Liên kết website

Kết quả kiểm tra công tác Phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật tại cấp xã trên địa bàn tỉnh Thái Bình

27/10/2023

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, năm 2023 Sở Tư pháp đã tổ chức hoạt động kiểm tra công tác Phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật (PBGDPL, HGOCS, CTCPL) tại 38/260 đơn vị cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả cho thấy mặc dù còn nhiều khó khăn hạn chế, nhưng công tác PBGDPL, HGOCS, CTCPL đã được các cấp chính quyền quan tâm chỉ đạo và đạt được những thành tích đáng ghi nhận.

Công tác chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai hoạt động PBGDPL, HGOCS, CTCPL được thực hiện tốt. Hàng năm, UBND các xã đã chủ động, kịp thời xây dựng các Kế hoạch triển khai thực hiện và các văn bản chỉ đạo khác về công tác PBGDPL trên địa bàn đúng thời hạn, nội dung bám sát kế hoạch của UBND tỉnh và UBND huyện. Trong đó 90% các xã ban hành kế hoạch trong 05 ngày kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hình thức tuyên truyền, PBGDPL đa dạng, phù hợp như: Tổ chức Hội nghị tuyên truyền pháp luật, trung bình các ban, ngành, hội, đoàn thể các xã tổ chức và phối hợp tổ chức từ 3-5 hội nghị tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, hội viên và nhân dân trên địa bàn; Phổ biến pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống loa truyền thanh. Hàng tuần hệ thống loa truyền thanh xã thực hiện phát sóng 02 buổi truyên truyền pháp luật, mỗi buổi từ 10-15 phút. Trong các đợt cao điểm như tháng hành động phòng chống ma túy, hưởng ứng tuyển quân.. có thể thực hiện tuyên truyền liên tiếp 7 ngày/tuần, mỗi ngày 02 lượt. Ngoài ra còn một số hình thức khác như phát tài liệu, tờ rơi, tờ gấp sổ tay; tư vấn pháp luật, đối thoại giải quyết tranh chấp, trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở, cổng thông tin điện tử của xã… Nội dung tuyên truyền tương đối phong phú, tập trung vào các văn bản pháp luật về Giao thông đường bộ, Hôn nhân và gia đình,  Phòng chống bạo lực gia đình, Bình đẳng giới, Môi trường, Nghĩa vụ quân sự, Hòa giải ở cơ sở, Khiếu nại, Tố cáo, Phòng chống tham nhũng. Đối tượng tuyên truyền được mở rộng từ cán bộ, công chức đến thanh thiếu niên, phụ nữ, nông dân, học sinh, người lao động…
Các xã đã bố trí, đầu tư kinh phí cho công tác PBGDPL từ ngân sách nhà nước. Trung bình từ  5 – 10 triệu/ năm. Đặc biệt, một số xã đã huy động được các nguồn kinh phí xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao. Các xã đã trú trọng xây dựng, duy trì và nhân rộng mô hình phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn. Điển hình  như mô hình “ Phổ biến, giáo dục pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh” “Tuyên truyền pháp luật lưu động tại các điểm dân cư” “Câu lạc bộ học đường” “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật” “Câu lạc bộ thanh niên tuyên truyền pháp luật” “Mô hình phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái”…Đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật được thường xuyên củng cố, kiện toàn và tạo điểu kiện tập huấn nâng cao năng lực. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 2.998 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật tuy thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, bán chuyên trách nhưng đều phát huy tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, đã tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục được quan tâm triển khai, thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở và kế hoạch của UBND tỉnh. Tổ hoà giải được thành lập ở tất cả các thôn/xóm trên địa bàn, được kiện toàn đủ thành phần, trung bình mỗi tổ có từ 5-7 hòa giải viên. Hàng năm các hòa giải viên được tạo điều kiện tham gia tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, được tiếp nhận các vụ việc đồng thời tiến hành hòa giải thành nhiều vụ, việc. Tỷ lệ hòa giải thành cao, có nhiều xã đạt tỷ lệ 100% hòa giải thành như: Xã An Tràng, An Hiệp, An Ấp – huyện Quỳnh Phụ; Xã Thụy Dân – huyện Thái Thụy; Xã Vũ Lễ - huyện Kiến Xương..Việc ghi chép Sổ theo dõi hoạt động hoà giải ở cơ sở được thực hiện đầy đủ theo đúng quy định. 100% các xã được kiểm tra đã xây dựng và thường duy trì hoạt động ít nhất 01 mô hình về công tác hòa giải ở cơ sở, điển hình như mô hình “Huy động người có uy tín tham gia hoạt động hòa giải” tại xã Thái thịnh, huyện Thái Thụy; Mô hình “Hòa giải ở cơ sở kết hợp với tuyên truyền pháp luật” tại xã Thái Đô, huyện Thái Thụy; Mô hình “  Hòa giải tại thôn Thái Hoàng 1” của xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng…
Kinh phí cho công tác hòa giải được bố trí từ ngân sách chi cho hoạt động PBGDPL.  Một số xã đã bố trí nguồn chi thường xuyên cho hoạt động này như xã Đông Hoàng, huyện Đông Hưng bố trí chi cho mỗi tổ hòa giải 500.000 đ/năm, hòa giải thành 100.000 đ/vụ; Xã Đông Xá, huyện Đông Hưng bố trí 6.800.000 đ/năm cho hoạt động hòa giải, trong đó chi thù lao cho hòa giải viên 100.000 đ/vụ; Xã Dũng Nghĩa, huyện Vũ Thư chi hỗ trợ cho hòa giải viên 20.000 đ/người/ buổi hòa giải, 100.000đ/vụ hòa giải thành; Xã Vũ An, huyện Kiến Xương dự toán chi cho hoạt động hòa giải năm 2023 là 10.000.000 đ; Xã Tây Ninh, huyện Tiền Hải đã hỗ trợ kinh phí cho mỗi vụ việc hoà giải thành là 200.000đ…
Công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được triển khai nề nếp, hiệu quả, thành phần hồ sơ chứng minh tương đối đầy đủ theo quy định. 100% các xã được kiểm tra đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2022. Trong đó có nhiều xã đăng ký về đích Nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL, HGOCS và CTCPL tại các xã vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Công tác bồi dưỡng cho đội ngũ hòa giải viên và tuyên truyền viên pháp luật mặc dù đã được chính quyền địa phương quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là về kỹ năng, nghiệp vụ.
Việc áp dụng, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác PBGDPL chưa được chú trọng. Mặc dù 100% các xã đã xây dựng cổng thông tin điện tử, nhưng việc duy trì hoạt động chưa được thực hiện tốt, thông tin PBGDPL còn đơn điệu, không được cập nhật thường xuyên. Một số xã còn thụ động, trông chờ sự hướng dẫn của cấp trên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, nặng về lý thuyết, chưa thực sự gắn với thực tiễn đời sống. Việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Lực lượng cán bộ Tư pháp xã còn mỏng, đa số các xã mới chỉ bố trí được 01 công chức cho công tác Tư pháp, thậm chí một số xã thuộc huyện Vũ Thư công chức thực hiện công tác Tư pháp là kiêm nhiệm. Chế độ đãi ngộ cho đội ngũ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế.
Để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, HGOCS, CTCPL, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, trong thời gian tới cần quan tâm thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến giáo dục pháp luật; Có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại cơ sở; Tăng cường hơn nữa sự tham gia đóng góp ý kiến của nhân dân đối với hoạt động của chính quyền địa phương; Tích cực áp dụng công nghệ thông tin vào công tác PBGDPL; Bố trí kinh phí phù hợp cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tranh thủ sự hỗ trợ về kinh phí của các tổ chức, cá nhân quan tâm đến hoạt động này. Tăng cường kiểm tra định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; chú trọng việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, biểu dương các gương điển hình trong phổ biến, giáo dục pháp luật ngay trong từng địa phương./.
Trần Thị Hồng
Sở Tư pháp Thái Bình
Các tin đã đưa ngày: