Liên kết website

Nâng cao kiến thức và phương pháp cho tập huấn viên cấp tỉnh về hòa giải ở cơ sở bảo đảm bình đẳng giới

01/12/2020

Tiếp nối các hoạt động triển khai Bộ Tài liệu tập huấn về nhạy cảm giới trong hòa giải ở cơ sở đã được công bố vào tháng 9/2020, thực hiện Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh châu Âu (EU) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ, trong 02 ngày 26-27/11/2020, Bộ Tư pháp phối hợp với UNDP tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng hòa giải ở cơ sở bảo đảm bình đẳng giới cho gần 30 tập huấn viên cấp tỉnh của 11 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung (tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Gia Lai, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum, Phú Yên, Bình Thuận, Lâm Đồng và Đà Nẵng). Hội nghị được tổ chức tại tỉnh Khánh Hòa. Đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp đã dự và chủ trì Hội nghị.

Mục tiêu của Hội nghị: sau khi được tập huấn, tập huấn viên nắm được kiến thức cơ bản về giới, bình đẳng giới, định kiến giới, hòa giải ở cơ sở bảo đảm bình đẳng giới, nắm được phương pháp tập huấn, từ đó có đủ kiến thức, kỹ năng để tổ chức, vận hành lớp tập huấn cho hòa giải viên ở cơ sở.
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Vệ Quốc cho biết, kể từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, hàng năm hòa giải viên cả nước tiếp nhận hơn 120.000 vụ việc, hòa giải thành trên 100.000 vụ việc. Theo đó, nếu không có “tấm sàng lọc” hòa giải ở cơ sở, nếu hòa giải không thành sẽ tạo sức nặng lên cơ quan Tòa án cũng như ảnh hưởng quyền của công dân là được giải quyết nhanh, chính xác, công khai, minh bạch các mâu thuẫn, tranh chấp.
Xuất phát từ ý nghĩa, vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, thể chế về công tác này và trong đó các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm đến chất lượng đội ngũ hòa giải viên. Bên cạnh kết quả đã đạt được, hoạt động hòa giải ở cơ sở vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định và một trong số đó là chất lượng hòa giải viên chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn. Để góp phần khắc phục tồn tại, hạn chế này, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 28/4/2019 phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”, trong đó đặt ra nhiều nhiệm vụ cho các cấp chính quyền như xây dựng Bộ tài liệu, chương trình tập huấn, xây dựng và bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện; bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho hòa giải viên ở cơ sở. Để góp phần triển khai Đề án chất lượng, hiệu quả, Bộ Tư pháp đã phối hợp với UNDP tổ chức xây dựng Bộ Tài liệu tập huấn về hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới và bước đầu đã tổ chức tập huấn thành công cho đội ngũ tập huấn viên một số tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc, phía Nam về vấn đề liên quan đến bình đẳng giới trong hòa giải ở cơ sở.
Tại Hội nghị lần này, Ban Tổ chức đã mời 02 chuyên gia giảng dạy có trình độ, uy tín, kinh nghiệm của Trường Đại học Luật Hà Nội là PGS.TS. Nguyễn Thị Lan và TS. Nguyễn Phương Lan. Hội nghị tập huấn được tổ chức theo phương pháp tăng cường sự tham gia của người học, lấy người học làm trung tâm. Hội nghị dành nhiều thời gian cho các đại biểu thực hành theo hướng “cầm tay chỉ việc”, các đại biểu được trực tiếp thực hành nhuẫn nhuyễn cả kiến thức, kỹ năng và phương pháp.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp nhấn mạnh: Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ có mục tiêu tăng cường xây dựng pháp quyền xã hội chủ nghĩa thông qua hệ thống tư pháp tin cậy, dễ dàng tiếp cận hơn. Dự án hướng tới các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo, nhằm hỗ trợ họ giải quyết những khó khăn trong việc sử dụng các dịch vụ công trong hệ thống tư pháp để thực hiện các quyền hợp pháp theo quy định của pháp luật. Hội nghị tập huấn kỹ năng hòa giải ở cơ sở bảo đảm bình đẳng giới đang gắn kết rất tốt với mục tiêu của Dự án, là hoạt động rất có ý nghĩa, thiết thực đối với hòa giải viên ở cơ sở và cộng đồng.
 
Bà Đào Thị Thu An, đại diện UNDP tại Việt Nam cũng khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở thông qua kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2018 cho thấy 45% số người dân được khảo sát cho biết họ sẽ yêu cầu hòa giải từ “những người có uy tín” trong cộng đồng. Một số nghiên cứu, khảo sát về hòa giải ở cơ sở do UNDP tài trợ cũng cho thấy đa số các hòa giải viên được khảo sát cho rằng họ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng để làm việc với các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có phụ nữ và trẻ em. Điều này ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở. Do đó, việc triển khai Bộ tài liệu hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới sẽ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ. UNDP cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Tư pháp và các địa phương trong việc triển khai các hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ Dự án bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thiết thực.
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: