Để nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương cấp phát các tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ; tài liệu hỗ trợ, tham khảo dành cho hòa giải viên, tập huấn viên đồng thời đăng tải slide bài giảng của Báo cáo viên đối với tập huấn viên cấp huyện, hòa giải viên ở cơ sở trên Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh để cho đội ngũ tập huấn viên, hòa giải viên ở cơ sở tham khảo. Bên cạnh đó chủ động tập huấn cho tập huấn viên cấp huyện và hòa giải viên ở cơ sở để nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ này.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 100% ấp, khu phố có tổ hòa giải; về cơ cấu mỗi tổ hòa giải có trung bình từ 3 đến 7 thành viên bao gồm Trưởng Ban ấp, Trưởng Ban công tác mặt trận ấp, đại diện Hội phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân và một số người dân có uy tín tại địa phương được Nhân dân tôn trọng, tạo được niềm tin trong cộng đồng dân cư. Các Tổ hòa giải thực hiện khá tốt nhiệm vụ hòa giải, trong quá trình hòa giải luôn kết hợp, tuyên truyền, phổ biến pháp luật những nội dung cần thiết trong các vụ việc tranh chấp tại địa phương, giảng hòa các mối quan hệ mâu thuẫn phát sinh trong đời sống nhân dân, làm giảm phát sinh thành đơn thư tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và đặc biệt là không có điểm nóng xảy ra. Đến nay 100% hòa giải viên ở cơ sở được tiếp cận và sử dụng Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở bằng các hình thức phù hợp để tự nâng cao năng lực, nghiệp vụ hòa giải; 91,1% hòa giải viên ở cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở theo Chương trình khung và Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở do Bộ Tư pháp ban hành.
Nhìn chung, từ khi thực hiện triển khai Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 -2022’ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở đã được nâng cao giúp giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; nhận thức pháp luật của Nhân dân trên địa bàn có sự chuyển biến; số vụ tranh chấp mâu thuẫn, vi phạm phạm luật trong năm 2020 và 2021 giảm; số vụ việc phải đưa ra Tòa án giảm so với giai đoạn trước, tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư được nâng cao, qua đó góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí của xã hội và của Nhà nước trong việc giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong quan hệ dân sự.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật