Người dân dễ dàng truy cập Cổng Dịch vụ công Quốc gia từ máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại di động được kết nối internet. Cổng Dịch vụ công Quốc gia cung cấp thông tin về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ thực hiện, giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức trên toàn quốc. Đã có nhiều dịch vụ công trực tuyến được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia như nộp đơn khởi kiện; thanh toán viện phí; thanh toán nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân…
Ngày 15/9/2022, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 273/QĐ-TANDTC về triển khai thí điểm dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Theo đó, triển khai thí điểm dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Thời điểm thực hiện từ ngày 01/10/2022 đến hết tháng 31/10/2022 tại 05 Tòa án nhân dân cấp quận trên địa bàn thành phố Hà Nội gồm (Tòa án nhân dân quận Long Biên, quận Đống Đa, quận Hoàn Kiếm, quận Gia Lâm, quận Hai Bà Trưng).
Tại các Tòa án nhân dân được chọn triển khai thí điểm, Chánh án chịu trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổng hợp Tòa án nhân dân tối cao tổ chức triển khai dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia tại đơn vị; chỉ đạo các cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc việc triển khai thí điểm dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đồng thời, cần tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp về các lợi ích, tiện ích khi sử dụng dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Việc triển khai thí điểm dịch vụ tư pháp công trực tuyến thu, nộp tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án trên Cổng dịch vụ công Quốc gia cũng là một trong số các hoạt động nhằm xây dựng Tòa án điện tử - một nhiệm vụ quan trọng của chiến lược cải cách tư pháp. Khi mà hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã mang lại nhiều cơ hội cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phát triển không ngừng của công nghệ số đã và đang làm thay đổi sâu sắc hoạt động của tòa án. Trong bối cảnh đó, hệ thống Tòa án ở Việt Nam chủ trương đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác tối đa các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghệ mang lại để xây dựng tòa án điện tử - một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp trong tòa án nhân dân nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và xây dựng tòa án hiện đại như yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đúng như đánh giá của PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao)
: “Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử không còn là kế hoạch của tương lai, mà là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay, cần được cụ thể hóa để quyết liệt hoàn thành sớm. Đây là cơ hội để hệ thống Tòa án nước ta tiếp tục nâng cao niềm tin vào công lý của người dân, nâng cao hiệu quả hoạt động và xây dựng Tòa án hiện đại, theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII. Công cuộc chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử sẽ tạo ra những giá trị lớn lao, đóng góp quan trọng vào thành công của Chiến lược cải cách tư pháp nước ta, bắt kịp với xu hướng phát triển của tư pháp tiến bộ trên thế giới”[1]./.