Liên kết website

Bắc Giang: Kết quả ấn tượng qua 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở

27/10/2023

Qua 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng góp phần thiết thực trong việc bảo đảm tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở, cụ thể:

1.Thường xuyên củng cố, kiện toàn Tổ hòa giải và hòa giải viên
Trong thời gian qua, hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không ngừng phát triển. Đội ngũ Hòa giải viên luôn nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm và tự nguyện. Hàng năm định kỳ 06 tháng, Sở Tư pháp yêu cầu Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tiến hành rà soát, thống kê số lượng, thành phần hòa giải viên, trên cơ sở kết quả rà soát, hướng dẫn Phòng Tư pháp các huyện, thành phố phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp hướng dẫn các xã, phường, thị trấn củng cố, kiện toàn tổ hòa giải theo quy định pháp luật.
Thành lập tổ hòa giải ở các thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư chưa có tổ hòa giải, đảm bảo mỗi thôn, bản, tổ dân phố, khu dân cư phải có ít nhất 01 tổ hòa giải. Toàn tỉnh hiện có 2.133 tổ hòa giải với 14.296 hòa giải viên. Cơ cấu
các tổ hòa giải quy tụ được lực lượng nòng cốt, có uy tín, kinh nghiệm trong cộng đồng dân cư như: Bí thư chi bộ, Trưởng thôn/Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng các chi hội (Hội Cựu chiến binh,
Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Người cao tuổi), bí thư chi đoàn Thanh niên và những người có uy tín, hiểu biết pháp luật trên địa bàn.
Chất lượng Hòa giải viên ngày càng được nâng cao về trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, về cơ bản đáp ứng yêu cầu bối cảnh thực tiễn; đa số các Hòa giải viên đều có trình độ học vấn từ trung học cơ sở trở lên, một số Hòa giải viên có trình độ đại học, chuyên môn Luật (đây là điều kiện thuận lợi cho công tác hòa giải ở cơ sở); các Hòa giải viên được bầu đều là những người có phẩm chất đạo đức tốt, sống gương mẫu, có uy tín, khả năng vận động, thuyết phục Nhân dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
2. Kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở được duy trì và bảo đảm
Việc bảo đảm kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở luôn được Hội đồng nhân dân tỉnh quan tâm, ban hành nhiều văn bản quy định cụ thể về nội dung và mức chi cho công tác hòa giải ở cơ sở như Nghị quyết số: 07/2014/NQHĐND ngày 11/7/2014; 39/2016/NQ-HĐND ngày 08/12/2016 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 07/2014/NQ-HĐND.
10/10 huyện, thành phố đã triển khai bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở. Trong 10 năm, tổng kinh phí chi cho công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh là: 13.166.296.000 đồng, trong đó: Chi thù lao cho hòa giải viên: 2.573.780.000 đồng; chi bầu hòa giải viên: 578.640.000 đồng; chi hỗ trợ hoạt động của Tổ hòa giải: 5.829.346.000 đồng; chi tập huấn, cung cấp tài liệu, nâng cao năng lực cho hòa giải viên: 4.061.330.000 đồng; một số huyện, thành phố đã dành sự quan tâm bố trí kinh phí cho công tác hòa giải như: Tân Yên, Việt Yên, Lạng Giang, thành phố Bắc Giang...
3. Tỷ lệ hòa giải thành luôn đạt ở mức cao
Trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải trên địa bàn đã tiếp nhận 16.729 vụ việc. Trong đó, số vụ hòa giải thành: 14.110 vụ việc (đạt 84,3%), số vụ hòa giải không thành: 2.619 vụ việc (chiếm tỷ lệ 15,7%); một số huyện có tỷ lệ hòa giải thành cao như: Sơn Động: 92,7%; thành phố Bắc Giang: 92,3%; Việt Yên: 88%; Yên Thế: 86,1%; Lạng Giang: 86%.... Các mâu thuẫn, tranh chấp được hòa giải chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực đất đai, dân sự (tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất...); hôn nhân và gia đình (xung đột giữa vợ và chồng, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình); mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác)...việc hòa giải thành đạt tỷ lệ ngày càng cao đã góp phần quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, hạn chế đơn thư vượt cấp, đồng thời hoà giải còn là một hình thức PBGDPL gắn với từng vụ việc cụ thể, vì vậy có hiệu quả trực tiếp, thiết thực đối với người dân.
4. Phát huy vai trò của những người am hiểu pháp luật tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở
Trong 10 năm qua, việc củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải luôn được quan tâm nhằm nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở. Trong quá trình hòa giải, ngoài việc phát huy năng lực, sở trường của các hòa giải viên, các địa
phương đã quan tâm phát huy vai trò của những người am hiểu pháp luật như: Luật sư, Luật gia đã từng công tác ở các cơ quan: Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an, Thi hành án dân sự, công chức tư pháp, cán bộ Công chức về hưu...tham gia các tổ hòa giải hoặc mời họ tham gia các vụ hòa giải phức tạp. Hiện nay trên địa bàn có 07/10 huyện đã bước đầu có thành viên tổ hòa giải là những người am hiểu pháp luật như huyện Yên Thế, Lạng Giang, Sơn Động, Hiệp Hòa, Tân Yên, Việt Yên, Lục Ngạn. Việc mời những người am hiểu pháp luật tham hoạt động hòa giải đã nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở (tỷ lệ hòa giải thành cao, các hòa giải viên nâng cao kỹ năng hoạt động hòa giải).
5. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận với cơ quan tư pháp trong công tác hòa giải ở cơ sở
Mặt trận Tổ quốc thường xuyên phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp thành lập, củng cố, kiện toàn về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải; quan tâm tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, trang bị tài liệu cho hòa giải viên tại địa phương; hằng năm phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về hòa giải để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; định kỳ phối hợp sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở. Qua 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức 18 lớp tập huấn pháp luật về hòa giải ở cơ sở cho trên 2.300 đại biểu là Tổ trưởng tổ hòa giải ở cơ sở, đồng thời phát hành trên 2.000 cuốn tài liệu liên quan. Tại cấp huyện. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các huyện, thành phố phối hợp với Phòng Tư pháp, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức 175 hội nghị tập huấn, gần 2000 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL về hòa giải ở cơ sở.
Hoạt động phối hợp trong công tác hòa giải ở cơ sở còn được lồng ghép trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động ở cơ sở do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11”; tích cực phối hợp với chính quyền vận động nhân dân giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình, khu dân cư bằng biện pháp hòa giải ở cơ sở...; đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở là một tiêu chí trong đánh giá thực hiện cuộc vận động; bình xét “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư tiên tiến”, “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”, xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; đánh giá cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Qua các hoạt động này đã nâng cao nhận thức của quần chúng Nhân dân về vị trí, vai trò quan trọng của công tác này trong việc ổn định trật tự an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư.
Qua việc triển khai hiệu quả các hoạt động nêu trên cho thấy, việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành của tỉnh Bắc Giang đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ và vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp, hoạt động thực chất, hiệu quả; Luật Hòa giải ở cơ sở đã tạo ra một quy trình pháp lý linh hoạt, nhanh chóng để giải quyết các vụ tranh chấp trong cộng đồng dân cư; các văn bản hướng dẫn cung cấp các nguyên tắc, quy định và quy trình cụ thể để đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong quá trình hòa giải. Điều này giúp người dân và tổ chức có thể giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả và tránh việc phải đưa vụ việc lên Tòa án. Đây là cơ sở cho Nhân dân tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp giúp tăng cường nhận thức về quyền và nghĩa vụ pháp lý của các cá nhân và cộng đồng, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với xã hội. Bằng cách tạo ra môi trường thuận lợi để các bên thương lượng và đạt thỏa thuận, Luật Hòa giải ở cơ sở đã đóng góp vào việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn trong cộng đồng, hình thành trong mỗi công dân ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng nề nếp "sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" trong Nhân dân.
T.K
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: