Liên kết website

Tổng kết Đề án nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều mục tiêu đề ra

20/12/2022

Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 – 2022” ban hành kèm theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai trên địa bàn tỉnh Ninh Bình với nhiều khởi sắc, nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Lãnh đạo Ủy ban nhân dân các cấp.

Ủy ban nhân dân, Hội đồng phối hợp tỉnh đều ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở.  Trong đó xác định mục tiêu xây dựng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở có trình độ, kỹ năng và nghiệp vụ hòa giải để giải quyết kịp thời, hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở, góp phần tạo sự chuyển biến toàn diện công tác hòa giải ở cơ sở ở địa phương. UBND các huyện, thành phố đã ban hành văn bản và tổ chức thực hiện nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở.
Các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án được triển khai toàn diện, bên cạnh các tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ; tài liệu hỗ trợ, tham khảo dành cho hòa giải viên, tập huấn viên thôn qua các tờ gấp, sách, sổ tay… (53.200 tờ gấp; 5.100 sách hòa giải; 44 sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở); công tác xây dựng đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện (06 tập huấn viên cấp tỉnh; 68 tập huấn viên cấp huyện) được chú trọng, là những người có đủ khả năng, kiến thức, phương pháp để hướng dẫn, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho hòa giải viên; luôn bám sát vào tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương để thực hiện các hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định của pháp luật. Việc củng cố, kiện toàn tổ hòa giải; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải cho báo cáo viên hòa giải viên trên địa bàn được quan tâm. Toàn tỉnh có 1.686 tổ hòa giải với 9.967 hòa giải viên, trong đó có 158 hòa giải viên có chuyên ngành Luật. Các tổ hòa giải được kiện toàn theo thôn, xóm, tổ dân phố (trung bình mỗi thôn, phố một tổ hòa giải); một số xã mỗi thôn có từ 2-3 tổ hoà giải; các tổ hòa giải đã kiện toàn thành viên nữ tham gia; địa phương có người dân tộc thiểu số sinh sống đã bổ sung thành viên tổ hòa giải là người dân tộc thiểu số theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở.
Thực hiện Đề án, năm 2019 tỉnh đã lựa chọn 03 đơn vị cấp xã chỉ đạo điểm. Trong đó tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho 330 hòa giải viên; 13 đợt tuyên truyền kết hợp với tư vấn pháp luật, trợ giúp miễn phí tại cơ sở cho 1.043 hòa giải viên, tuyên truyền viên pháp luật và Nhân dân tại các xã vùng bãi ngang, ven biển và các xã miền núi, vùng dân tộc của một số huyện. Sở Tư pháp đã mở các lớp tập huấn chuyên sâu kỹ năng về hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên trên địa bàn các huyện, thành phố. Bên cạnh đó còn tổ chức 25 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL, tập huấn cho 3.270 hòa giải viên; phối hợp với Hội đồng phối hợp cấp huyện tổ chức 112 hội nghị tập huấn cho 14.375 tuyên truyền viên, hòa giải viên cơ sở, thành viên các câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật. Trang thông tin điện tử phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Ninh Bình (tên miền: http://phobiengiaoducphapluat.ninhbinh.gov.vn) đã có chuyên mục về công tác hòa giải ở cơ sở được liên kết với Cổng/Trang của 11 cơ quan, đơn vị ở Trung ương và 28 đơn vị các sở, ban ngành đoàn thể và các huyện, thành phố, các xã, phường thị trấn trên địa bàn. Qua đó tạo điều kiện cho hòa giải viên truy cập vào các trang website như: Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Trang thông tin về pháp luật để nghiên cứu các văn bản luật khi cần thiết.
Tổng kết Đề án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được các mục tiêu đề ra, chẳng hạn 100% hòa giải viên được nghiên cứu, cập nhật bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải; 100% hòa giải viên được cung cấp các tài liệu về hòa giải và các văn bản liên quan. Trong giai đoạn 2019-2022, các tổ hòa giải đã tiếp nhận hơn 2.267 vụ việc, hòa giải thành 1.827 vụ việc với tỷ lệ trung bình đạt trên 80%. Tình hình vi phạm pháp luật giảm so với giai đoạn 2015-2018. Thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư, góp phần vào việc giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, duy trì và phát huy những tình cảm, truyền thống, đạo lý tốt đẹp trong mỗi gia đình và cộng đồng; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Tuy nhiên việc thực hiện Đề án còn một số khó khăn, hạn chế một số địa phương chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác hòa giải đối với đời sống xã hội, vì vậy thiếu sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác này. Kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ của một số hòa giải viên còn hạn chế, khả năng tiếp cận và giải quyết vụ việc phức tạp chưa cao; một số tổ hòa giải hoạt động còn mang tính sự việc, chưa chú trọng đến chiều sâu.
Trên cơ sở đó, Ninh Bình xác định một số giải pháp cho công tác hòa giải ở cơ sở, đó là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền đối với công tác hòa giải ở cơ sở; nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác hòa giải ở cơ sở để hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của công tác hòa giải; nâng cao năng lực cả về kiến thức và kỹ năng cho hòa giải viên cơ sở để đáp ứng nhu cầu giải quyết tranh chấp ngày càng nhiều và phức tạp nảy sinh do sự phát triển kinh tế - xã hội, sự hội nhập hiện nay; gắn hòa giải ở cơ sở với PBGDPL, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tăng cường theo dõi, kiểm tra tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở...
Đồng thời tỉnh đã kiến nghị, đề xuất với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện Đề án, trong đó có một số nội dung trọng tâm như tham mưu Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện Đề án giai đoạn 2022-2025; sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 100/2014/TTLTBTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp; nhân rộng các mô hình hòa giải ở cơ sở có hiệu quả đang được áp dụng triển khai trên thực tế. /.
Các tin đã đưa ngày: