Tính đến tháng 12/2022, trên toàn tỉnh Bắc Giang có 06 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến năm 2023 có thêm huyện Lục Nam đạt chuẩn nông thôn mới; đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 138/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 75% (cao hơn bình quân chung cả nước hiện nay là 63,4%, đứng tốp đầu khu vực miền núi phía Bắc); 23 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Theo Kế hoạch của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bắc Giang, năm 2022 có 09 xã xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới, 19 xã xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 01 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2022 là năm thứ hai triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh đầu năm dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân. Nhưng với sự tập trung nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chủ động của các địa phương, Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt được kết quả cao, hoàn thành vượt chỉ tiêu, kế hoạch.
Thực hiện tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thay thế Quyết định số 619/QĐ-TTg, ngày 14/9/2021, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 4707/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg. Kế hoạch xác định các nội dung thực hiện, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị của tỉnh và UBND cấp huyện trong triển khai thực hiện, tạo cơ sở cho việc phối hợp giữa ngành Tư pháp với các Sở, ngành, địa phương và tăng cường vai trò của ngành Tư pháp trong chủ trì hướng dẫn, triển khai thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và tham gia xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật từng năm. Ngoài ra, Sở Tư pháp chủ động, thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương để nâng cao hiệu quả nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thực hiện Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 và tiêu chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn, Sở Tư pháp đã ban hành văn bản triển khai thực hiện Quyết định số 1723/QĐ-BTP gửi UBND các huyện, thành phố, trong đó đề nghị, phổ biến, quán triệt nội dung Quyết định số 1723/QĐ-BTP và tiếp tục phổ biến Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP và các văn bản có liên quan bằng các hình thức phù hợp. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh tại Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tham mưu giúp UBND huyện, thành phố thành lập hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật đảm bảo số lượng, thành phần quy định. Từ đó, tham mưu giúp UBND cấp huyện chỉ đạo, triển khai và hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn gắn với thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Chú trọng công tác quán triệt, tập huấn, truyền thông
Sở Tư pháp đã chủ trì tổ chức hội nghị trực tuyến 03 cấp triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Kế hoạch của UBND tỉnh để quán triệt, hướng dẫn đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đến 100% tất cả các phòng Tư pháp các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã. Sau hội nghị cấp tỉnh, 10/10 huyện, thành phố đều tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt, triển khai đến toàn bộ đội ngũ lãnh đạo UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, các công chức Tư pháp - Hộ tịch, Văn phòng - Thống Kê, Trưởng Công an xã để tổ chức thực hiện công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật ở địa phương mình. Đặc biệt hàng năm, Sở Tư pháp đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã.
Đặc biệt, năm 2022 Sở Tư pháp đã biên soạn cuốn tài liệu “Cẩm nang xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” nhằm giúp cơ quan, đơn vị, công chức theo dõi, tham mưu thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hiểu thêm về các quy định của pháp luật và có kỹ năng thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tăng cường công tác khảo sát, kiểm tra tình hình thực hiện
Ngay từ đầu năm 2022, Sở Tư pháp đã thực hiện việc khảo sát, kiểm tra đánh giá toàn diện việc thực hiện công tác xây dựng, đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với 10/10 huyện, thành phố theo Quyết định số 619/QĐ-TTg và việc triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg để đưa ra các biện pháp chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Qua công tác kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã giúp cơ quan quản lý nhà nước đánh giá kết quả triển khai, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và nâng cao hiệu quả công tác này theo đúng quy định.
Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan
Trên cơ sở nội dung các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho các cơ quan đơn vị, địa phương phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn, đề ra giải pháp thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật theo trách nhiệm và phạm vi quản lý của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật các huyện, thành phố đều được thành lập, các thành viên Hội đồng thường xuyên phối hợp, tiến hành thẩm định, đánh giá công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp thường xuyên phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới của tỉnh thẩm định, tham gia ý kiến tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật đối với hồ sơ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, truyền thông xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả.
Nhìn chung, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2025 cũng như việc thực hiện tiêu chí xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nói riêng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã được các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp và đã đạt được những kết quả quan trọng. Thông qua việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã nâng cao nhận thức pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng, tuân thủ và chấp hành pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền được thông tin về pháp luật; kịp thời tháo gỡ mâu thuẫn, tranh chấp, vướng mắc, kiến nghị trong thi hành pháp luật trên địa bàn cấp xã. Trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ được nâng cao. Việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện theo đúng quy định, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang./.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật