Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nông Văn Dực, Phó Giám đốc Sở Tư pháp nhấn mạnh, công tác hòa giải ở cơ sơ có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, là phương thức để hóa giải tranh chấp, xích mích trong cộng đồng dân cư một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất; giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết; tiết kiệm thời gian kinh phí cho Nhà nước và nhân dân; từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đồng chí cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác này, yếu tố cơ bản và then chốt nhất chính là các “hòa giải viên ở cơ sở”, để đội ngũ này, hoạt động có hiệu quả thì công tác bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên là nhiệm vụ quan trọng, đặt ra hàng đầu. Và nhân tố quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu đó, chính là các tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện, cán bộ, công chức được giao thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở…
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Thị Quế, Trưởng phòng Phòng Quản lý công tác hòa giải ở cơ sở, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, giới thiệu nội dung chính của Tài liệu bồi dưỡng tập huấn viên hòa giải ở cơ sở được ban hành kèm theo Quyết định số 1887/QĐ-BTP ngày 09/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, gồm các nội dung trọng tâm như: giới thiệu về tập huấn viên, vai trò, nhiệm vụ của tập huấn viên hòa giải ở cơ sở, đó là những người có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp để hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; các phương pháp, kỹ năng tập huấn....
Thông qua buổi tập huấn, góp phần trang bị thêm hành trang, kiến thức cho đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện, cán bộ, công chức được giao thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở để áp dụng vào thực tiễn.
Vân Anh
Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng