,9%, tổ chức hòa giải, đối thoại thành 1.355/2.522 vụ việc, đạt 53,7%.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Nguyễn Thanh Hải ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của ngành tòa án, đội ngũ hòa giải viên giúp giảm được số vụ án tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính mà TAND 2 cấp phải thụ lý giải quyết, góp phần đáng kể trong việc giảm áp lực, quá tải công việc và thiếu nguồn nhân lực của Tòa án, góp phần quan trọng trong việc hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận, xây dựng, củng cố khối đoàn kết trong nội bộ nhân dân, góp phần ổn định tình hình trật tự, xã hội tại địa phương;...
Phan Đức Bộ
Sở Tư pháp tỉnh Long An