Qua 05 năm thực hiện Kế hoạch, hoạt động phối hợp giữa hai ngành đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào kết quả công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tại địa phương.
Với chức năng nhiệm vụ được giao, hàng năm Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh xây dựng các Kế hoạch PBGDPL, Kế hoạch về hoạt động của Hội đồng, Kế hoạch thực hiện các Đề án,
chương trình về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, ngành Tư pháp thường xuyên có văn bản xin ý kiến góp ý văn bản của các ngành trong đó có Hội Luật gia. Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh có 01 lãnh đạo làm thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh và 03 đồng chí là báo cáo viên pháp luật tỉnh.
Sở Tư pháp là đơn vị đầu mối tham mưu thực hiện Kế hoạch số 548/KH-UBND ngày 15/9/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó có Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý”. Trên cơ sở hướng dẫn và đóng góp ý kiến của Sở Tư pháp, Hội Luật gia tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 638/KH-UBND ngày 3/10/2018 để tổ chức thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” trên địa bàn tỉnh. Sở Tư pháp tham gia Ban Chỉ đạo, Tổ thư ký thực hiện Đề án. Trong thời gian thực hiện Đề án, đã tổ chức tập huấn cho 1.950 luật gia để triển khai Đề án; tổ chức 63 cuộc tuyên truyền pháp luật cho 5.600 lượt người tham gia; tư vấn pháp luật được 110 buổi cho 1.400 lượt người; cấp phát 6.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền Luật An ninh mạng, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Bảo vệ môi trường và Luật an toàn thực phẩm; Biên soạn, in ấn 1.200 cuốn sách hỏi đáp pháp luật; Đăng 57 tin, bài trên website của Hội Luật gia tỉnh; Tổ chức 02 hội thảo “Các giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng mô hình xã hội hóa phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý” và “Vai trò Hội Luật gia trong phòng chống tham nhũng và xây dựng đạo đức công vụ” với hơn 200 người tham gia; tuyên truyền lưu động với hơn 9.000 lượt người tham gia; xây dựng phóng sự tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý ở vùng đồng bào dân tộc bằng tiếng Kinh và tiếng HMông với thời lượng 15 phút được phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; xây dựng mô hình “Phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số” ở bản Phà Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tại xã Lục Dạ, huyện Con Cuông, tại bản Thanh Sơn, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông.
Các cấp Hội luật gia đã tiến hành lồng ghép có hiệu quả giữa hoạt động tư vấn pháp luật với hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Kết quả các cấp hội luật gia toàn tỉnh đã thực hiện tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí cho 261 trường hợp là người dân thuộc các lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, Trung tâm cũng triển khai tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý sau các hội nghị phổ biến pháp luật. Hội Luật gia tỉnh đã thành lập các đoàn đi đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc HMông để trợ giúp pháp lý.
Các cấp Hội trong tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, phòng tư pháp các huyện tổ chức được 289 cuộc trợ giúp pháp lý lưu động về cơ sở tuyên truyền pháp luật.
Các huyện hội tích cực cử Luật gia tham gia tổ tư vấn cho UBND trong các hoạt động, điển hình như Hội luật gia Thành phố Vinh tham gia Tổ tư vấn lựa chọn tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và tham gia giám sát các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Vinh… Bên cạnh đó các Chi hội Luật gia đã gắn với chức năng, nhiệm vụ của từng phòng, ngành, đơn vị để thực hiện tốt chức năng tư vấn pháp luật, tư vấn trong giải quyết khiếu nại - tố cáo cho cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là các vụ việc phát sinh trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cưỡng chế thu hồi đất, xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước ở các địa phương,...
Hàng năm, Sở Tư pháp tổ chức 01-02 cuộc tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật tỉnh trong đó có sự tham gia của các báo cáo viên pháp luật Hội Luật gia tỉnh. Tại các huyện hội đã có sự phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn, hội thảo, tọa đàm tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, hội viên Hội Luật gia. Từ 2018-2023, số lượng tài liệu PBGDPL được chia sẻ giữa hai ngành là 8.588 tài liệu.
Trong thời gian tới, dự kiến hai ngành sẽ tiếp tục tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp để triển khai các hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành, đồng thời góp phần thúc đẩy các hoạt động PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ liên quan tại địa phương./.
Thùy Dương
Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An