Liên kết website

Nghệ An thực hiện hiệu quả Luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh

11/09/2023

Sau 10 năm thực hiện Luật hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả, qua đó khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể về vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở đã được nâng lên, đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan tư pháp địa phương.

Để hướng dẫn và triển khai Luật hòa giải ở cơ sở đồng bộ, hiệu quả, tạo tiền đề cho việc thi hành Luật, UBND tỉnh đã giao Sở Tư pháp – Cơ quan thường trực của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng nội dung của Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành.
UBND tỉnh đã tổ chức các hội nghị tập huấn, quán triệt nội dung cơ bản của Luật hòa giải ở cơ sở, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cho Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, đại diện lãnh đạo, công chức tư pháp cấp huyện, xã. Công tác biên soạn, phát hành tài liệu phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở được tỉnh chú trọng (Từ năm 2014 đến nay, các Sở, ban, ngành, Uỷ ban MTTQ tỉnh và các địa phương đã biên soạn và phát hành hơn 4.000 sổ tay pháp luật về hòa giải ở cơ sở; hơn 120.000 tờ gấp và hơn 50.000 cuốn tài liệu photo cấp phát cho hoà giải viên; 18.381 cuốn Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở cấp phát cho các tổ hòa giải; Ngoài ra, đã cấp phát hơn 564.000 cuốn tài liệu về các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình và một số lĩnh vực khác; 432.000 tờ gấp tìm hiểu pháp luật khiếu nại, tố cáo, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường; 1.852 đĩa DVD về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật… cho các hòa giải viên nghiên cứu, nâng cao kiến thức pháp luật. Xây dựng các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ biến Luật, các văn bản hướng dẫn thi hành và tình hình tổ chức thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trên các phương tiện thông tin đại chúng
Bên cạnh đó, các Sở, ban, ngành có liên quan đã ban hành các công văn chỉ đạo, hướng dẫn UBND cấp huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Năm 2016 và năm 2023, UBND tỉnh đã tổ chức thành công 02 Hội thi “Hội thi Hòa giải viên giỏi lần thứ IV, lần thứ V trên địa bàn tỉnh” dưới hình thức sân khấu hóa, đã thu hút hơn 28.000 lượt hòa giải viên và người dân ở cơ sở tham gia; tổ chức 03 Hội nghị tôn vinh Hòa giải viên tiêu biểu trên toàn tỉnh nhằm biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh
Cùng với đó, đội ngũ quản lý nhà nước các cấp về hòa giải ở cơ sở luôn được quan tâm củng cố, kiện toàn. Hàng năm, Sở Tư pháp đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho 100% công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã về kỹ năng, nghiệp vụ công tác hòa giải cơ sở; phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để trên cơ sở đó triển khai, tham mưu trong công tác quản lý nhà nước về hòa giải cơ sở; tổ chức gần 100 lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho hơn 1.000 hòa giải viên cơ sở.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 55 Câu lạc bộ về hòa giải cơ sở điển hình, hòa giải kiểu mẫu, tổ hòa giải kiểu mẫu, tổ hòa giải cơ sở điển hình, tổ hòa giải cộng đồng…. Các Câu lạc bộ được sinh hoạt định kỳ hàng quý, tại các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ đều mời Thẩm phán Tòa án về trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hòa giải cơ sở…
Công tác kiểm tra thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở cũng được chú trọng và thực hiện định kỳ. Hằng năm, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã thành lập từ 04 - 5 đoàn kiểm tra, trong đó có 2 đoàn của Sở Tư pháp để kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải cơ sở tại các địa phương.       Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức hoạt động hòa giải ở cơ sở tại một số địa phương còn hạn chế; thành phần tham gia tổ hòa giải còn nặng về thành phần theo cơ cấu nên chưa thực sự thu hút đông đảo thành phần nhân dân tham gia. Các hòa giải viên kiêm nhiệm nhiều chức danh khác nhau nên thời gian dành cho công tác hòa giải ít, dẫn đến chất lượng hòa giải chưa cao, chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Tỷ lệ vụ việc hòa giải thành chưa thật sự cao. Hoạt động hòa giải đôi khi còn mang tính hình thức, chiếu lệ, thụ động… Đội ngũ cán bộ Tư pháp chuyên trách tại các xã, phường, thị trấn còn thiếu và thường xuyên thay đổi nên thiếu kinh nghiệm trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở, thời gian tới, tỉnh đề nghị đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu tổng hợp, nhân rộng một số mô hình và cách làm hay, hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện Luật để các địa phương tham khảo, áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới...
Thùy Dương
Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An
Các tin đã đưa ngày: